Đặng Hà (Danlambao)
- Cách đây 1 tuần Bộ trưởng Bộ Ngoại giao CHLB Đức Frank-Walter
Steinmeier đã sang thăm và làm việc tại Việt Nam 3 ngày từ 30/10 tới
1/11. Tại Hà Nội ông Steimeiner đã có những cuộc gặp nói chuyện với
Ngoại trưởng Phạm Bình Minh và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
1- Qua tựa đề các bản tin và bài báo chúng ta sẽ thấy rõ báo chí truyền
thông Đức đã chú ý và quan tâm đến những vấn đề gì trong chuyến viếng
thăm này mà báo chí ở Việt Nam dấu nhẹm.
Ngoại trưởng Đức và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc |
- Đài truyền hình ZDF (một trong 2 đài công cộng lớn nhất nước Đức) đã đưa tin với tựa đề:
Steimeier yêu cầu đổi mới chính trị ở Việt Nam
- Đài Deutsche Welle (đài truyền hình đối ngoại của Đức) đã đưa tin với tựa đề:
Steinmeier kêu gọi Việt Nam tiếp tục mở cửa
Ngoại trưởng Đức đã kêu gọi lãnh đạo cộng sản ở Hà Nội đừng xao lãng cải cách chính trị
- Bản tin của đài phát thanh Deutschlandfunk (đài phát thanh công cộng Đức) có tựa đề:
Ngoại trưởng Steinmeier kêu gọi Việt Nam đổi mới chính trị
Ngoại trưởng Steinmeier nhắc nhở những quyền tự do dân sự ở Việt Nam
- Thông tấn xã Đức DPA đã đưa tin với ảnh chụp có chú thích và đặt tựa đề như sau:
Steimeier kêu gọi đổi mới sâu rộng hơn
Kêu gọi chính phủ Việt Nam (Foto: DPA)
Ngoại trưởng Frank-Walter Steinmeier cũng đã yêu cầu Việt Nam cải cách
sâu rộng hơn. Sau những tiến bộ về kinh tế phải có những bước tương tự
về chính trị và xã hội - Tham nhũng vẫn tiếp tục còn là một vấn đề cần
phải đấu tranh chống lại.
2- Trong chuyến đi thăm Việt Nam, Ngoại trưởng Đức Steimeier chú trọng
vào giới trẻ, tương lai của VN. Vào thứ hai 31.10 Ngoại trưởng
Steinmeier đã đến thăm trường Đại học Luật Hà Nội và tham dự lễ khai
giảng chương trình học mới về "Pháp luật Đức và Châu Âu".
Nhân dịp này ông đã có một buổi tọa đàm với 15 sinh viên Việt Nam:
Đài Deutsche Welle (đài truyền hình đối ngoại của Đức) đã đưa tin về buổi tọa đàm này:
Tuy nhiên, ở Việt Nam không có một tờ báo nào nhắc tới chuyện này.
3- Trong lễ khai giảng chương trình học mới về "Pháp luật Đức và Châu
Âu" tại Đại học Luật Hà Nội ngày thứ hai 31.10.2016 Ngoại trưởng Đức
Steinmeier đã thuyết trình trước hàng trăm sinh viên ngồi chật kín Hội
trường. Làm như là không có sự kiện này, báo chí lề đảng tại Việt Nam
hoàn toàn im lặng, có lẽ bị cấm không được phép đưa tin về buổi thuyết
trình này.
Về nội dung bài nói chuyện, Ngoại trưởng Đức Steinmeier đã nói đến những
giá trị như Tự Do và Bình Đẳng và sự gắn kết của 2 giá trị này với
nhau, ông cũng bàn về những vấn đề như cải cách hành chính và nhà nước
pháp quyền. Đặc biệt ông cũng đề cập đến vụ nhà máy thép Formosa gây ra
thảm họa ô nhiểm môi trường và vụ tranh chấp quần đảo Hoàng sa và Trường
sa ở biển Đông.
Sau đây là bản dịch diễn văn của Ngoại trưởng Đức Steinmeimer do Nhóm THQBK thực hiện.
Diễn văn của
Ngoại trưởng Đức Steinmeier trong lễ khai giảng chương trình học mới về
"Pháp luật Đức và Châu Âu" tại Đại học Luật Hà Nội
31.10.2016
Kính thưa ngài Lê Tiến Châu, Thứ trưởng Bộ Tư pháp kiêm Hiệu trưởng Đại học Luật Hà Nội
Kính thưa Giáo Sư Tiến Sĩ Simon
Kính thưa quý vị giảng viên, các đồng nghiệp dân biểu
Kính thưa các quý vị trong đoàn đại biểu tháp tùng
Và đặc biệt: Các bạn sinh viên thân mến
Trước hết tôi lấy làm tiếc khi phải thú nhận tiếng Việt của tôi rất kém.
Vì thế tôi sẽ nói bằng tiếng Đức và hy vọng qua thông dịch quý vị sẽ
hiểu tôi rõ ràng.
Trước chuyến đi này dĩ nhiên tôi đã chuẩn bị kỹ lưỡng, đã đọc nhiều tài
liệu về Việt Nam do nhân viên của tôi đã khổ công sưu tập: về lịch sử
đất nước các bạn, về tình hình chính trị hiện tại, về phát triển kinh
tế. Nhưng sự chuẩn bị quan trọng nhất lại là cái khác: Trên Youtube và
Facebook tôi đã xem những đoạn video - không phải về vịnh Hạ Long hay
chùa Bà Đá, mà là về giao thông ở Hà Nội!
Tôi đến Hà Nội từ hôm qua và bây giờ tôi biết giao thông ở Việt Nam trên
thực tế như thế nào. Tôi chỉ có thể nói là tôi rất mừng vì không phải
tự lái xe lấy... Những người nào trong các bạn đã từng đến Đức một lần,
có lẽ hẳn biết ở Đức giao thông trật tự hơn. Như người bộ hành thông
thường sẽ đứng đợi trước đèn đỏ, dù trên đường không có xe chạy.
Nhưng đó không phải là lý do để các bạn đến đây. Tôi đoán rằng, trong số
các bạn ngồi đây những bạn nào sắp sửa sẽ học luật Đức chắc chọn môn
này không phải vì luật đi đường, mà vì những điều lớn lao hơn. Những
điều đó hôm nay chúng ta sẽ nói đến.
Hãy cho tôi bắt đầu bằng một câu hỏi trong giảng đường này: Ai trong các bạn học Luật?
Cám ơn. Và ai trong các bạn học năm đầu của học trình "Pháp luật Đức và
Châu Âu" mà chúng ta khai giảng hôm nay? Đó là một chọn lựa tốt. Và tôi
hy vọng rằng, khi buổi nói chuyện của tôi kết thúc, tôi có thể thuyết
phục được thêm các bạn khác chọn học trình mới này.
Bây giờ tôi xin tiết lộ với các bạn: Tôi cũng đã học Luật, dĩ nhiên là luật Đức.
Các bạn chắc đã tự hỏi, cũng như tôi hồi đó đã từng tự hỏi: Tại sao lại học Luật?
Mỗi người trong các bạn đều có những lý do riêng của mình. Tất nhiên là
trong đó có những dự kiến nghề nghiệp, chẳng hạn thu nhập tốt trong lĩnh
vực kinh tế, hoặc có thể là một con đường công danh trong chính trị
hoặc hành chính. Hoặc tôi với tư cách Ngoại trưởng có thể bổ sung thêm
một chọn lựa: Có thể một số trong các bạn sẽ trở thành nhà ngoại giao.
Lãnh vực này cũng cần luật gia giỏi. Nữ Đại sứ của các bạn ở Đức nhiệm
kỳ trước, bà Nguyễn Thị Hoàng Anh, cũng là luật gia và hiện nay vừa trở
thành Thẩm phán Tòa án Tối cao. Các bạn thấy đấy, có biết bao cơ hội hấp
dẫn mở ra cho quý vị ở đây, khu vực của các bạn xuất hiện nhiều căng
thẳng ngày càng tăng. Các cường quốc và những thế lực tranh giành sự
thống trị và đọ sức với nhau.
Ngay trong tình huống này, tôi thiết nghĩ, chúng ta cũng cần phải quay
trở lại với những nguyên tắc cơ bản của pháp luật: Vì nguyên tắc kép về
Tự do và Bình đẳng cũng làm cơ sở cho công pháp quốc tế. Tất cả các nước
đều là tự do, có chủ quyền và quyền tự quyết vận mệnh của mình. Tất cả
các quốc gia, dù to và mạnh hoặc nhỏ và yếu, đều hưởng được sự bảo vệ
chủ quyền như nhau. Đó là thành tựu văn minh của công pháp quốc tế: Sự
thống lĩnh của quyền lực và bạo lực được thay thế bằng sự thống lĩnh của
luật pháp. Nước nào, mà vi phạm công pháp quốc tế và xâm phạm chủ quyền
các nước khác, là làm nguy hại đến những thành quả của trật tự hòa bình
mà thế giới phải trải qua bao cuộc chiến tranh mới có được tại Liên
Hiệp Quốc.
Và công pháp quốc tế không chỉ thiết lập một trật tự cho hòa bình, mà
trong trường hợp xung đột nó còn giúp ích một cách thật cụ thể trong
việc giải quyết bình yên các mối căng thẳng và những tranh chấp quyền
lợi. Và tôi lại muốn đưa ra cho các bạn một thí dụ và không hoàn toàn
ngẫu nhiên nó liên quan đến luật biển. Ai trong các bạn đã nghe nói về
Thỏa ước Ems-Dollart? Không ai? Không có gì đáng ngạc nhiên. Trái lại,
tôi sẽ lấy làm ngạc nhiên nếu có bạn nào biết... Đó là một tranh chấp
trong 400 năm giữa Đức và Hà Lan vì tranh cãi về đường biên giới trên
biển Nordsee. Có thể quý vị ngạc nhiên, nhưng mà đúng như vậy, Đức và Hà
Lan đến thời gian gần đây vẫn còn tồn tại những vấn đề về biên giới mà
chưa được giải quyết. Do đó chúng tôi đã ngồi với các chuyên gia về
luật, những người như các bạn, và đã tìm ra giải pháp. Giải pháp đó
không phải là lấy thước kẻ một đường biên giới trên bản đồ, mà là thay
vì thế chúng tôi đã thỏa thuận pháp lý với nhau về việc sử dụng chung
hải phận.
Bây giờ tôi biết trong khu vực các bạn cũng có những căng thẳng liên
quan đến biển trong vùng này, mà nó quan trọng hơn nhiều so với vùng
biển ở Nordsee. Nhưng câu hỏi vẫn là liệu những căng thẳng được giải
quyết như thế nào về pháp lý và chính trị. Có lẽ người này hay người kia
trong số các bạn còn đang tìm đề tài cho một tiểu luận hoặc luận án
thạc sĩ, thì có thể lấy thí dụ vừa nêu từ đất nước tôi để xem xét kỹ.
Đối với chúng tôi và cả với Việt Nam, một nước ngày càng đóng vai trò
quan trọng trong ASEAN cũng như tại Liên Hiệp Quốc, trong mọi trường hợp
rõ ràng rằng, hòa bình chỉ được bảo đảm nếu công pháp quốc tế và chính
trị kết hợp với nhau. Công pháp quốc tế nhắm đến việc "lái" quyền lực đi
đúng trong "quỹ đạo" định trước, và những cường quốc trong chính trị
phải chấp nhận "quỹ đạo" này. Phán quyết mới nhất dựa trên cơ sở của
Công ước quốc tế về luật biển của Liên hiệp quốc là một bước pháp lý
quan trọng. Bây giờ là tùy thuộc vào việc, những yếu tố hướng dẫn nêu
trong phán quyết từng bước một dần dần sẽ trở thành thực tiễn pháp lý
quốc tế.
Trên bình diện quốc gia cũng như quốc tế, điều quan trọng là việc chung
sống cần phải có những luật lệ. Về việc áp dụng những luật lệ này như
thế nào thì phải do những tòa án độc lập quyết định. Chỉ như vậy mới bảo
đảm được rằng, sức mạnh của pháp luật chứ không phải luật của kẻ mạnh
là có giá trị.
Các bạn sinh viên thân mến
Bắt đầu bài phát biểu tôi đã kể rằng, giao thông ở Việt Nam khá là ấn tượng đối với tôi...
Nhưng dĩ nhiên đó không phải là điều duy nhất đập vào mắt, khi tôi đi
trên đường phố Hà Nội. Còn một điều đã gây chú ý cho tôi và điều đó quan
trọng hơn nhiều: Có biết bao người trẻ tuổi trên đường phố! 2/3 người
dân Việt Nam là dưới 30 tuổi - điều mà người ta ở nước Đức không thể quả
quyết được, ở đó các bạn thường thường nhìn thấy trên đường toàn màu
tóc giống như tôi...
Ở đây tại Hà Nội tôi cảm nhận được đất nước này thuộc về thế hệ trẻ! Các
bạn sinh viên thân mến, đó là cơ may tuyệt vời cho các bạn! Tương lai
thuộc về các bạn, các bạn sẽ xây dựng đất nước mình và có thể chứng minh
rằng, tự do và bình đẳng có thể được kết hợp hài hòa với nhau trong một
xã hội, mà ở đó mỗi cá nhân được tự do phát triển đồng thời với cộng
đồng lớn mạnh. Đó là nhiệm vụ nặng nề và tôi chúc các bạn nhiều thành
công... nhưng dĩ nhiên trước tiên là việc học hành. Cho việc học đại học
tôi chúc các bạn tất cả những điều tốt lành và hy vọng các bạn tìm thấy
những điều lý thú trong luật Đức. Và nếu đúng thế, thì các bạn hãy giữ
sự hứng thú không chỉ trong khi nghiên cứu học hỏi những điều khoản, mà
cả sau đó trong tương lai các bạn cộng tác cụ thể làm việc chung với
chúng tôi ở nước Đức. Chúng tôi rất vui mừng về điều đó.
Xin cảm ơn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét