HOANG DINH NAM/AFP
Kiến nghị do ông Nguyễn Trung, nguyên tổng thư ký Hội đồng Kinh tế đối ngoại của Chính phủ, cựu trợ lý của Thủ tướng Việt Nam Võ Văn Kiệt, đề ngày 24/9 và công bố trên truyền thông hôm 27/9/2017 đề nghị đảng đang cầm quyền duy nhất ở Việt Nam hiện nay ‘lấy lại tên cũ’ là đảng Lao động và tuyên bố ‘trước
quốc dân, đồng bào và quốc tế’ quyết định đổi mới thành một ‘đảng yêu nước của dân độc và dân chủ’.
Người từng là thành viên Tổ nghiên cứu kinh tế đối ngoại của Thủ tướng Phan Văn Khải, cộng tác viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng chính phủ Việt Nam, bên cạnh nhiều nội dung quan trọng trong văn bản gồm 42 trang với ba phần lới và bốn phụ lục, cũng đề nghị Đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam ngay sau khi có các tuyên bố cải tổ ‘trả lại tự do’ cho tất cả tù chính trị ‘bị tù vì bất đồng chính kiến với chế độ chính trị’.
Đồng thời kiến nghị đề nghị Đảng tiến hành cuộc vận động lớn trong cả nước nhằm thực hiện ‘hòa giải và đoàn kết dân tộc’, tạo ra ‘đồng thuận’ toàn dân tộc nhằm tiến hành ‘thắng lợi cuộc cải cách đổi đời đất nước’.
BBC: Hội luận về bản Kiến nghị của Nguyễn Trung
Giáo sư Tương Lai từ bỏ Đảng Cộng sản
Kêu gọi lãnh đạo ‘đổi tên đảng, tên nước’
Theo bản kiến nghị có tựa đề “Cùng nhau mở con đường cải cách, đưa đất nước vào thời kỳ phát triển mới. Một kiến nghị tâm huyết’, cuộc cải tổ đảng và cải cách chính trị có ba giai đoạn. Giai đoạn một là đảng tự thay đổi, ‘cải cách trước về đường lối, tổ chức và phương thức hoạt động’, mà trong đó đảng chuyển sang hoạt động theo phương thức ‘đảng cầm quyền’ trong thể chế chính trị ‘pháp quyền dân chủ’ (coi như không còn ‘điều 4’ trên thực tế), lấy xã hội dân sự làm ‘địa bàn hoạt động chủ yếu’ v.v… duy trì cải cách nhưng lưu ý không để tạo ra ‘khoảng trống quyền lực’.
Giai đoạn hai theo kiến nghị là lúc ‘thực hiện tiếp’ những bước cải cách cụ thể ‘đã đề ra trên cơ sở ‘giữ bộ khung cũ’ của toàn hệ thống hành chính sự nghiệp với ‘những thay đổi cần thiết’ về tổ chức, cơ chế hoạt động, nhân sự’ v.v… và đặc biệt là ‘ban hành dự thảo Hiến pháp mới’ huy động ‘toàn dân tham gia xây dựng’, ban hành dự thảo và thông qua luật về ‘các đảng phải chính trị và các tổ chức đoàn thể xã hội’ nhằm xây dựng thành ‘bộ luật chính’ về sau làm ‘cơ sở pháp lý’ cho hoạt động của ‘mọi đảng phái chính trị và đoàn thể xã hội’.
Giai đoạn cuối cùng, theo tác giả kiến nghị Nguyễn Trung là ‘thông qua Hiến pháp mới’, đồng thời thực hiện tiếp ‘mọi bước đi của cải cách’ xây dựng hay hoàn thiện ‘những luật pháp và thể chế kinh tế’ theo Hiến pháp và hệ thông pháp luật mới, trong đó nhấn mạnh ‘thước đo nội dung và tiến triển’ của cải cách ở giai đoạn này là ‘thành tựu phát triển kinh tế’ và ‘sự ra đời của thể chế chính trị’.
Kêu gọi thành lập chính đảng mới ở VN
Đảng CS cảnh cáo chủ tịch Đà Nẵng
Vụ Trịnh Vĩnh Bình và Trịnh Xuân Thanh: Bài học quá đắt
Theo ông Nguyễn Trung, để tiến hành cuộc cải tổ, cải cách chính trị quan trọng này, Đảng Cộng sản Việt Nam nên tham khảo một số mô hình, tác giả viết:
“Nên tham khảo mô hình thế chế chính trị hay nhà nước và bộ máy hành chính sự nghiệp của Singapore, Nhật và Hàn Quốc để vận dụng vào nước ta theo tinh thần của Tuyên ngôn Độc lập 02-09-1945, Hiến pháp 1946 và cách tổ chức quốc hội 1946, được bổ sung những nét cập nhật phù hợp với đòi hỏi của đất nước và bối cảnh quốc tế hiện tại. Nét đặc trưng chung của 3 mô hình này (Singapore, Nhật, Hàn Quốc) là tính tập trung để tạo ra khả năng quyết đoán cao, đồng thời bảo đảm được dân chủ, tính công khai minh bách và trách nhiệm giải trình.
“Trên cơ sở những bước tiến mới nói trên, tiến hành xây dựng một thể chế chính trị hay nhà nước đa nguyên, hình thành một số đảng chính trị mới theo Hiến pháp mới và Luật về đảng phái chính trị và các tổ chức xã hội dân sự như đã được thông qua ở giai đoạn II.
“Nên xây dựng các lý lẽ thuyết phục, và được bảo đảm bằng bộ luật về các đảng phái chính trị và đoàn thể nói trên được thiết kế phù hợp, để hình thành thêm các đảng chính trị mới có thể tham chính thông qua Luật bầu cử dân chủ tự do và theo quy định của Hiến pháp.”
Kiến nghị cho rằng cần ‘chuẩn bị sớm’ một chiến lược cải cách để được ‘thông qua sớm nhất có thể’ tại một đại hội đảng ‘toàn quốc bất thường’ để sau đó ‘triển khai thực hiện’, tác giả viết:
“Nhưng ngay sau khi Bộ Chính trị đã đi tới được quyết định phải tiến hành cải cách, Bộ Chính trị nên có ngay một tuyên bố trình bày rõ quyết định chiến lược này, kêu gọi cả nước và toàn đảng đoàn kết và phát huy tinh thần yêu nước đem hết tâm huyết tham gia sự nghiệp cách bằng mọi hành động và việc làm thiết thực, dấy lên trong cả nước một hào khí mới, làm cho nhân dân và từng đảng viên ngay từ ngày đầu tiên cảm nhận được sự nghiệp cải cách này là trách nhiệm của chính mình, chủ động làm mọi việc có thể góp phần tham gia của mình.”
Về hạt nhân nhóm được gọi là ‘adhoc’ có nhiệm vụ giúp đảng cộng sản ‘xây dựng nội dung chiến lược’ cải tổ, cải cách, người từng có trên 40 năm hoạt động trong ngành ngoại giao và có 52 năm tuổi đảng, cho hay và đề nghị:
“Trong quá trình chuẩn bị Đại hội XII tôi đã kiến nghị thành lập nhóm ad hoc gồm các đồng chí Bùi Quang Vinh [cựu Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư, nguyên Ủy viên BCHTƯ Đảng], Vũ Đức Đam [Ủy viên BCHTƯ Đảng Phó Thủ tướng Chính phủ] và Phạm Bình Minh [Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao] giúp đảng xây dựng nội dung Đại hội theo hướng xúc tiến cải cách nói trên. Nay tôi xin đề nghị một lần nữa: Bộ Chính trị nên quyết định lập sớm một nhóm như thế giúp đảng bắt tay ngay vào việc chuẩn bị và xây dựng chiến lược cải cách.”
Lãnh đạo đổi mới và cải tổ đa đảng
VN thúc đẩy kinh doanh trong bất ổn thể chế
Đảng CS ‘cần kỷ luật thép’ để không tan rã?
Đảng Cộng sản sẽ ‘thực lòng’ đối thoại?
Đảng Cộng sản VN xem xét ‘tổ chức đối thoại’
Trong một văn bản được trình bày công phu ‘không kém gì’ một báo cáo chính trị, bản kiến nghị gồm 42 trang của tác giả Nguyễn Trung đề cập rất nhiều vấn đề, ý tưởng, được xắp sếp khá dày đặc, có luồng lạch, lôgíc, mang tính hệ thống, đặc biệt trong đó, ông dành một thời lượng nhất định đề cập hai nội dung giúp trả lời câu hỏi ai sẽ là hạt nhân, lãnh đạo cuộc đổi mới được gọi là ‘cuộc đổi đời của đất nước’ và nên cải tổ chính trị, đặc biệt là tái cấu trúc nền chính trị đảng phái mà hiện nay là ‘độc đảng, toàn trị’ cụ thể như thế nào.
Nhưng trước hết, về ‘cái đích phải tới’ của cải tổ, cải cách, bản kiến nghị có đoạn viết: “Nhiệm vụ có ý nghĩa lịch sử vô cùng trọng đại này của đất nước hôm nay đặt lên vai ĐCSVN và đội ngũ lãnh đạo không phải là đập vỡ “bình” hay sửa “bình”. Cả hai việc này đều không thể, không cần thiết, và đều không phải là giải pháp, thậm chí có thể nguy hiểm cho đất nước.
“Nhiệm vụ lịch sử không được phép tránh né của đảng hôm nay là phải cất cái “bình” hiện nay vào nơi trang trọng nhất có thể trong bảo tàng – phần lịch sử Việt Nam cận đại, để đánh dấu sự kết thúc con đường đất nước đã đi từ năm 1930 đến hôm nay, để từ đây thông qua cải cách thể chế chính trị mở ra một thời kỳ phát triển mới của nước Việt Nam độc lập thống nhất trong thế giới đã sang trang.”
Theo kiến nghị, cuộc ‘cải cách đổi đời đất nước’ mang tầm vóc và nội dung quan trọng, ‘bao quát toàn bộ đời sống mọi mặt của đất nước’, làm nhiệm vụ ‘thay đổi triệt để toàn bộ’ hệ thống chính trị – nhà nước của quốc gia hiện có.
Về vai trò của chủ thể hay hạt nhân lãnh đạo cuộc cải tổ, cải cách quan trọng ấy, trong khi và mặc dù viết rằng ‘cải cách phải là sự nghiệp của toàn dân’ với một nhấn mạnh ‘trước hết là thay đổi chính từng người dân từ đây thành người chủ của đất nước’, tác giả bản kiến nghị nêu rõ quan điểm của mình:
“So sánh tương quan các lực lượng chính trị – kinh tế – xã hội ở nước ta trong tình thế cấp bách hiện nay, một lực lượng chính trị đủ mạnh và có sẵn như thế chỉ có thể là ĐCSVN đã chuyển đổi thành đảng của dân tộc. Đây cũng là điều lý tưởng nhất có thể lúc này để tiến hành cải cách trong hòa bình theo tinh thần khép lại quá khứ và không hồi tố, vì thời gian và nguy cơ không chờ đợi!”
Về tái cấu trúc, cải tổ hệ thống chính trị trong đó có hệ thống đảng phái từ độc đảng cầm quyền sang ‘đa đảng tham chính’, Nguyễn Trung nhấn mạnh và lưu ý: “Ở nước ta, hợp lý nhất có lẽ chỉ nên hình thành thêm hai đảng tham chính mới như đã từng có trong thời đầu của nước VNDCCH – đó là đảng Dân Chủ và Đảng Xã hội – song phải là hai đảng có thực quyền và bình đẳng trước pháp luật như mọi đảng khác theo Luật. Nếu có nhiều đảng nữa sẽ rối và không cần thiết.
“Hiến pháp và các bộ Luật liên quan cần được thiết kế sao cho bảo đảm nghiêm túc yêu cầu: thực hiện đa nguyên, nhưng bảo đảm không quá ba đảng tham chính trong tranh cử và bầu cử; thủ lĩnh của đảng có đa số ghế lớn nhất trong Quốc hội sẽ là tổng thống với chức năng là người đại diện quốc gia cao nhất và có quyền lực cao nhất cả nước; thủ tướng là người trực tiếp điều hành nội các (chính phủ) do tổng thống bổ nhiệm và được quốc hội chấp thuận; với điều kiện của nước ta, nên thực hiện chế độ một viện duy nhất là quốc hội; tuy nhiên nên thực hiện chế độ bầu cử từng phần so le để bảo đảm sự hoạt động liên tục của quốc hội (không bị gián đoạn qua mỗi kỳ bầu cử).
“Tiến hành bầu cử thành lập hệ thống nhà nước theo Hiến pháp mới, nên mời sự giám sát quốc tế cuộc bầu cử để nâng cao uy tín của chính thể mới, đồng thời tranh thủ sự ủng hộ hay hậu thuẫn của cộng đồng quốc tế.”
“Trên đây chỉ là một gợi ý sơ bộ để tham khảo. Tôi tin rằng nếu lãnh đạo đảng huy động trí tuệ cả nước xây dựng chiến lược cải cách đưa đất nước đi vào thời kỳ phát triển mới, chắc chắn đất nước sẽ có được một chiến lược cải cách của toàn dân và nhất định thành công.
“Tới đây tôi trân trọng đề nghị: Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, với trách nhiệm là người giữ cương vị cao nhất trong đảng, yêu cầu Bộ Chính trị ra quyết định khép lại quá khứ, đoàn kết toàn Bộ Chính trị và toàn đảng, huy động toàn đảng và dựa vào trí tuệ của nhân dân cả nước quyết tiến hành cuộc cải cách chính trị không thể trì hoãn này. Đảng phải thay đổi thành đảng của dân tộc để có thể dấy lên cuộc cải cách của toàn dân cứu nước và đổi đời đất nước!
“Đây cũng là con đường cứu đảng thành đảng của dân tộc, mãi mãi đi với dân tộc. Thời gian không chờ đợi. Mọi thách thức trong hay ngoài đang uy hiếp đất nước không biết chờ đợi!
“Trước những thách thức nghiêm trọng của quốc gia, tôi cầu mong cả nước – đặc biệt là những đảng viên muốn cứu đảng để cứu nước – hãy lên tiếng về vận mệnh đất nước, cùng nhau làm tất cả mọi việc vì đất nước với sự giác ngộ cao nhất về cuộc cải cách phải tiến hành này!”
Bản kiến nghị của tác giả Nguyễn Trung được công bố chỉ vài tuần trước Hội nghị Trung ương 6 của BCHTƯ Đảng Cộng sản Việt Nam được dự kiến diễn ra trong tháng 10/2017.
Trước đó, cũng có một sự kiện khác đáng lưu ý là việc một Đảng viên cao cấp của Đảng Cộng sản, Giáo sư Tương Lai, nguyên Viện trưởng Viện Xã hội học, cựu thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam thời các ông Võ Văn Kiệt và Phan Văn Khải, đã tuyên bố từ bỏ Đảng cộng sản và tuyên bố muốn đi tìm một “phương thức đấu tranh mới”.
Trong tuyên bố hôm 02/9/2017, Giáo sư Tương Lai viết “Những gì đã cũ kỹ, hư hỏng trong bộ máy quyền lực duy trì chế độ toàn trị phản dân chủ sẽ bị lật nhào” và rằng “vấn đề chỉ còn là thời gian.”
Ông Tương Lai không phải là trường hợp đảng viên cao cấp rời bỏ hàng ngũ của đảng Cộng sản, một trong các trường hợp khác là ông Lê Hiếu Đằng, cố Phó chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Thành phố Hồ Chí Minh, ông đã tuyên bố ra khỏi đảng ngày 04/12/2013, một thời gian trước khi qua đời.
Liên quan bản kiến nghị hôm 24/9/2017 của Nguyễn Trung, được biết vài năm trước đây, tác giả kiến nghị cũng đã có tên trong một bức Thư ngỏ đề ngày 09/12/2015 gửi Bộ Chính trị, trong đó những người chấp bút và ký tên đã kêu gọi Ban lãnh đạo Đảng CSVN ‘đổi tên đảng và tên nước’.
Mời quí vị bấm vào đường dẫn này để theo dõi một cuộc Tọa đàm của BBC bình luận về kiến nghị của ông Nguyễn Trung.
______________________________________
Nguyễn Trung
Nội dung
***
Phụ lục I – Về con đường cải cách đi qua ĐCSVN đã chuyển đổi trở thành đảng của dân tộc, Nguyễn Trung
Phụ lục II – Về chủ nghĩa Mác – Lênin, Nguyễn Trung
Phụ lục III – Về ĐCS Trung Quốc và ĐCS Việt Nam, Nguyễn Trung
Phụ lục IV – Về sự hình thành và phát triển xã hội dân sự ở Việt Nam. Phạm Khiêm Ích
*
Cải cách thường phải do một lực lượng chính trị có ảnh hưởng và quyền lực chi phối quốc gia tiến hành – ví dụ như đảng nắm quyền, chính phủ, một lực lượng chính trị mạnh áp đảo… Nhưng tôi vẫn đặt vấn đề cả nước cùng tham gia cải cách vì các lý do sau đây:
– Tranh chấp Mỹ – Nga – Trung rất phức tạp nói riêng và những vấn đề kinh tế, chính trị và an ninh nóng bỏng ở phạm vi toàn cầu trong cục diện thế giới đa cực hiện nay nói chung đặt ra cùng một lúc nhiều vấn đề lớn chưa có lời giải. Chiến tranh lạnh II ngày càng quyết liệt trên các mặt trận kinh tế, chính trị, quân sự. Đang tiềm tàng cùng một lúc các nguy cơ xung đột lớn ở châu Á, châu Âu và Trung Đông có thể dẫn tới chiến tranh thế giới III.
Giới chiến lược Mỹ cho rằng cả Trung Quốc và Nga vì lợi ích riêng đều muốn khai thác sự lúng túng của Mỹ trong vấn đề tên lửa và vũ khí A của Bắc Triều Tiên. Vì thế cho đến nay hai nước này vẫn không đi đến cùng với Mỹ (trên thực tế gần như bỏ mặc cho Mỹ) trong việc gây sức ép phải có đối với Bắc Triều Tiên. Sự nghi ngờ của Mỹ đi xa tới mức cho rằng: Bắc Triều Tiên được sự giúp đỡ nào đấy về kỹ thuật, vật chất..; có người nói tiềm tàng những vụ đổi chác lớn – ví dụ đổi vấn đề tên lửa và vũ khí A của Bắc Triều Tiên lấy “cái lưỡi bò” ở Biển Đông… (chẳng lẽ lịch sử có thể lập lại chuyện “Kissinger – Chu Ân Lai 1972”?)
Trong cuộc đấu tay ba Mỹ – Nga – Trung mỗi bên đều có cái mạnh và cái yếu riêng với sự tập hợp lực lượng và phe cánh riêng rất phức tạp, có nhiều mặt trận đối kháng chính/phụ, nóng/lạnh khác nhau, cục diện thay đổi từng giờ.
Cái mạnh nổi bật của Trung Quốc là sự phát triển năng động của kinh tế thế giới cần thị trường rộng lớn của Trung Quốc, sự nổi trội sức mạnh tại chỗ so với các nước láng giềng, có tiềm lực thực hiện chiến lược thâm nhập, câu giờ và phân hóa đối phương, chuẩn bị sẵn mọi trận địa khác nhau tại nhiều châu lục và lấn từng bước, kết hợp với các thủ đoạn: gặm dần (thái xúc-xích salami), lấy thịt đè người, phản ứng nhanh, mục tiêu biện minh cho biện pháp (vô luật và vô đạo đức)… Chỗ yếu lớn nhất của Trung Quốc là tình hình nội trị Trung Quốc có nhiều vấn đề lớn (đồng thời rất nguy hiểm cho bên ngoài), kinh tế đang trong thời kỳ phải chuyển đổi mô hình phát triển do kinh tế thế giới đã thay đổi. Hiện nay Trung Quốc đang trở nên nguy hiểm nhất đối với các nước láng giềng trong khu vực Đông Nam Á – trong đó dặc biệt là Việt Nam, đã thao túng được đáng kể ASEAN.
Thời Tập Cận Bình, đặc biệt là trong những năm gần đây và hiện tại, Trung Quốc đã có những bước leo thang cao nhất đến nay, quyết thực hiện “đường lưỡi bò” tại Biển Đông, hoàn tất việc xây các căn cứ quân sự trên các đảo đã chiếm, tiến hành nhiều hoạt động gây căng thẳng phía Bắc là Biển Hoa Đông, kết hợp chặt chẽ với những bước đi kinh tế, chính trị của Trung Quốc ở phạm vi toàn cầu.
Cục diện thế giới hiện tai có nhiều hệ lụy toàn cầu rất sâu sắc, trong đó đã làm xuất hiện một trong những hệ quả rất nhạy cảm và trực tiếp tác động vào nước ta: Vì nhiều lý do toàn cầu và khu vực tại những nơi khác nhau trên thế giới, Biển Đông nói riêng và khu vực Đông Nam Á nói chung đang dần dần trở thành một khu vực trống có lợi cho Trung Quốc, hoặc trong tình huống nhất định có thể đột biến trở thành vùng trống – dù chỉ trong khoảnh khắc, và Trung Quốc đã sẵn sàng. Tình hình này còn có nguyên nhân: Vì nhiều lý do trên thực tế ảnh hưởng và sự có mặt của Mỹ tại khu vực này từ thời Obama và nhất là hiện nay không đủ mạnh để kiểm soát có hiệu quả sự bành trướng tại chỗ quyền lực của Trung Quốc, giữa lúc thế giới có nhiều cơ hội “đục nước béo cò” khác với những hệ lụy có thể liên quan đến Biển Đông.
Việt Nam hiện nay đứng trước thách thức quyết liệt chưa từng có kể từ sau chiến tranh 17-02-1979. Điều gì sẽ xảy ra và Trung Quốc có thể đi xa tới đâu, nếu xu thế nói trên ở Biển Đông diễn tiến tiếp tục, hoặc khi xảy ra đột biến lớn tại bất kỳ một điểm nóng nào đó trong cục diện thế giới hiện nay? Trong khi đó Trung Quốc đã tạo ra được ở Việt Nam ở mức cao nhất đến nay sự phụ thuộc về kinh tế, sự lệ thuộc về chính trị, sự uy hiếp nghiêm trọng về an ninh quốc phòng, và triển khai tiếp sự can thiệp sâu hơn nữa vào nội bộ nước ta.
– Trong cục diện quốc tế và khu vực rất nguy hiểm và nhạy cảm hiện nay, Việt Nam đang bước vào thời kỳ trầm trọng của cuộc khủng hoảng toàn diện bắt đầu từ Đại VII (1991). Nghĩa là Viêt Nam đang ở trong tình thế bị uy hiếp nghiêm trọng nhất trên cả hai phương diện đối nội và đối ngoại. Đặc biêt là: Kinh tế tuy đạt mức thu nhập trung bình thấp, song không bền vững, đang ở thời kỳ khó khăn nhất sau 30 năm đổi mới với nhiều vấn đề cơ bản, ách tắc, nóng chưa có lời giải (vốn, nợ, tham nhũng, kết cấu hạ tầng, quy hoạch phát triển, môi trường, năng lượng, nước, năng lực quản trị quốc gia, giáo dục, biến đổi khí hậu…), nội trị rối ren, an ninh quốc phòng bị uy hiếp quyết liệt nhất trong tình thế phải đối mặt với nguy cơ bị cô lập rất cao.
– Và 30 năm đổi mới cho thấy ý thức hệ, con đường ĐCSVN; từ đại hội VII đất nước đi vào thời kỳ khủng hoảng toàn diện, từ mấy năm gần đây là thời kỳ trầm trọng nhất chưa từng có kể từ sau 30-04-1975. Đấy cũng là những nguyên nhân gốc gây ra lãng phí, tham nhũng và bất công xã hội vô cùng nặng nề, cướp đi của đất nước nội lực phải có để có thể đương đầu với mọi thách thức sống còn trong cục diện quốc tế ngày càng nóng bỏng hôm nay. Đồng thời đã áp dụng quá nhiều chủ trương chính sách sai lầm, bưng bít sự thật và ngu dân, kèm theo những hành động trấn áp khắc nghiệt, tất cả khiến cho khối đại đoàn kết dân tộc bị phân hóa sâu sắc, trí tuệ và ý chí phấn đấu vươn lên của đất nước bị tê liệt, làm tổn thương nghiêm trọng tinh thần tự trọng dân tộc và thể diện quốc gia, lòng dân phân tán và mất lòng tin vào sự lãnh đạo của đảng.
Từ Hội nghị Thành Đô đến nay cho thấy đường lối ngoại giao leo dây để giữ “đại cục”, nhưng không có nội lực vững mạnh của quốc gia làm nền tảng, lại thêm những yếu kém của đội ngũ lãnh đạo, nên đã thất bại nghiêm trọng. Mỗi ngày ta phải nhân nhượng một tý để giữ “đại cục” như thế, để hôm nay là cả một cái thòng lọng không gỡ ra nổi siết trên cổ đất nước, uy tín quốc tế giảm sút nặng nề, biên cương bờ cõi tổ quốc bị xâm phạm, đất nước lâm vào thế vừa lệ thuộc và phụ thuộc, vừa đơn độc một cách nguy hiểm.
Toàn bộ tình hình nêu trên còn cho thấy đường lối đối nội và đối ngoại của đảng chẳng những đem lại cho đất nước những tổn thất lớn, mà còn đẩy đất nước vào con đường phát triển vừa lạc hậu, vừa lạc lõng trong xu thế phát triển chung của thế giới ngày nay. Xem xét kỹ thực chất, quan sát trên thế giới sẽ thấy Việt Nam hiện nay là nước duy nhất còn lại đang cố tìm cách níu kéo ý thức hệ có cỗi rễ là chủ nghĩa Mác-Lênin và chủ nghĩa cộng sản để duy trì chế độ toàn trị và quyền lực của đảng trong điều hành đất nước – mặc dù lãnh đạo đảng cũng thừa nhận chưa biết cuối thế kỷ này liệu sẽ có chủ nghĩa xã hội hay không! Nghĩa là trên thực tế về nhiều mặt sâu sắc bên trong, nước ta vẫn đang một mình một đường đi trong thế giới hôm nay.
Sau ba thập kỷ hội nhập quốc tế, nền kinh tế đất nước vẫn gia công là chủ yếu và chưa xác lập được vị trí phải có trong nền kinh tế toàn cầu (ngôn ngữ chuyên môn thường nói về các chuỗi cung / ứng). Chế độ toàn trị nặng về trấn áp các quyền tự do dân chủ, cùng với nền kinh tế yếu kém đày rẫy bất công và tham nhũng đã dựng nên một nền nội trị vừa không có khả năng vừa không cho phép thực hiện đường lối đối ngoại dấn thân. Cho nên trên thực tế nước ta chỉ giành được vai trò quốc tế thấp, không đúng với tầm vóc và vị trí chiến lược của quốc gia, chưa đáp ứng được những đòi hỏi quan trọng của nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ tổ quốc; đất nước bị thua thiệt nhiều mặt, thậm chí bị xâm phạm, mặc dù trên danh nghĩa đã thiết lập được mối quan hệ đối tác chiến lược hay đối tác toàn diện trên mọi châu lục.
Một mình một đường đi như vậy, nước ta càng đuổi theo thiên hạ, nhưng hôm nay càng tụt hậu xa hơn và yếu đi – ngay cả so với tất cả các nước láng giềng, tiếp tục lạc lõng.
Trong khi đó địa kinh tế và địa chính trị của cục diện quốc tế hôm nay khách quan đặt ra đòi hỏi phải có một Việt Nam là một quốc gia độc lập tự chủ, vững mạnh và phát triển, để có thể đóng góp tích cực vào lợi ích của hòa bình, hợp tác và phát triển trong khu vực ĐNÁ và trên thế giới. Lợi ích sống còn của Việt Nam cũng đòi hỏi phải tận dụng được yếu tố mới này để tạo cho mình một tập hợp lực lượng rộng khắp hậu thuẫn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Đảng hôm nay quên mất bài học việc tạo ra được một mặt trận nhân dân thế giới ủng hộ Việt Nam kháng chiến chống Mỹ cứu nước – kể cả ngay trong lòng nước Mỹ – là một trong những yếu tố quyết định giành thắng lợi.
Có thể kết luận:
Thất bại của 42 năm đầu tiên độc lập thống nhất đất nước phải hứng chịu về nhiều mặt chính là thất bại của việc lấy chủ nghĩa trà đạp trí tuệ và các giá trị của tự do – dân chủ – quyền con người, là do người nắm quyền giành được một số lợi ích phe nhóm nhưng phải hủy hoại nhiều lợi ích quốc gia và lợi ích của dân tộc, là thất bại của xây dựng chủ nghĩa xã hội – với kết quả gặt hái được là để mọc lên trên đất nước ta hôm nay một chế độ toàn trị khắc nghiệt, nhưng đối với bên ngoài độc lập 42 năm mà vẫn chưa độc lập!
Thất bại của 42 năm trước hết là do để cho tha hóa của chế độ một đảng biến đảng thành đảng cai trị hôm nay cướp đi mất tiền thân của nó là một đảng cách mạng đã từ thế hệ này sang thế hệ khác hy sinh chiến đấu vì nước và đã làm nên sự nghiệp giành lại độc lập thống nhất, là thất bại của sự hiểu biết mơ hồ cái thế giới khắc nghiệt chúng ta đang sống, là thất bại của sự giác ngộ kém cỏi – hay là không giác ngộ được – lợi ích quốc gia của ta nằm ở chỗ nào trong cái thế giới quyết liệt này – điển hình là đường lối ngoại giao bắt đầu từ Thành Đô, mới đây lại xảy thêm vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh.
Khái quát lại:
Bốn cuộc kháng chiến cứu nước vỹ đại và 42 năm độc lập thống nhất, công sức tiền của đổ ra cho công nghiệp hóa như núi biển, song tất cả chỉ để đạt được nền kinh tế gia công, lãng phí và tham nhũng làm cạn kiệt mọi nguồn lực và tài nguyên quốc gia, đã đạt mức có thu nhập trung bình (thấp) song kinh tế không bền vững, năng suất lao động rất thấp, môi trường tự nhiên bị hủy hoại nặng nề, chế độ toàn trị đầy rẫy bất công và trấn áp, vị thế quốc gia èo uột… Trong khi đó từ sau chiến tranh 17-02-1979 đến nay không một lúc nào Trung Quốc ngừng nghỉ thực hiện dã tâm bành trướng “đường lưỡi bò”; ngay trong những tuần vừa qua Trung Quốc ép ta phải rút việc khai thác dầu khí khỏi lô 136.03 với lời đe dọa trực diện trắng trợn sẽ chiếm nốt tất cả các đảo còn lại ở Trường Sa, tiến hành tập trận bắn đạn thật trên Biển Đông ở quy mô lớn nhất, nằm sâu vào vùng biển nước ta 11.000km2 và cách Đà Nẵng 75 hải lý!
Đau quá! Nhục quá! Có lời lẽ nào nói hết được hiểm nguy phía trước đang chờ đợi đất nước!?
Toàn bộ sự vận động nói trên của đất nước trong xu thế phát triển hiện nay của chế độ toàn trị với ý thức hệ như vậy phải được chấm dứt, để tìm đường hòa bình cải cách chuyển đất nước đi lên con đường: Giải phóng nội lực và xây dựng cho đất nước vị thế quốc gia mới. Sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc trong cục diện quốc tế ngày nay đòi hỏi phải có đủ sức mạnh nội lực để phát triển và đồng thời để tập hợp được sự hợp tác và hậu thuẫn rộng rãi trên thế giới. Một sự nghiệp như vậy đòi hỏi phải có một thế chế chính trị quốc gia mới phù hợp. Cải cách để đổi đời đất nước trở thành đòi hỏi sinh tử, cả nước phải đứng lên thực hiện.
Truyền thống và sức mạnh nêu trên vừa là yếu tố quyết định thắng lợi, vừa là đòi hỏi như một điều kiện tiên quyết: Cuộc cải cách vỹ đại đổi đời đất nước cần phải được tiến hành với tính chất là sự nghiệp của toàn dân, do toàn dân, và vì toàn dân. Bởi vì đây là cuộc cải cách sâu rộng làm thay đổi triệt để mọi lĩnh vực của cuộc sống đất nước để trở thành một quốc gia phát triển, trước hết là thay đổi chính từng người dân từ đây thành người chủ của đất nước.
Xin nhấn mạnh như một nguyên lý: Không bao giờ có thể có một nước giầu mạnh của một nhân dân bị nô lệ!
Một đất nước giầu mạnh chỉ có thể được kiến tạo nên bởi một nhân dân tự do và là người chủ của quốc gia mình. Mục tiêu chiến lược này lẽ ra đã phải được thực hiện ngay sau 30-04-1975, bây giờ không thể trì hoãn được nữa. Mục tiêu chiến lược này khi trở thành khát vọng của nhân dân, đất nước hôm nay sẽ có nguồn lực sáng tạo và sức mạnh bất khả kháng để phát triển.
Như vậy về tính chất, khả năng và quyền năng của một bên là thần dân của chế độ toàn trị, và một bên là công dân của chính thể dân chủ pháp quyền có sự khác nhau một trời một vực. Đây là lý do cơ bản nhất khiến sự nghiệp cải cách đổi đời con người và đổi đời đất nước sẽ phải bặt đầu từ học.
Toàn dân, bao gồm cả các đảng viên, không phân biệt bất kể một thứ bậc nào trong xã hội, đều phải học, học lại, giúp nhau học – để trở thành một công dân tự do của trưởng thành, có trí tuệ, ý chí, bản lĩnh và khả năng / quyền năng làm chủ chính mình và làm tròn trách nhiệm người chủ một quốc gia trưởng thành. Sự trưởng thành như thế của từng công dân trong chính thể mới được phát huy đến đâu, đất nước sẽ phát triển đi xa tới đấy!
Công dân của chính thể mới nhất thiết phải học để tự tay mình chủ động và cùng nhau xây dựng nên xã hội dân sự cho chính mình như là một trường học rèn luyện và phấn đấu để tự khẳng định mình, là môi trường thực thi trực tiếp quyền và trách nhiệm của mình đối với chính thể và nghĩa vụ đối với quốc gia, là môi trường quảng bá và vun đắp các giá trị và truyền thống tốt đẹp của dân tộc và tiếp thụ những giá trị của văn minh nhân loại. Vì chính mình và vì đất nước này, cần phải học văn hóa sống “mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người”, “sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện phát triển tự do của mọi người!”, không để cho dối trá, mỵ dân, cám dỗ lường gạt, quyết đối mặt với cái ác và bênh vực lẽ phải, làm cho tổ quốc của chúng ta là nơi đáng sống với tất cả niềm tự hào chính đáng của mình.
Công dân của chính thể mới cần đặc biệt quan tâm học hỏi và thay đổi chính mình, để thấu hiểu nỗi đau của đất nước, hiểu những bài học cay đắng trên chẳng đường đầy máu và nước mắt để đi tới được độc lập thống nhất hôm nay, qua đó xây dựng cho bản thân mình chính kiến về đường đi nước bước của đất nước trong thế giới đã thay đổi này. Phải học để hiểu nỗi nhục của đất nước phải chịu đựng những chén ép và tổn thất do tình trạng chậm phát triển của quốc gia mình, nên không thể mở mày mở mặt với thiên hạ, đến mức tổ quốc của chúng ta được thiên hạ tặng cho biệt danh: quốc gia không chịu phát triển! Nghĩa là mỗi người phải học để nhìn nhận công việc của quốc gia cũng là công việc của chính mình, không thể phó mặc cho ai khác tùy tiện.
Cần phải học nhiều nữa để thấm thía nỗi hèn kém và cả những hư hỏng của chính bản thân mình và của đất nước, do cái dốt, cái lạc hướng, và cái khiếp nhược trước quyền uy sinh ra – trong đó cần phải thấy sự hèn kém này chính là một trong các thành tố tạo nên dinh lũy kiên cố của chế độ toàn trị hiện nay, những bước bị khuất phục đã xảy ra trước sự bành trướng và thâm nhập các mặt của Trung Quốc, cũng như thói tự ti và sính phương Tây, sính theo cái này hay theo cái khác và quên mất chính mình là ai. Đã xảy ra không hiếm trường hợp hèn kém đến mức đánh mất hoặc để bị cướp mất tinh thần tự trọng dân tộc và thể diện quốc gia…
Cần phải học bằng được hòa giải dân tộc, để hàn gắn vết thương tay trái chém tay phải đến hôm nay vẫn còn rỉ máu. Cần phải học bằng được điều này để làm cho quốc gia đủ mạnh và vững vàng, không để cho bất kể tình huống nào các mưu đồ hoặc quyền lực đen tối dù từ đâu tới lại có thể một lần nữa xô đẩy đất nước vào thảm họa nội chiến này. Và trên hết cả, cần thông qua hòa giải dân tộc, để có được sự cố kết dân tộc làm nên một quốc gia chẳng những có sức mạnh bất khả kháng với mọi thách thức từ bên ngoài, mà còn là môi trường nẩy nở các giá trị cao đẹp, là nơi nuôi dưỡng, làm bệ đỡ, và đồng thời là thành lũy bảo hộ cho mọi nỗ lực tinh hoa của từng công dân của nó…
Xem như thế, công dân của thể chế chính trị mới phải học rất nhiều, học tất cả, để phát huy lợi thế nước đi sau qua sự nghiệp cải cách này xây dựng thành công một thể chế chính trị dân chủ của nhà nước pháp quyền của Việt Nam, phù hợp cho Việt Nam, nhằm vào mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam độc lập của tự do – dân chủ – hạnh phúc, trên nền tảng một quốc gia giầu mạnh, công bằng, dân chủ và văn minh, như đã thể hiện trong Tuyên ngôn Độc lập 02-09-1945 và Hiến pháp 1946.
Có thể nói đây là cải cách của học tập. Học như thế là nội dung chiều sâu phải thực hiện được trong quá trình cải cách. Vì có con người như thế, đất nước sẽ có tất cả. Học như thế để dứt khoát không học đòi. Học để từng công dân trực tiếp tham gia cải cách vì chính mình và vì đất nước. Vì thế, cải cách như vậy phải là sự nghiệp của toàn dân, với tính chất là toàn dân giác ngộ trực tiếp tiến hành cuộc cải cách trong đại này, được khai thông con đường thực hiện đi qua ĐCSVN như đang là đã chuyển đổi thành đảng của dân tộc.
III. Cái đích phải tới
Nhiệm vụ có ý nghĩa lịch sử vô cùng trọng đại này của đất nước hôm nay đặt lên vai ĐCSVN và đội ngũ lãnh đạo không phải là đập vỡ “bình” hay sửa “bình”. Cả hai việc này đều không thể, không cần thiết, và đều không phải là giải pháp, thậm chí có thể nguy hiểm cho đất nước.
Nhiệm vụ lịch sử không được phép tránh né của đảng hôm nay là phải cất cái “bình” hiện nay vào nơi trang trọng nhất có thể trong bảo tàng – phần lịch sử Việt Nam cận đại, để đánh dấu sự kết thúc con đường đất nước đã đi từ năm 1930 đến hôm nay, để từ đây thông qua cải cách thể chế chính trị mở ra một thời kỳ phát triển mới của nước Việt Nam độc lập thống nhất trong thế giới đã sang trang.
Song ĐCSVN hôm nay như đang là không có trí tuệ, phẩm chất và khả năng thực hiện nhiệm vụ lịch sử nó phải làm nói trên. Và nếu cố tình vẽ ra một nhiệm vụ như thế cho đất nước thì nó cũng không thực hiện được, nhân dân cũng không tin. 42 năm độc lập thống nhất đã chứng minh thuyết phục: Ngoài đổi mới 1986 là nỗ lực của cả nước, ĐCSVN như đang là cho đến nay chỉ có thất bại trong mọi nỗ lực cải cách, dù đấy chỉ là những cải cách ở quy mô các vấn đề từng phần hay cục bộ (ví dụ: cải cách giáo dục, cải cách hành chính, tinh giảm biên chế…). Đơn giản vì bản chất và lợi ích của ĐCSVN hôm nay đối kháng với cải cách, do đó nó coi những ý tưởng cải cách là suy thoái đạo đức chính trị tư tưởng, là tự diễn biến, đặc biệt đố kỵ trong các vấn đề như xóa bỏ “Điều 4”, hòa giải dân tộc, xã hội dân sự…
Xin lưu ý: Cải cách đổi đời đất nước mang tầm vóc và nội dung quan trọng, bao quát toàn bộ đời sống mọi mặt của đất nước, làm nhiệm vụ thay đổi triệt để toàn bộ hệ thống chính trị – nhà nước của quốc gia hiện có. Nhưng không được phép để xảy ra tình huống xuất hiện khoảng trống quyền lực trong khi tiến hành cải cách. Vì lẽ cốt tử này, cải cách phải được một lực lượng chính trị có ảnh hưởng chi phối quốc gia thực hiện. So sánh tương quan các lực lượng chính trị – kinh tế – xã hội ở nước ta trong tình thế cấp bách hiện nay, một lực lượng chính trị đủ mạnh và có sẵn như thế chỉ có thể là ĐCSVN đã chuyển đổi thành đảng của dân tộc. Đây cũng là điều lý tưởng nhất có thể lúc này để tiến hành cải cách trong hòa bình theo tinh thần khép lại quá khứ và không hồi tố, vì thời gian và nguy cơ không chờ đợi!
Vậy chỉ còn con đường sống duy nhất: ĐCSVN như đang là phải lột bỏ ý thức hệ và tình trạng thoán quyền, chỉ giữ lại cho mình trách nhiệm ràng buộc với đất nước, tự thay đổi mình trước thành đảng của dân tộc với tinh thần “sống hay là chết!?”, để có phẩm chất và khả năng mới của sự giác ngộ Tổ quốc trên hết, để từ đó mới có thể đề xướng được cải cách, và vận động được cả nước đứng lên thực hiện.
Muốn thế, ĐCSVN như đang là phải làm được 2 việc:
Con đường đảng đã thay đổi thành đảng của dân tộc để cùng với toàn dân tiến hành cải cách đổi đời đất nước, sẽ là con đường tất cả cùng thắng rất lớn, và không gì có thể ngăn cản được. Tất cả chỉ còn phụ thuộc duy nhất vào việc ĐCSVN như đang là dám vứt bỏ mọi tha hóa và tham nhũng thối nát của mình, dám chặn đứng mọi sự can thiệp vào nội bộ ta từ bên ngoài.
Làm được như thế, đảng sẽ tránh được mắc phải trọng tội phản dân phản nước trước bước ngoặt của lịch sử, trở thành đảng của dân, của nước và xác lập được cho mình con đường vì dân, vì nước trong giai đoạn phát triển mới của đất nước, kế thừa được truyền thống cách mạng vẻ vang cứu nước của các thế hệ đi trước.
Đảng cần nuôi cho mình khát vọng làm được như thế, vì còn gì đáng sống hơn cho một con người, cho một đảng viên và cho một đảng là trở thành người đề xướng và chung tay với cả dân tộc mở ra một thời kỳ phát triển mới của tổ quốc!? Đảng phải làm như thế để không phản bội các bậc tiền bối của mình!
ĐSVN như đang là quyết tự thay đổi mình trước để làm được như thế, có thể nói sự nghiệp cải cách có ý nghĩa sinh tử này của đất nước triển vọng thành công mười phần đã đạt được tới tám, chín phần! Làm được như thế, Việt Nam bước lên con đường phát triển mới trong thế giới mới hôm nay sẽ là lẽ tự nhiên, tất yếu, và bất khả kháng.
Vẫn cứ phải xin nhắc lại: Nếu đảng quyết không làm như thế, thậm chí chống lại làm như thế, hoặc sợ không dám làm như thế, sẽ có nghĩa đảng tự tay xóa bỏ toàn bộ sự nghiệp cách mạng của đảng và chống lại đất nước. Trong tình hình nghiêm trọng hiện nay, nếu bây giờ lãnh đạo đảng vẫn quyết như thế, thì nên tuyên bố công khai trước toàn dân, toàn thể các đảng viên phải bầy tỏ thái độ rõ ràng của mình, các tầng lớp nhân nên dân huy động trí tuệ của mình để quyết định. Cho đến nay đảng đã thực hiện nhiều biện pháp chống lại cải cách: Điều 4 Hiến pháp, 19 điều cấm, nghị quyết 244, NQ TƯ 4 (30-10-2016) với 27 “biểu hiện” phải chống (đặc biệt là nhóm 3 – biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ)… Bây giờ đứng trước bước ngoặt của lịch sử đất nước, lãnh đạo đảng nhất thiết phải xem lại. Hôm nay phải lột xác cứu đảng để mở đường cải cách cứu nước còn hơn cả cứu hỏa! Bây giờ vẫn còn kịp!
Nội dung cải cách có thể phác họa một cách tóm lược như sau:
Thứ nhất: Mục đích cuối cùng và cũng là cao nhất cải cách chính trị ở nước ta hôm nay phải đạt được nên là: Từ hòa giải, đoàn kết và đồng thuận dân tộc quật khởi nên một quốc gia Việt Nam phát triển của toàn thể cộng đồng dân tộc Việt Nam chúng ta – đúng với tinh thần đã nêu từ Cách Mạng Tháng Tám: “Nước Việt Nam là của người Việt Nam!”, với các tiêu chí Dân chủ, Cộng hòa, Độc lập, Tự do, Hạnh phúc.
Thứ hai: Kinh tế thị trường, nhà nước pháp quyền, xã hội dân sự là 3 trụ cột làm nên quốc gia vững bền, phải được xây dựng và phát triển từng bước thích hợp trong tổng lộ trình hình thành nên một nước Việt Nam phát triển, với các tiêu chí như đã nêu trong điểm thứ nhất.
Thứ ba: Thể chế chính trị cần phải xây dựng là một nhà nước pháp quyền dân chủ, có phân định rạch ròi các quyền lập pháp, quyền hành pháp và quyền tư pháp, hoạt động ràng buộc nhau và kiểm soát lẫn nhau trong khung khổ chung của một Hiến pháp mới; nhà nước này được xây dựng và hình thành trên những nguyên tắc của bầu cử dân chủ. Kinh tế thị trường và xã hội dân sự là 2 yếu tố căn bản tạo dựng nên nhà nước pháp quyền này, vì lẽ này nhà nước pháp quyền dân chủ tất yếu phải được xây dựng trên nền tảng của thể chế chính trị dân chủ đa nguyên, được thiết kế theo một hiến pháp mới đúng với tinh thần nhà nước do dân, của dân, vì dân. Đây phải là cái đích cuối cùng và cao nhất của toàn bộ quá trình cải cách chính trị lần này, được thực hiện dần từng bước dựa trên mọi thành quả kinh tế – chính trị – xã hội và tiến bộ của quốc gia đạt được trong suốt quá trình tiến hành cải cách này.
Học hỏi là động lực trí tuệ xuyên suốt quá trình này – vì thế tôi gọi đó là thể chế chính trị đa nguyên của học hỏi, của giác ngộ, của phát triển, bởi vì nó được xây dựng từng bước và thường xuyên nâng cao theo tiến trình của giác ngộ và phát triển; nó khác hẳn với đa nguyên của bầy đàn, vô minh và hỗn loạn. Nói đơn giản: Đó là lấy mở rộng tự do dân chủ tạo ra giác ngộ của trí tuệ và đồng thuận xã hội làm động lực cho việc tiến hành cải cách, để từng bước xây dựng nên một thể chế chính trị mới. Vì thế có thể nói: Cải cách chính trị lần này là tiến hành những cuộc vận động chính trị lớn và sâu rộng trong toàn xã hội như đã từng làm thời Cách Mạng Tháng Tám nhằm thay đổi sâu sắc toàn diện đời sống đất nước.
Thứ tư: Các quyền tự do, dân chủ của công dân, quyền sở hữu cá nhân, và các quyền con người phải được thể hiện đầy đủ và được bảo đảm trong Hiến pháp, đồng thời được phản ánh trong mọi bộ luật của quốc gia. Những quyền tự do ngôn luận, tự do hội họp và lập hội, quyền biểu tình, quyền tự do báo chí phải được xem và thiết kế là những quyền trực tiếp bảo đảm việc thực hiện các quyền công dân và quyền con người, đồng thời những quyền này làm nhiệm vụ tạo nền móng cho sự hình thành và hoạt động của xã hội dân sự, mang lại động lực cho tiến hành cải cách. Quân đội, công an và các lực lượng chuyên chính khác là công cụ bảo vệ đất nước và giữ gìn an ninh quốc gia, được xây dựng và hoạt động trong khuôn khổ hiến pháp và luật pháp quốc gia, chỉ trung thành với quốc gia, với nhân dân.
Thứ năm: Toàn bộ các đảng phái chính trị, các loại hình hiệp hội cùng các thành viên của nó chỉ được hoạt động trong khuôn khổ của xã hội dân sự, trong khuôn khổ của Hiến pháp và pháp luật – bao gồm cả luật/các luật về các đảng phái chính trị, hiệp, hội, các tổ chức dân sự khác… Tất đều bình đẳng trước pháp luật, tự túc về tài chính và không được sử dụng tiền thuế của dân.
Một khi những cá nhân của những tổ chức này thông qua bầu cứ dân chủ theo luật định được cử vào tham gia bộ máy nhà nước thì trở thành đại diện của các cử tri bầu cho họ, hoạt động theo Hiến pháp, chứ không đại diện cho các đảng phái hay các tổ chức chính trị xã hội xuất thân của họ. Khái niệm đảng cầm quyền chỉ thuần túy là tên gọi không hơn không kém cho đảng phái có nhiều thành viên (thường là chiếm đa số hoặc thông qua liên minh) tham gia chính quyền. Nghĩa là: Không có các đảng phái hay các tổ chức chính trị xã hội với tính chất là chính nó trong bộ máy và hệ thống pháp quyền của nhà nước, đây là đặc chưng cốt lõi “nhà nước do dân, của dân, vì dân”.
…
Trên đây chỉ là một gợi ý sơ bộ để tham khảo. Tôi tin rằng nếu lãnh đạo đảng huy động trí tuệ cả nước xây dựng chiến lược cải cách đưa đất nước đi vào thời kỳ phát triển mới, chắc chắn đất nước sẽ có được một chiến lược cải cách của toàn dân và nhất định thành công.
Tới đây tôi trân trọng đề nghị: Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, với trách nhiệm là người giữ cương vị cao nhất trong đảng, yêu cầu Bộ Chính trị ra quyết định khép lại quá khứ, đoàn kết toàn Bộ Chính trị và toàn đảng, huy động toàn đảng và dựa vào trí tuệ của nhân dân cả nước quyết tiến hành cuộc cải cách chính trị không thể trì hoãn này. Đảng phải thay đổi thành đảng của dân tộc để có thể dấy lên cuộc cải cách của toàn dân cứu nước và đổi đời đất nước! Đây cũng là con đường cứu đảng thành đảng của dân tộc, mãi mãi đi với dân tộc. Thời gian không chờ đợi. Mọi thách thức trong/ngoài đang uy hiếp đất nước không biết chờ đợi!
Trước những thách thức nghiêm trọng của quốc gia, tôi cầu mong cả nước – đặc biệt là những đảng viên muốn cứu đảng để cứu nước – hãy lên tiếng về vận mệnh đất nước, cùng nhau làm tất cả mọi việc vì đất nước với sự giác ngộ cao nhất về cuộc cải cách phải tiến hành này!
Xin đọc tiếp 3 phục lục kèm theo
Phụ lục I
Về con đường cải cách đi qua ĐCSVN đã thay đổi trở thành đảng của dân tộc
Nguyễn Trung
Thực trạng hiện nay là:
Hai năm khóa đại hội XII cho thấy: Mọi nỗ lực rất quyết liệt và chật vật nhằm cứu vãn tình hình cho đến nay của đảng và của chế độ toàn trị trong mọi lĩnh vực cuộc sống đất nước chỉ là “bịt lỗ hà, ra lỗ hổng”, hoặc là “giật gấu vá vai”. Hệ thống kinh tế và hệ thống chính trị – xã hội của đất nước dù có vắng bớt được đôi ba bộ mặt tham nhũng xấu xí; song chồng chéo, manh mún, ăn bám, tham nhũng, và mục ruỗng của hệ thống trước sau vẫn nguyên vẹn. Nghĩa là: (a) cỗ máy sản sinh ra mọi tội lỗi của chế độ toàn trị, và (b) hiện trạng nguy hiểm của đất nước đều còn nguyên vẹn, và tình hình mọi mặt đang ngày càng rối thêm. Đất nước đang èo uột tiếp để chịu bó tay làm mồi cho mọi ý đồ xấu xa phía trước. Trong khi đó thời gian và mọi thách thức trong / ngoài không biết chờ đợi. Khoanh tay bất lực ngồi yên, hay cứ loay hoay mãi ngứa đâu gãi đấy, cháy đâu chữa đấy như đang làm, đều đồng nghĩa với tự sát. Phải nhìn thẳng vào sự thật này để không lạc hướng trong lúc tìm lối ra cho đất nước: Lột xác cứu đảng để cải cách mở đường cứu nước – lẽ ra đây phải là nội dung duy nhất của Đại hội XII!
Chỉ có con đường sống: Đảng phải thay đổi chính mình thành đảng của dân tộc, còn dân quyết đi cùng với đảng đã thay đổi, để cùng sống, sống được, trên hết là để có thể cùng nhau thực hiện cải cách cứu mình và cứu nước, và mở ra cho đất nước thời kỳ phát triển mới.
Lý tưởng nhất, con đường này sẽ là: Bộ Chính trị huy động trí tuệ cả nước và trong Đảng, vận dụng những kinh nghiệm thành / bại trên con đường phát triển của chính nước ta và các nước khác trên thế giới xây dựng nên chiến lược cải cách của ta, sau đó làm cho chiến lược cải cách trở thành nghị quyết của toàn Đảng – bắt đầu là của Ban chấp hành Trung ương Đảng. Sau cùng là việc thay đổi đảng thành đảng của dân tộc và thực hiện cải cách trở thành nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc.
Thực hiện nghị quyết đại hội, đảng – thông qua đảng viên và các tổ chức cơ sở của mình – làm nhiệm vụ hạt nhân lãnh đạo và đồng thời là lực lượng nòng cốt vận động nhân dân cả nước tiến hành cuộc cải cách này theo kế hoạch và các bước đã thiết kế được, với tổng lộ trình gồm 2 phần trước sau dưới đây:
Đại thể cải cách có thể chia thành 3 giai đoạn sau đây:
Giai đoạn I
Hoàn thành phần A của tổng lộ trình, làm xong việc chuyển đổi thành đảng mới với cương lĩnh mới, điều lệ mới, tiến hành tổ chức lai đảng theo tinh thần lấy xã hội dân sự làm môi trưởng rèn luyện, phấn đấu và hoạt động của đảng, với mục tiêu trở thành lực lượng chính trị mạnh nhất và có tính tiền phong chiến đấu cao trong xã hội dân sự. Đảng mới sẽ tiến hành mọi hoạt đông thực hiện các nhiệm vụ của mình theo tinh thần “Điều 4” của Hiến pháp hiện hành không còn tồn tại nữa trong thực tế (vì lúc này chưa có Hiến pháp mới). Có những điểm nổi bật sau đấy:
Ngày nay, cải cách là để xây dựng quốc gia độc lập có chủ quyền của thể chế chính trị pháp quyền dân chủ, trong đó nhân dân là chủ đất nước với tính cách là công dân trong xã hội dân sự. Vì thế trong cải cách đổi đời đất nước, Cương lĩnh và Điều lệ mới của đảng (đã thay đổi trở thành đảng của dân tộc) cần làm rõ nhiệm vụ của đảng và đảng viên là phải có phẩm chất, năng lực, xác định mục tiêu phấn đấu là lấy xây dựng và phát triển xã hội dân sự làm môi trường nuôi dưỡng và phát huy sự trưởng thành, quyền năng và sức mạnh của công dân, coi đây là mặt trận chính trị số một của đảng để thực hiện hòa giải, đoàn kết và phát huy sức mạnh toàn dân tộc cho nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ tổ quốc trong thế giới hôm nay. Đây là nhiệm vụ cơ bản hàng đầu của một đảng lãnh đạo trong thời kỳ phát triển mới của đất nước, khác hẳn với thời kỳ làm nhiệm vụ cách mạng giành độc lập và kháng chiến cứu nước! Đặc điểm mới này quyết định bản chất hoàn toàn mới của đảng, đồng thời đòi hỏi phải có đường lối mới và tổ chức mới của đảng mà cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã đề cập tới (thư 09-08-1995). Nhiệm vụ đổi mới ĐCSVN như đang là thành đảng của dân tộc trước hết là hiểu theo tinh thần này. Chủ động xây dựng và phát triển xã hội dân sự như thế là môi trường rèn luyện phẩm chất của tính chiến đấu và tính tiền phong của đảng, đồng thời là bí quyết để phấn đấu giành về cho đảng vai trò lãnh đạo trong thể chế chính trị dân chủ đa nguyên. Đây là những đòi hỏi rất cao về trí tuệ, bản lĩnh và các phẩm chất thuộc các phạm trù đạo đức và giá trị. Tất cả nói lên ĐCSVN như đang là phải thay đổi hoàn toàn về bản chất, đúng với quy luật: nhiệm vụ mới của đất nước đòi hỏi phải có đảng chất lượng mới, nếu không muốn bị loại bỏ. Có thể tổng kết: Trước 30-04-1975 là giai đoạn làm nhiệm vụ cách mạng để giành độc lập thống nhất, sau 30-04-1975 là làm nhiệm vụ phát triển để xây dựng và bảo vệ tổ quốc; vì không nhận thức được sự khác nhau của 2 nhiệm vụ chính trị là cách mạng và phát triển như thế để thay đổi, nên 42 năm qua từ đảng lãnh đạo đảng đã biến chất thành đảng cai trị, không oan uổng!
Ngay sau khi ra 2 tuyên bố nói trên, trả lại tự do cho tất cả những người bị tù vì bất đồng chính kiến với chế độ chinh trị, khuyến khích và tạo mọi điều kiện cho họ đem hết sức mình tham gia cuộc cải cách vỹ đại của đất nước; đồng thời tiến hành cuộc vận động lớn trong cả nước thực hiện hòa giải và đoàn kết dân tộc, tạo ra sự đồng thuận của toàn dân tộc tiến hành thắng lợi cuộc cải cách đổi đời đất nước.
Trong giai đoạn I này, như một khởi động đầu tiên của toàn hệ thống chính trị – xã hội cả nước, đảng tiến hành ngay cuộc vận động lớn trong cả nước thực hiện tiết kiệm triệt để chi tiêu – trước hết gương mẫu cắt giảm mọi chi tiêu có thể cho đảng và trong đảng, để cứu nguy thâm hụt ngân sách quốc gia, dồn mọi nguồn lực cho yêu cầu phát triển của kinh tế. Qua cuộc vận động này xây dựng và hình thành một phong cách làm ăn trung thực, hiệu quả, tiết kiệm trong cả nước. Từ đó xây dựng những chuẩn mực đạo đức và chính trị đầu tiên của quốc gia cần xác lập cho toàn bộ sự nghiệp đưa đất nước trở thành nước phát triển. Tạo dựng được phong trào mở đầu nhưng rất quan trọng này, hy vọng những giá trị tốt đẹp sẽ được củng cố và có sức sống mới, đồng thời đất nước sẽ nảy nở những tinh hoa và trí tuệ mới. Đây có thể là cái đà đầu tiên vận động toàn bộ quá trình cải cách và xây dựng đất nước.
Tóm lại, giai đọạn I thực hiện xong nhiệm vụ đảng tự thay đổi và cải cách đảng trước về đường lối, về tổ chức và về phương thức hoạt động, để có khả năng xây dựng xong và triển khai chiến lược cải cách & phương thức / kế hoạch thực thi trong cả nước. Trên cơ sở tự cải cách chính mình trước như vậy, đảng chủ xướng và dẫn dắt cả nước thực hiện cuộc cải cách trọng đại này.
Ngay lập tức (nghĩa là trong khi chưa có Hiến pháp mới) đảng chuyển sang hoạt động theo phương thức của đảng cầm quyền trong một thể chế chính trị pháp quyền dân chủ (trước hết với tinh thần trên thực tế coi như không còn “Điều 4”), lấy xã hội dân sự làm địa bàn hoạt động chủ yếu, thực hiện những sửa đổi / cải cách bước đầu cần thiết hệ thống hành chính quốc gia để bảo đảm yêu cầu xúc tiến cải cách, duy trì đươc sự vận hành liên tục của mọi lĩnh vực trong cuộc sống trong suốt thời gian tiến hành cải cách, không để xảy ra khoảng trống quyền lực.
Giai đoạn II
Thông qua Hiến pháp mới, đồng thời thực hiện tiếp mọi bước đi của cải cách trong giai đoạn này, xây dựng / hoàn thiện những luật pháp và thể chế kinh tế theo Hiến pháp và hệ thống pháp luật mới. Thành tựu phát triển kinh tế và sự ra đời của thể chế chính trị / nhà nước mới theo Hiến pháp mới là thước đo nội dung và quá trình tiến triển của cải cách ở giai đoạn này.
Nên tham khảo mô hình thế chế chính trị / nhà nước và bộ máy hành chính sự nghiệp của Singapore, Nhật và Hàn Quốc để vận dụng vào nước ta theo tinh thần của Tuyên ngôn Độc lập 02-09-1945, Hiến pháp 1946 và cách tổ chức quốc hội 1946, được bổ sung những nét cập nhật phù hợp với đòi hỏi của đất nước và bối cảnh quốc tế hiện tại. Nét đặc trưng chung của 3 mô hình này (Singapore, Nhật, Hàn Quốc) là tính tập trung để tạo ra khả năng quyết đoán cao, đồng thời bảo đảm được dân chủ, tính công khai minh bách và trách nhiệm giải trình.
Trên cơ sở những bước tiến mới nói trên, tiến hành xây dựng một thể chế chính trị / nhà nước đa nguyên, hình thành một số đảng chính trị mới theo Hiến pháp mới và Luật về đảng phái chính trị và các tổ chức xã hội dân sự như đã được thông qua ở giai đoạn II.
Nên xây dựng các lý lẽ thuyết phục, và được bảo đảm bằng bộ luật về các đảng phái chính trị và đoàn thể nói trên được thiết kế phù hợp, để hình thành thêm các đảng chính trị mới có thể tham chính thông qua Luật bầu cử dân chủ tự do và theo quy định của Hiến pháp.
Ở nước ta, hợp lý nhất có lẽ chỉ nên hình thành thêm 2 đảng tham chính mới như đã từng có trong thời đầu của nước VNDCCH – đó là đảng Dân Chủ và Đảng Xã hội – song phải là 2 đảng có thực quyền và bình đẳng trước pháp luật như mọi đảng khác theo Luật. Nếu có nhiều đảng nữa sẽ rối và không cần thiết. Hiến pháp và các bộ Luật liên quan cần được thiết kế sao cho bảo đảm nghiêm túc yêu cầu: thực hiện đa nguyên, nhưng bảo đảm không quá 3 đảng tham chính trong tranh cử và bầu cử; thủ lĩnh của đảng có đa số ghế lớn nhất trong Quốc hội sẽ là tổng thống với chức năng là người đại diện quốc gia cao nhất và có quyền lực cao nhất cả nước; thủ tướng là người trực tiếp điều hành nội các (chính phủ) do tổng thống bổ nhiệm và được quốc hội chấp thuận; với điều kiện của nước ta, nên thực hiện chế độ 1 viện duy nhất là quốc hội; tuy nhiên nên thực hiện chế độ bầu cử từng phần so le để bảo đảm sự hoạt động liên tục của quốc hội (không bị gián đoạn qua mỗi kỳ bầu cử). Tiến hành bầu cử thành lập hệ thống nhà nước theo Hiến pháp mới, nên mời sự giám sát quốc tế cuộc bầu cử để nâng cao uy tín của chính thể mới, đồng thời tranh thủ sự ủng hộ / hậu thuẫn của cộng đồng quốc tế.
Nên chuẩn bị sớm một chiến lược cải cách như trên để được thông qua sớm nhất có thể tại một đại hội đảng toàn quốc bất thường, sau đó triển khai thực hiện. Nhưng ngay sau khi Bộ Chính trị đã đi tới được quyết định phải tiến hành cải cách, Bộ Chính trị nên có ngay một tuyên bố trình bầy rõ quyết định chiến lược này, kêu gọi cả nước và toàn đảng đoàn kết và phát huy tinh thần yêu nước đem hết tâm huyết tham gia sự nghiệp cách bằng mọi hành động và việc làm thiết thực, dấy lên trong cả nước một hào khí mới, làm cho nhân dân và từng đảng viên ngay từ ngày đầu tiên cảm nhận được sự nghiệp cải cách này là trách nhiệm của chính mình, chủ động làm mọi việc có thể góp phần tham gia của mình.
Trong quá trình chuẩn bị Đại hội XII tôi đã kiến nghị thành lập nhóm ad hoc gồm các đồng chí Bùi Quang Vinh, Vũ Đức Đam và Phạm Bình Minh giúp đảng xây dựng nội dung Đại hội theo hướng xúc tiến cải cách nói trên. Nay tôi xin đề nghị một lần nữa: Bộ Chính trị nên quyết định lập sớm một nhóm như thế giúp đảng bắt tay ngay vào việc chuẩn bị và xây dựng chiến lược cải cách.
Trên đây chỉ là những gợi ý thô sơ ban đầu để tham khảo./.
Phụ lục II
Về chủ nghĩa Mác – Lênin
Nguyễn Trung
Muốn tiến hành cải cách chính trị, đảng phải chủ động loại bỏ “chủ nghĩa Mác – Lênin” và ý thức hệ đi kèm. Bởi các lẽ:
Trong khuôn khổ tâm sự và trao đổi, chỉ xin nêu ra một số suy nghĩ ban đầu dưới đây.
Trước hết xin nói ngay: Cả Mác và Lênin đều không sáng lập ra chủ nghĩa này – nó không tồn tại.
Chính bản thân Mác – và cả Ăng-ghen – đều cho tác phẩm trí tuệ của mình là lý luận mang tính giải thích và thúc đẩy sự phát triển của cuộc sống. Mác và Ăngghen suốt cuộc đời mình đã nhiều lần tiếp tục điều chỉnh những chỗ sai, có nhiều sửa đổi quan trọng, bám vào thực tiễn và sự vận động của lịch sử để tiếp tục phát triển lý luận của mình. Tới nay đã có thể lọc ra khoảng 9 – 10 lần Mác và Ăngghen đã có những thay đổi như thế. Cả Mác và Ăngghen đều coi lý luận của mình là mở, đòi hỏi vận dụng sáng tạo bám sát cuộc sống chứ không giáo điều, không bao giờ coi nó là học thuyết hay chủ nghĩa mang tính khuôn sáo, áp đặt.
Còn Lênin cũng chưa từng đưa lý luận Mác lên thành một thứ chủ nghĩa, cũng chưa hình thành được chủ nghĩa riêng của Lênin, vì bản thân Lênin còn đang viết NEP (the New Economy Policy – Chính sách kinh tế mới, 1924) dở dang thì qua đời. Trước khi soạn thảo NEP, điều bổ xung của Lênin vào học thuyết Mác là quan điểm “chuyên chính vô sản”. Song trong quá trình viết NEP chính Lênin không nhắc tới hoặc đã thay đổi quan điểm này. Thực tế cũng đã chứng minh CCVS là sai lầm.
CNML như được nói tới, được hiểu và dạy, được thực hành trong ĐCSVN và ở nước ta cho đến hôm nay được lấy ra từ các phiên bản “Liên Xô” và “Trung Quốc” (nghĩa là không phải từ gốc), có đôi chút biến báo vì lý do phiên dịch hoặc vì theo cách hiểu của Việt Nam, vừa có nhiều cái sai so với những điều Mác viết ra, vừa đã tự chứng minh là sai trong thực tiễn Việt Nam 42 năm nay.
Sự thật là CNML được các lãnh tụ của phong trào cộng sản (Stalin, khoảng năm 1927, một số nhân vật khác…) chắt lọc chủ yếu từ Tuyên ngôn Cộng sản, rồi dựng lên thành một chủ nghĩa, một học thuyết nhằm xác lập vai trò độc tôn lãnh đạo cách mạng (trước hết lúc đó là của Liên Xô) và sự tồn tại của ĐCS với tính cách là một đảng độc tôn như thế, và để chi phối mọi tư duy và hành động của toàn xã hội theo quan điểm của ĐCS. Nội dung cốt lõi là xóa bỏ tư hữu tư liệu sản xuất, thiết lập chuyên chính vô sản, coi đấu tranh giai cấp là động lực của phát triển.
Ngoài ý nghĩa là một cẩm nang của cách mạng xã hội chủ nghĩa, CNML như vậy có thể được xem như sự khẳng định vai trò lãnh đạo tư duy của LX (và phần nào cả tôn sùng cá nhân Stalin, sau này Khru-sốp đã bác bỏ, nhưng ở ta lại phê phán Khru-sốp là xét lại) trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.
Mác viết Tuyên ngôn Cộng sản năm 30 tuổi (1848), và hầu như đây là tác phẩm duy nhất Mác đề cập đến chủ nghĩa cộng sản một cách đầy đủ nhất với tính cách là một hình thái xã hội mới tất yếu sau chủ nghĩa tư bản. Song trong toàn bộ cuộc đời còn lại sau đó, Mác hầu như bỏ không theo cách tiếp cận như vậy nữa, mà đi sâu vào bản chất sự vận động và phát triển của chủ nghĩa tư bản đương thời. Dù không kiên định, song đã có lúc Mác thừa nhận không thể làm thầy bói cho lịch sử như các dự báo của mình, cho rằng lịch sử chỉ chấp nhận may đo, chứ không thể ốp may sẵn (Việt Phương). Mác đã hoàn thành “Tư bản” tập I, sau đó Ăngghen từ những phần việc dở dang của Mác hoàn thành tiếp “Tư bản” II và III, trong đó hầu như không nói tới chủ nghĩa cộng sản nữa. Đáng chú ý là: sau này Mác, song rõ nhất là Ăngghen nhân dịp 25 năm TNCS, đều coi TNCS chỉ có giá trị lịch sử, cuộc sống hoàn toàn không diễn ra như đã viết trong TNCS. Một số quan điểm quan trọng khác của Marx về đấu tranh giai cấp, về quy luật bóc lột giá trị thặng dư, về quy luật tiến hóa của lịch sử… cũng cho thấy nhiều chỗ không đúng và càng không theo kịp cuộc sống ngày nay… Trong khi đó những phân tích của Marx về chủ nghĩa tư bản cho đến hôm nay vẫn có nhiều giá trị thời sự[1].
Một vấn đề vô cùng hệ trọng liên quan đến vấn đề đang bàn: Từ 6 – 7 thập kỷ nay nhiều công trình nghiên cứu khoa học và nhiều học giả có uy tín trên thế giới đánh giá thống nhất: chế độ của Hítle, Stalin và Mao có 3 đặc điểm giống nhau:
Chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô lúc đầu là cái nôi và là thành trì của cách mạng vô sản thế giới, song tha hóa dần hướng về một đế chế trong quan hệ giữa Nga và các nước trong Liên bang xô viết, cũng như giữa Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu với nhiều rạn nứt, để cuối cùng là tan vỡ.
Ngay từ lúc quy mô nền kinh tế Trung Quốc còn đứng rất xa ngoài tốp 50 nước đứng đầu thế giới, chủ nghĩa xã hội/chủ nghĩa cộng sản của Mao với quan điểm “gió Đông thổi bạt gió Tây” đã mang màu sắc bá quyền. (Trung Quốc không theo CNML vì chống Liên xô, mà chỉ một thời nêu là “chủ nghĩa Mác”).
Cả 3 chế độ toàn trị nói trên đều có những thảm sát đẫm máu lịch sử sẽ không thể quên, những tội ác hủy hoại đến tận cùng quyền con người.
Trong khi đó những khát vọng thể hiện đặc trưng hay thuộc tính của chủ nghĩa xã hội hiện thực hôm nay xuất phát từ những khát vọng xa xưa của loài người, sớm nhất là từ thời Plato và Aristotle thuộc nền văn minh Hy Lạp. Rồi những giá trị này trở thành những quan điểm chính trị rõ rệt ở thế kỷ thứ 16, nổi bật là Thomas More (The Utopia), và ngày nay vẫn là hoài bão của loài người về các giá trị của tự do, hạnh phúc…
Chủ nghĩa xã hội hiện thực – có thể nói như vậy – hôm nay được thấy trước hết ở các nước Bắc Âu, thuộc phong trào dân chủ xã hội – nghĩa là hoàn toàn không phải là sản phẩm của CNML. Tiền thân của phong trào dân chủ xã hội ngày nay là Quốc tế II mà Marx và Engels lúc sinh thời đã phê phán rất quyết liệt, cho là cải lương và thủ tiêu đấu tranh giai cấp. Song sang thế kỷ 21 phong trào dân chủ xã hội trên thế giới cũng đang đi vào thời kỳ thoái trào, xã hội loài người đứng trước nhiều vấn đề mới truyền thống và phi truyền thống, những bất công mới, những đòi hỏi mới trong quá trình toàn cầu hóa ngày nay; đồng thời – như 2 mặt của một đồng xu, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng đặt ra nhiều thách thức mới…
Vậy CNML với tính cách là nền tảng lý luận của những gì được gọi là xã hội chủ nghĩa hay định hướng XHCN được giảng dạy và thực hiện ở nước ta thực chất là gì? Lãnh đạo đảng đang đòi hỏi phải bảo vệ, phải trung thành với CNML nào, nó là những nội dung cụ thể gì? Nó có thể soi sáng con đường nào cho đảng, dẫn đất nước đi tới đâu?.. Mọi câu trả lời tìm được trong cuộc sống đều dẫn tới kết luận: Đó là một tập hợp lý luận đầy khiên cưỡng, duy ý chí và mâu thuẫn, xong lại có nhiệm vụ xác lập và biện minh cho vai trò độc tôn của ĐCS, là nền tảng lý luận, là lá cờ giương lên để gò đất nước vào sự lãnh đạo của đảng, v v.., đồng thời là nguồn gốc và mầm mống của chế độ toàn trị ở nước ta hôm nay.
Đáng lưu ý là nội dung của CNML về xây dựng CNXH được xác định tập trung trong Tuyên bố Mạc-tư-khoa 1957 của các ĐCS và CN quốc tế đã có nhiều điểm khiên cưỡng trái hẳn với lý luận của Mác[2]. Cho đến nay chưa một lần nào và bất kỳ ở đâu có thể thực hiện được nội dung xây dựng chủ nghĩa xã hội như đã ghi trong tuyên bố Mạc-tư-khoa. Đơn giản vì những điều đã được xác định này không hiện thực, duy ý chí, nên thất bại[3]. Vì lẽ này các nước XHCN Liên Xô – Đông Âu cũ sụp đổ. Cũng vì lẽ này Việt Nam đã phải tiến hành đổi mới 1986, và hiện nay đang bâng khuâng không biết đến hết thế kỷ này sẽ có CNXH hay không?!.
Bi kịch kép của lý luận Mác là ngoài sự sụp đổ của các nước LXĐÂ cũ, đến nay cũng chưa có một cuộc cách mạng nào thắng lợi đã xảy ra theo lý luận của Mác. Trước khi mất 2 năm, Mác đọc cho con rể mình viết góp ý với đường lối của Đảng công nhân Pháp: cách mạng có thể giành thắng lợi bằng con đường hòa bình, nghĩa là không phải bạo lực, cụ thể là thông qua bầu cử; 1895 Ăngghen cũng góp ý như vậy với Đảng Công nhân Đức, song Lênin không biết những điều này… Sau khi Mác mất, Ăngghen tập hợp tiếp các tác phẩm của Mác và đã có lúc thô thiển hóa những ý tưởng của Mác thành “chủ nghĩa”… (Việt Phương và một số học giả nước ngoài khác). Việt Phương còn dẫn ra những chỗ sai khác của Mác trong kinh tế chính trị học. Đúng là dù vĩ đại đến mấy, con người bao giờ cũng vẫn là nhân vô thập toàn: Mác là một trong những triết gia và nhà tư tưởng có ảnh hưởng sâu rộng nhất – tích cực cũng như tiêu cực – đối với nhân loại trong thế kỷ 20.
Có một điều cần suy nghĩ: Nếu đồng nhất (1) tư tưởng – lý luận Mác và (2) phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, và (3)chủ nghĩa cộng sản diễn ra dưới dạng các chế độ toàn trị ở tất cả các nước xã hội chủ nghĩa làm một, e rằng sẽ không đúng. Dù tác động qua lại với nhau sâu sắc thế nào, song đây vẫn là 3 thực thể khác nhau. Nên có nghiên cứu khách quan giải đáp thỏa đáng. Với cách đặt vấn đề như vậy, tôi cho rằng:
Hơn nữa, trên đời này ngoài kinh thánh được các tín đồ của mình phong tặng sự vĩnh cửu, không có lý luận khoa học nào là vạn năng, bất di bất dịch và trường tồn – trong lĩnh vực khoa học xã hội càng không, vì con người luôn luôn hướng về sự giải phóng chính mình; mọi thứ “chủ nghĩa” đều phải áp đặt tư duy của chính nó. Chỉ có các giá trị mà con người xây dựng nên được trong quá trình phát triển của chính mình là trường tồn. Song các giá trị này cũng phải thường xuyên phát triển theo sự vận động của thời gian, thời đại…
Đến đây có thể kết luận:
Trong cuộc sống thực của đất nước ta hôm nay, ngoại trừ một số quan điểm sai lầm như chuyên chính vô sản, đấu tranh giai cấp, tập trung dân chủ.., rất khó tìm được bất kể một quyết định, hay hành động hoặc một kết quả thực tiễn nào của ĐCSVN hôm nay mang nội dung CNML như đã được xác định trong Tuyên bố Mạc-tư-khoa 1957 nói trên, hoặc theo chính các giáo lý giảng dạy. Đơn giản vì những thứ này đều không khả thi. Song lại ngụy biện là vận dụng sáng tạo vào nước ta! Thực tế này giải thích hiện tượng: Xây dựng CNXH ở nước ta do thất bại, nên từ vài thập kỷ nay buộc phải hạ thấp xuống thành “định hướng XHCN”. Tuy thế đến bây giờ vẫn không xác định rõ được ĐHXHCN là cái gì. Đơn giản vì “định hướng” như thế không có thực. Tất cả những gì tốt đẹp định làm và cố tìm cách gói ghém chúng vào khái niệm ĐHXHCN ở nước ta – ví dụ như công bằng, dân chủ, văn minh, phúc lợi xã hội, chống bóc lột, trách nhiệm của nhà nước… – trên thực tế chỉ là những bánh vẽ, hoặc giả có điểm nào cố sức làm (ví dụ trong y tế, trong giáo dục, trong thực hiện qua loa một số quyền tự do dân chủ nào đó…) kết quả nếu đạt được thường ở mức độ rất thấp và kém rất xa tất cả các nước cùng ở mức thu nhập trung bình (thấp) như nước ta, kém hẳn các nước phát triển.
Sự thật là nước ta hiện nay bị xếp vào nhóm “top” các quốc gia có chế độ chính trị mất tự do dân chủ, vi phạm nhân quyền và bất công nhất trên thế giới. Cho nên càng bàn mãi về ĐHXHCN càng bí. Vì vậy tuyên giáo của Đảng đã “chốt” lại hộ để khỏi phân vân mãi chưa ra: Cốt lõi của “định hướng XHCN” là bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng, giữ vững kinh tế nhà nước là chủ đạo! Song oái oăm thay chính cái được “chốt” lại này lại là nguồn gốc của chủ nghĩa tư bản thân hữu và tư bản hoang dã đạt tới đỉnh cao ở nước ta 10 năm qua, bây giờ Đảng phải kêu gọi chống. Trong khi đó Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII lại quy kết mầm mống của chủ nghĩa tư bản thân hữu ở nước ta là kinh tế tư nhân! Phi lý đến thế là cùng. Song chính cái “chốt” lại này khiến nước ta xin mãi hàng chục năm nay sự công nhận là “kinh tế thị trường” mà vẫn không được!
Cuộc sống luôn luôn đòi hỏi giải phóng tư duy khỏi sự kìm kẹp của ý thức hệ, để mở mang trí tuệ phấn đấu cho những giá trị đã được văn minh của nhân loại xác lập./.
Phụ lục III
Về ĐCS Trung Quốc và ĐCS Việt Nam
Nguyễn Trung
Một trong những cái lầm chết người từ Thành Đô đến nay là ta bị «16 chữ và 4 tốt» mê hoặc, cứ tưởng ta giống Trung Quốc, nên có thể đi với nhau, dựa vào nhau, học nhau, cùng đi lên chủ nghĩa xã hội.., mà quên mất ta không hề, không bao giờ, và không thể giống Trung Quốc về bất kỳ phương diện nào, nhất là quên khuấy đi mất trước sau ta chỉ là cái đích của Trụng Quốc!
Xin nhắc lại :
ĐCSVN không bao giờ giống ĐCSTQ, nên không thể và không được làm theo TQ! Đừng bao giờ quên điều chết người này!
Hữu nghị, hợp tác… vân vân… là những chuyện hoàn toàn khác và chỉ thuộc lĩnh vực đối ngoại.
Sự thật đơn giản thế này:
– Trung Quốc của một đế chế hồi sinh luôn luôn cần một đảng độc tài toàn trị cực mạnh để giữ cho Trung Quốc khỏi tan rã thành những nước nhỏ, và để tạo lực chiếm ngôi bá chủ trên thế giới. Mao Trạch Đông đã nhiều lần khẳng định công khai: ĐCSTQ là vô thiên vô pháp, trời cũng không so được! Cứ nhìn những gì đẫm máu đã xảy ra ở TQ và những hành vi của TQ trên thế giới từ thời Mao cho đến hôm nay, sẽ thấy quan điểm «vô thiên, vô pháp, mục tiêu biện minh cho biện pháp» của Mao là xuyên xuốt toàn bộ hệ thống chính trị Trung Quốc về đối nội cũng như đối ngoại.
– Nhưng Việt Nam là một láng giềng sát nách lại cần một đảng cầm quyền xây dựng cho quốc gia mình một thể chế chính trị dân chủ lành mạnh, để phát huy hết mức sức mạnh dân tộc và tranh thủ dược cả thế giới hậu thuẫn, qua đó mới có thể tồn tại và trở thành một láng giềng được tôn trong của Trung Quốc! Việt Nam không làm được như thế thì chắc chắn sẽ chỉ là cái đích TQ đã bỏ túi.
Hiển nhiên như ban ngày: Xem vậy nhiệm vụ chính trị đối với quốc gia của 2 đảng Trung Quốc và Việt Nam đối nghịch nhau như giữa đen và trắng vậy. Đừng giây phút nào mơ hồ điều này! Đừng để cho lăng kính ý thức hệ nhìn lệch sự thật này.
Cho nên “16 chữ và 4 tốt” chỉ là ngoại giao Trung Quốc đưa ra mà thôi, phải luôn luôn đối chiếu giữa nói và làm như thế nào. Rất tiếc rẳng “16 chữ và 4 tốt” khi ra đời Trung Quốc lúc ấy mới chỉ làm xong việc chiếm các đảo của ta, hôm nay làm xong việc hình thành một hệ thống căn cứ quân sự trên các đảo này.
Nếu ĐCSVN hôm nay nghĩ mình giống Trung Quốc, chọn nhiệm vụ chính trị của mình là học và làm theo Trung Quốc, làm giống Trung Quốc.., thì vô lý quá. Ví dụ, Trung Quốc làm Thiên An Môn, chẳng lẽ ta cũng làm Thiên An Môn? Trung Quốc khủng bố Lưu Hiểu Ba, ta cũng phải bắt chước? Lại còn học Trung Quốc nhiều thứ chính trị khác, nhờ Trung Quốc đào tạo cán bộ, lại cả cán bộ cao cấp nữa… Làm như thế sẽ chỉ hàm nghĩa là làm cho nước mình sớm trở thành cái đích đạt được của Trung Quốc mà thôi!
Cho phép tôi nói bỗ bã thế này:
Nếu đảng của Việt Nam cũng bắt chước đảng Trung Quốc làm bạo quyền, thì giỏi lắm cũng chỉ có thể bạo quyền với chính nhân dân nước mình mà thôi. Nhưng làm như thế, sẽ giúp Trung Quốc bá quyền được nước mình sớm hơn! Nếu làm như thế, đảng của Việt nam sẽ là đảng gì? Dân có để cho đảng yên không? Đảng của Việt Nam có nên như thế không? Phải nghĩ lại!
Hai đảng này không giống nhau chút nào cả.
Nhất thiết phải tạo dựng được quan hệ hữu nghị và hợp tác lâu dài với Trung Quốc. Song nếu ta muốn đạt được điều này, nhất thiết phải có nhân cách, bản lĩnh và thực lực; còn nếu chỉ là kẻ dặt dẹo, là con nghiện, thì hữu nghị và hợp tác chỉ có thân phận kẻ ăn mày và chứ hầu mà thôi!
Nói đến hữu nghị và hợp tác với Trung Quốc là phải nói đến hữu nghị thật, hợp tác thật, trước sau phải làm bằng được. Có thể sẽ không phải quá lời: Không ai cần mối quan hệ hữu nghị láng giềng tốt với Trung Quốc bằng Việt Nam! Cũng chưa nước nào bỏ ra nhiều công sức như thế cho mục tiêu này. Song cũng chưa nước nào phải trả giá đắt như Việt Nam. Đấy là sự thật trần trụi.
Nếu hiện nay hữu nghị – hợp tác với Trung Quốc chưa được là thật, thì ta phải tìm cách tạo ra lực đứng trên đôi chân của ta, để khẳng định được là chính ta, nhờ đó để có thể làm cho hữu nghị và hợp tác với Trung Quốc trở nên thật.
Còn hữu nghị cửa miệng, hợp tác cửa miệng, sẽ chỉ là lừa nhau mà thôi. Nhìn lại, lừa nhau như thế, cho đến nay hầu như chỉ có ta bị lừa. Làm ngoại giao cả đời, tôi chưa thấy ta lừa nổi Trung Quốc một lần nào, vì nước này lớn quá và xảo quyệt quá để có thể lừa. Vậy chỉ còn con đường tạo ra thực lực và bản lĩnh để có được hữu nghị thật, hợp tác thật với Trung Quốc thì mới sống được! Thứ này không xin được.
Hay là chọn con đường làm chư hầu!? Xin đừng quên lịch sử quan hệ Việt – Trung hơn một nghìn năm nay!
Không có con đường giả vờ nào khác mà đi cả.
Tất cả cho thấy chỉ còn cách phải đổi đời để sống thật!
Mất nước 80 năm vào tay thực dân Pháp, chỉ vì triều Nguyễn hồi ấy chưa nghĩ đến đổi đời để bước vào cái thế giới đã thay đổi mà sống. Bây giờ có lại được độc lập thống nhất, nhưng trong một thế giới lại thay đổi tiếp. Bài học rút ra từ 80 năm thuộc địa «phải đổi đời để sống» chẳng lẽ hôm nay vô nghĩa đối với ĐCSVN hay sao? Nguy cơ tái diễn cái quán tính lịch sử tệ hại của những thế kỷ đất nước ta đã sống trong cái bóng Trung Quốc chính là ở chỗ này!
Xin nhấn mạnh một lần nữa : Nhiệm vụ chính trị và trách nhiệm đối với quốc gia của ĐCSVN chẳng có một nét mảy may nào giống đảng của Trung Quốc – và đây chính là chỗ lãnh đạo ĐCSVN hôm nay mơ hồ nhất, mất cảnh giác nhất! Cứ nghĩ cùng là XHCN thì giống nhau và đi được với nhau! Với những thất bại nghiêm trọng cho đất nước và những hệ quả lâu dài đến hôm nay vẫn chưa tỉnh và chưa sao gỡ ra được!
Mong suy nghĩ kỹ điều này.
Xin nhắc lại tại đây lãnh đạo đảng thời hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc đã từng tổng kết: Mọi thắng lợi đạt được, trước hết là nhờ độc lập tự chủ trong tư duy và đường lối, mọi thất bại vấp phải là do mất độc lập tự chủ trong tư duy và rập khuôn Trung Quốc! Lãnh đạo hồi ấy đã kiểm điểm sâu sắc những bài học đau đớn như cải cách ruộng đất, cải tạo tư sản, chỉnh huấn, rèn cán chỉnh cơ, để cho ý thức hệ mao-it ảnh hưởng đến một số đường lối chính sách… Thậm chí hồi đó đã có người còn muốn nhập khẩu cả cách mạng văn hóa vào Việt Nam, nhưng đã bị bác bỏ quyết liệt… Bộ chính trị hồi đó luôn luôn nhắc nhở phải độc lập tự chủ trong tư duy và cảnh giác với mọi thâm nhập từ bên ngoài và giáo điều, quyết không để cho bên ngoài – dù là ai – can thiệp vào đường lối cách mạng của mình.
Nghị quyết 15 về đẩy mạnh kháng chiến cứu nước của ta và Nghị quyết 9 về đối ngoại là những vị dụ tiêu biểu về kiên định độc lập tự chủ trong tư duy chiến lược và trong hành động, quyết gạt bỏ mọi ảnh hưởng, tác động, áp lực từ bên ngoài, để thực hiện đến cùng mục tiêu chiến lược giành lại độc lập thống nhất đất nước.
Xin kể lại như vậy với các thế hệ lãnh đạo hôm nay để tham khảo.
Muốn hay không, Trung Quốc hôm nay đã trở thành vấn đề của cả thế giới. Thực tế khách quan này đối với Việt Nam còn nghiêm trọng hơn, sát phạt hơn nhiều. Nước ta không lựa chọn được thế giới, nên chỉ còn cách làm sao lựa chọn được vị thế quốc gia phải có để sống được trong thế giới này – trong đó có đòi hỏi không thể thiếu là phải xác lập bằng được quan hệ lâu dài láng giềng tốt với Trung Quốc, có được hữu nghị thật, hợp tác thật. Nhìn rõ và quyết nắm lấy bằng được cái đích này, mỗi người Việt chúng ta – và trước hết là đảng nắm quyền, sẽ biết được và xác định được con đường phải đi và phải làm gì. Trời đất không cho chúng ta thoát khỏi nhiệm vụ này, địa kinh tế và địa chính trị của thế giới hôm nay đặt lên vị trí địa đầu của nước ta số phận như vậy. Nên chi còn cách xác lập lòng tự trọng, thay đổi chính bản thân mình, để bắt tay thực hiện cái quy luật muôn đời : «Có lực mới vực được đạo!». Người Nhật, người Hàn Quốc, người Israel cho chúng ta nhiều bài học thành công của quốc gia họ xuất phát từ trân quý lòng tự trọng này. Xin cùng nhau suy nghĩ về điều này. Nước ta trước sau rất muốn, rất cần hữu nghị – hợp tác với Trung Quốc, nhưng phải gian khổ tìm cách tạo lập nên, thứ này không thể xin được.
Nói đất nước đã sang trang trong một thế giới đã sang trang, trước hết nên bắt đầu từ suy nghĩ như trên./.
Hà Nội – Võng Thị, 20-09-2017
Phụ lục IV
VỀ SỰ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂU
CỦA XÃ HỘI DÂN SỰ Ở VIỆT NAM
Phạm Khiêm Ích
Xã hội dân sự ở Việt Nam có quá trình hình thành và phát triển khá đặc biệt, gặp nhiều khó khăn, trắc trở, khi nở rộ, khi lụi tàn. Vai trò của nó đối với quá trình phát triển kinh tế – xã hội hiện nay rất mờ nhạt.
Xã hội dân sự (XHDS) đã hình thành cùng với sự hình thành nhà nước pháp quyền dân chủ, từ sau Cách mạng tháng Tám. Đây là điều được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm. Ngay sau khi đọc Tuyên ngôn Độc lập, ngày 3/9/1945 trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ việc tổ chức sớm Tổng tuyển cử, xây dựng một Hiến pháp dân chủ, đảm bảo cho nhân dân thực hiện quyền tự do dân chủ là một trong sáu nhiệm vụ cấp bách nhất. Ngay sau đó ngày 8/9/1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 14/SL mở cuộc Tổng tuyển cử để bầu Quốc hội.
Sau bốn tháng chuẩn bị trong những điều kiện vô cùng khó khăn, ngày 6/1/1946 cuộc Tổng tuyển cử đã được tiến hành trên phạm vi cả nước, trong một bầu không khí dân chủ thật sự. Trong bản báo cáo ngắn gọn trước Quốc hội tại kỳ họp thứ nhất ngày 2/3/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Trong cuộc toàn quốc đại hội đại biểu này, các đảng phái đều có đại biểu mà đại biểu không đảng phái cũng nhiều, đồng thời phụ nữ và đồng bào dân tộc thiểu số cũng đều có đại biểu. Vì thế cho nên các đại biểu trong Quốc hội này không phải đại diện cho một đảng phái nào mà là đại biểu cho toàn thể quân dân Việt Nam. Đó là một sự đoàn kết tỏ ra rằng lực lượng của toàn dân Việt Nam đã kết thành một khối”.
Một thành tựu có tính lịch sử mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại là bản Hiến pháp đầu tiên của nuớc Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mà Nguời là Truởng Ban Dự thảo. Hiến pháp ấy xác định nhiệm vụ của dân tộc ta trong giai đoạn này là: “bảo toàn lãnh thổ, giành độc lập hoàn toàn và kiến thiết quốc gia trên nền tảng dân chủ”. Bản Hiến pháp dân chủ này ghi ngay trong trong Điều 1 : “Nuớc Việt Nam là một nuớc dân chủ cộng hòa. Tất cả quyền bính trong nuớc là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt giống nòi, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo”.
Đặc biệt Hiến pháp đầu tiên đã khẳng định những quyền cơ bản của công dân Việt Nam: Quyền tự do ngôn luận, tự do xuất bản, tự do tổ chức hội họp, tự do tín nguỡng, tự do cu trú, đi lại trong nuớc và ra nuớc ngoài (Điều 10). Công dân có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, nhà ở, thư tín… (Điều 11). Quyền tư hữu tài sản được đảm bảo (Điều 12).
Những điều trên đây chứng tỏ rằng giữa XHDS với nhà nuớc pháp quyền và chế độ dân chủ có quan hệ mật thiết, bổ sung cho nhau. Không thể có cái này mà không có cái kia.
Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa không chỉ công nhận và tôn trọng những quyền cơ bản của công dân, mà còn tạo điều kiện cho mọi công dân thực thi những quyền ấy. Tôi muốn nói đến những Sắc lệnh và những Nghị định của Chính phủ tạo điều kiện cho công dân thực thi quyền tự do lập hội và tự do ngôn luận.
Ngày 22/4/1946 Chủ tịch Chính phủ Liên hiệp kháng chiến ký Sắc lệnh số 52 quy định việc lập hội. Sắc lệnh này, ngoài chữ ký của chủ tịch Hồ Chí Minh còn có chữ ký của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Huỳnh Thúc Kháng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Vũ Đình Hòe và Bộ trưởng Bộ Tài Chính Lê Văn Hiến. Lúc này chưa có Hiến pháp, Sắc lệnh này là hình thức pháp lý cao nhất. Sắc lệnh xác định: “Hội là một đoàn thể có tính cách vĩnh cửu gồm hai hoặc nhiều người giao ước hiệp lực mà hành động để đạt mục đích chung; mục đích ấy không phải là để chia lợi tức” (Điều l). Định nghĩa trên đây xác nhận “hội” không phải là tổ chức kinh tế để chia lợi tức, cũng không phải là cơ quan Nhà nước, đó chính là tổ chức XHDS. Sắc lệnh quy định: “Cấm không được lập những hội có mục đích và hoạt động làm đồi bại phong tục, hại đến trật tự chung, hoặc đến sự an toàn của quốc gia” (Điều 2).
Thủ tục thành lập hội rất đơn giản và dễ dàng. Người sáng lập hội phải đủ 21 tuổi, là người xưa nay không có can án thường phạm. Những người sáng lập ra hội phải làm Giấy khai, kèm theo hai bản Điều lệ gửi cho Uỷ ban hành chính Kỳ (tức là Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ), hoặc Bộ Nội vụ. 15 ngày sau khi nhận được Giấy khai và Điều lệ, Ủy ban hành chính Kỳ sẽ phải chuyển cả hồ sơ và phát biểu ý kiến lên Bộ Nội vụ. Bộ trưởng Bộ Nội vụ xét hồ sơ và nếu cho phép hội thành lập sẽ ký Nghị định cho phép. Sau hạn 45 ngày kể từ hôm phát biên lai, nếu Bộ Nội vụ không trả lời ngăn cấm hội thành lập và hoạt động, thì hội sẽ coi như được thành lập (Điều 3, Điều 4).
Nguyên tắc bắt buộc là phải tôn trọng sự tự nguyện của hội viên: “Không hội viên nào có thể bị cưỡng bách ở trong hội. Tuỳ ý hội viên muốn xin ra bao giờ cũng được, dù hội lập ra có thời hạn nhất định mặc lòng, miễn là hội viên xin ra hội đã thanh toán các trái khoán đối với hội và đã báo trước một tuần lễ” (Điều 7).
Chỉ 2 tuần sau khi công bố sắc lệnh, ngày 6/5/1946 Bộ trưởng Bộ Nội vụ Huỳnh Thúc Kháng đã ký Nghị định cho phép Nghiệp đoàn khách sạn Việt Nam được thành lập. Đó là hiệp hội sớm nhất được thành lập theo quy định của sắc lệnh số 52 ngày 22/4/1946. Từ đó đến cuối năm 1946, trong vòng 6 tháng có tới 65 hội được thành lập, tính trung bình cứ 3 ngày có thêm 1 hội mới. Các hội tiêu biểu là: hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam (Nghị định thành lập ngày 5/7/1946, về sau đổi tên thành Mặt trận Tổ quốc Việt Nam), đảng Xã hội Việt Nam (30/7/1946), Liên đoàn Công giáo Việt Nam (6/8/1946), Liên đoàn Lao động trí thức thành phổ Đà Nằng (26/8/1946), Hội Công chức Bình Định (11/10/1946), hội Cựu đệ tứ Cứu thế Ái hữu ở Hàm Nghi, Thuận Hóa (được tiếp tục hoạt động), hội Kiến thiện Kiến An ở Hải Phòng (11/10/1946), hội Việt Nam học xá Nhân viên Ái hữu ở Hà Nội (30/8/1946), hội Từ Liêm Văn học Ái hữu làng Phú Mỹ, huyện Từ Liêm (11/10/1946), hội Văn miếu văn học hiệp hội ở Hà Nội (3/7/1946), hội Phụ nữ ca vũ tương tế có trụ sở ở biệt thự Thanh Hà làng Thổ Quan, Ô Chợ Dừa, Hà Nội (3/7/1946), đoàn Nữ hướng đạo Việt Nam trụ sở ở Hà Nội (11/10/1946), hội Hợp thiện ở 125 Phùng Hưng, Hà Nội (5/6/1946 được phép tiếp tục hoạt động), hội Việt – Mỹ thân hữu (5/6/1946 được phép tiếp tục hoạt động).
Quả thật các hội rất đa dạng, từ các hiệp hội nghề nghiệp, các tổ chức quần chúng, các tổ chức tôn giáo, văn học nghệ thuật, các tổ chức chính trị, các NGO và phần lớn là các tổ chức Ái hữu. Đây chính là các tổ chức XHDS, hình thành ở rất nhiều tỉnh thành trong cả nước. Cần nhấn mạnh rằng Đảng Xã hội VIệt Nam được thành lập theo Sắc lệnh số 52 quy định việc thành lập Hội (đảng dân chủ Việt Nam được thành lập từ năm 1944, trước sắc lệnh số 52). Như vậy Đảng cũng chỉ là một thứ hội mà thôi, không phải là một thứ gì thần thánh hóa cả. Suốt trong 6 tháng chỉ có một trường hợp Bộ Nội vụ bác đơn xin thành lập hội của “Quốc gia thanh niên đoàn” ngày 23/5/1946. Bác đơn như vậy cũng có Nghị định đàng hoàng, công khai. Trong tình thế rất khó khăn hiểm nghèo phải có lòng tin tuyệt đối vào nhân dân thì Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa mới có thể mạnh dạn phát huy tinh thần dân chủ của mọi tầng lớp nhân dân như vậy.
Trong khi đó hơn 10 năm nay Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam không thông qua được Luật lập hội, nghe nói đã có đến bản dự thảo lần thứ 14! Chẳng lẽ lại sợ XHDS, sợ dân đến như vậy sao? Thật vô lý, thật đáng buồn!
Cùng với việc tạo hành lang pháp lý cho nhân dân thực hiện quyền tự do lập hội, Chính phủ đầu tiên cũng tạo mọi điều kiện thuận lợi để nhân dân thực hiện quyền tự do ngôn luận.
Ngay từ tháng 9 năm 1945 Chính phủ đã công bố thể lệ mới về việc cho phép xuất bản báo chí. Chỉ trong vòng 3 tháng cuối năm 1945, Bộ Nội vụ do ông Võ Nguyên Giáp làm Bộ trưởng đã ký hàng loạt Nghị định cho phép xuất bản 87 tờ báo (hầu hết là báo tư nhân), báo hàng ngày và hàng tuần bằng tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Hoa. Như vậy trung bình cứ một ngày lại có thêm một tờ báo mới.
Có thể kể ra một số tờ báo tiêu biểu:
– Nhật báo Tự do của ông Trần Khánh Dư xuất bản tại Hà Nội theo Nghị định của Bộ trưởng Bộ Nội vụ ngày 8/10/1945.
– Tuần báo Văn mới của ông Trương Tửu (8/10/1945), Việt Nam hồn của ông Lê Văn Trương. Báo Dân quyền của ông Lê Văn Thanh.
-Tuần báo Ý Dân của ông Nguyễn Quang Cận (12/10/1945), Tuần báo Nói thẳng của ông Đoàn Phú Tứ (7/12/1945). Nhật báo Nói thật của ông Trịnh Văn Hoàng tại Nam Định (7/12/1945). Tuần báo Văn Hóa của ông Từ Giấy. Tuần báo Bạn gái của bà Nguyễn Thị Lý. Tuần báo Tòa sen của ông Trịnh Giai Ngân. Tờ Đa Minh bán nguyệt san của Nhà chung Bùi Chu, Nam Định (24/11/1945). Đội Cấn tuần báo của ông Nguyễn Nhật Thăng tại Thái Nguyên (22/10/1945). Quyết chiến tuần báo của ông Dương Thế Châu tại Phủ Lý (22/10/1945). Tuần báo Bạn quê của ông Hoàng Tiến Lộc tại Hải Dương (24/10/1945). Báo Dân chủ nhật báo của ông Đỗ Trọng Giang tại Hải Phòng (24/10/1945). Việt Mỹ tạp chí của bán nguyệt san tại Hà Nội (31/10/1945). Hanoi Tribune báo hàng ngày bằng tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Pháp của ông E.de Pollak (17/11/1945). Tờ La République và The Republic của ông Nguyễn Đình Thi (28/9/1945). Tờ L’Entente báo hàng ngày của ông Jean Saumont. Báo Nam Hoa báo hàng ngày bằng tiếng Việt và tiếng Hoa của ông Hồ D3ếnh.
Những số liệu trên đây chứng tỏ XHDS đã hình thành rõ rệt, tất nhiên dưới dạng sơ khai, chưa hoàn thiện, nhưng đã đóng vai trò thiết yếu trong buổi đầu xây dựng một nước Việt Nam dân chủ, tự do. Không có XHDS làm sao có dân chủ, tự do được?
Cuối năm 1946 kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Từ đó đến năm 1979 nước ta trải qua 3 cuộc chiến tranh ác liệt, chiến tranh chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ và chống bọn bành trướng bá quyền Bắc Kinh năm 1979. Chiến tranh kéo dài làm đảo lộn cuộc sống xã hội, hạn chế rất nhiều tự do, dân chủ của người dân. Năm 1950 Việt Nam mở cửa biên giới với Trung Quốc, chúng ta có thêm súng đạn, lương thực để chống thực dân, đồng thời cũng có cả chủ nghĩa Mao nữa. Các sách Bàn về mâu thuẫn, Bàn về thực tiễn là sách gối đầu giường của nhiều nhà lý luận triết học ở ta. Năm 1953 ta tiến hành cải cách ruộng đất, rồi hợp tác hóa nông nghiệp, cải tạo tư sản… Sau đó là các vụ Nhân văn giai phẩm, Chống xét lại, đã gây hận thù sâu sắc trong lòng dân tộc tại Việt Nam. XHDS cứ lịm dần, lịm dần… Đặc biệt sau chiến tranh, chuyên chính vô sản được xác lập trên phạm vi toàn quốc. Hiến pháp năm 1980 long trọng xác nhận điều đó, cùng với việc xác nhận vai trò độc quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Mô hình Xô Viết được xác lập. Điều 6 Hiến pháp Liên Xô được sửa đổi thành Điều 4 Hiến pháp Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Giờ đây khái niệm “Chuyên chính vô sản” ghê sợ không được sử dụng nữa mà thay bằng “Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa”. Nhưng điều đó không thay đổi gì về bản chất, cơ chế chung “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ” được Tổng bí thư Lê Duẩn định nghĩa là “chuyên chính vô sản ở Việt Nam” vẫn giữ nguyên trong Hiến pháp 1992 và Hiến pháp sửa đổi năm 2013. Do vậy nhà nước pháp quyền XHCN chỉ là biến thái của chuyên chính vô sản mà thôi. Trong quá trình phát triển đó XHDS bị xóa bỏ, để nhường chỗ cho xã hội toàn trị (totalitarian society).
Từ đầu thập niên 90, cùng với quá trình dân chủ hóa đất nước, XHDS từng bước được phục hồi. Nhiều nhà nghiên cứu phân tích quá trình dân chủ hóa trên thế giới đã rút ra kết luận là: quá trình dân chủ hóa ở tất cả các nước đều gắn liền với sự hình thành và phát triển của XHDS. Không như vậy, quá trình dân chủ hóa sẽ không có nội dung xác thực. Dân chủ hóa về thực chất là chuyển quyền lực chính trị trong tay Nhà nước sang tay nhân dân. Nhân dân phải trở thành chủ thể của quyền lực Nhà nước. Đấy chính là Nhà nước pháp quyền đích thực, Nhà nước của dân, do dân và vì dân, hay như Hiến pháp dân chủ năm 1946 ghi rõ: “tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam”. Chính vì vậy chúng tôi nhiều lần khẳng định: “XHDS, nhà nước pháp quyền và dân chủ là không thể tách rời”. Điều đó đòi hỏi phải cải cách chính trị, chuyển đổi thể chế chính trị của nước ta từ toàn trị sang dân chủ một cách ôn hòa.
Xã hội toàn trị là đối lập với XHDS. Khái niệm này chỉ những xã hội thực hiện một sự kiểm soát hoàn toàn đối với toàn bộ đời sống xã hội nói chung và đời sống mỗi con người nói riêng. Hannah Arendt dùng khái niệm này để khái quát các chế độ có bản chất và đặc trưng giống nhau, dựa trên sự thống trị tuyệt đối của Nhà nước đối với các công dân trong tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội. Những nét chủ yếu của xã hội toàn trị là:
– Lấy một hệ tư tưởng đặc biệt làm nền tảng cho sự tồn tại của chế độ và hợp pháp hóa quyền tồn tại của nó, toàn thể nhân dân bắt buộc phải coi hệ tư tưởng đó là hệ tư tưởng thống trị toàn xã hội.
– Đặt lợi ích và các quyền tự do của cá nhân phục tùng tuyệt đối lợi ích xã hội, do Nhà nước đại diện.
– Quyền lực chính trị nằm trong tay một đảng duy nhất, đảng cầm quyền và Nhà nước hòa thành một thể thống nhất.
– Xã hội bị Nhà nước hóa triệt để, xã hội dân sự bị xóa bỏ, đặc biệt là cấm các đảng chính trị khác và tất cả các tổ chức xã hội không thuộc quyền lãnh đạo của Đảng cầm quyền.
– Vai trò của pháp luật bị giảm sút, Nhà nước có quyền quyết định mọi cái mà không bị kiểm soát,hoặc hạn chế bởi luật pháp, không có tam quyền phân lập để hạn chế sự lạm quyền, nhà nước pháp quyền bị xóa bỏ.
– Thực hiện độc quyền ngôn luận và thông tin; mọi phương tiện thông tin và báo chí đặt dưới sự kiểm soát chặt chẽ của bộ máy Đảng và Nhà nước.
– Lấy bạo lực làm phương tiện hàng đầu của sự thống trị; sử dụng khủng bố chính trị như một công cụ chính trị đối nội.
Trái ngược với xã hội toàn trị là xã hội dân sự. Có vô vàn định nghĩa khác nhau về xã hội dân sự. Nhưng theo tôi, định nghĩa của học giả Nguyễn Khắc Viện và Nguyễn Kiến Giang trong cuốn Từ điển Xã hội học năm 1994 đã làm nổi bật được cái cốt lõi của xã hội dân sự (được gọi là xã hội công dân). Đó là xã hội trong đó người dân là chủ thể của xã hội và do đó cũng là chủ thể của nhà nước, Nhà nước phục tùng lợi ích của công dân, mà không phải ngược lại.
Định nghĩa này quán triệt được quan niệm mà K. Marx đã nêu ra trong Góp phần phê phán triết học pháp quyền của Hegel về mối quan hệ giữa xã hội dân sự với Nhà nước: “Nhà nước chính trị không thể tồn tại nếu không có cơ sở tự nhiên là gia đình và cơ sở nhân tạo là xã hội dân sự. Chúng là conditio since qua non (điều kiện cần thiết) của Nhà nước. Nhưng (ở Hegel) điều kiện biến thành cái chịu điều kiện, cái quy định biến thành cái bị quy định, cái sản sinh biến thành sản phẩm của sản phẩm của nó”. Như vậy “Mối quan hệ thật sự ở đây đã đặt lộn ngược. Ở đây điều giản đơn nhất được miêu tả thành rối rắm nhất; còn điều rối rắm nhất lại được miêu tả thành điều giản đơn nhất, cái phải là điểm xuất phát thì trở thành kết quả thần bí, còn cái lẽ ra phải có tư cách là kết quả hợp lý thì lại trở thành điểm xuất phát thần bí”.
Trên đây là K.Marx phê phán quan điểm của Hegel. Rất tiếc rằng, ngày nay một số người tự nhận là theo chủ nghĩa Marx, nhưng lại tuyệt đối hóa vai trò của Nhà nước, biến Nhà nước thành chủ thể, còn công dân chỉ biết phục tùng Nhà nước chuyên chế. Thật ta, trong mọi xã hội đều có hai cực: Công dân và Nhà nước. Ngay cả trong xã hội dân sự, cũng không thể không có Nhà nước đứng ra điều khiển và quản lý các công việc xã hội, nhưng tất cả những điều đó đều nhằm thực hiện đầy đủ các quyền của công dân, các quyền của con người, trong khi đòi hỏi các công dân thực hiện những nghĩa vụ của mình với nhà nước, cũng tức là đối với toàn xã hội. Vai trò của Nhà nước trong xã hội dân sự khác về nguyên tắc trong xã hội cực quyền, ở đó lợi ích và quyền của con người bị đặt xuống dưới và hy sinh cho lợi ích và các quyền của nhà nước chuyên chính.
Xã hội dân sự là một thành tựu to lớn của sự phát triển lịch sử của loài người. Xã hội dân sự là một cơ thể phát triển không ngừng và hoàn thiện không ngừng. Những yếu tố cấu thành của xã hội ấy là: Sở hữu của các công dân với tư cách cá nhân, các quyền tự nhiên của con người và các quyền tự do cá nhân của công dân, chế độ dân chủ về mặt chính trị và nhà nước pháp quyền. Bản thân các yếu tố ấy cũng không ngừng phát triển và hoàn thiện, cùng với sự phát triển và hoàn thiện của toàn bộ hệ thống xã hội dân sự.
Ngày nay, trong quá trình dân chủ hóa, ngày càng nhiều người nhận thức sâu sắc rằng chỉ có thể xây dựng chế độ dân chủ trên cơ sở xã hội dân sự. Chừng nào xã hội dân sự chưa vững vàng thì chừng đó dân chủ vẫn chưa được bảo đảm. Ngược lại, dân chủ hóa là một trong những động lực chính để xây dựng xã hội dân sự.
Việc chuyển từ xã hội cực quyền sang xã hội dân sự ở nước ta gặp rất nhiều khó khăn, phức tạp. Nhưng đây là quá trình tất yếu không thể đảo ngược được.
Hà Nội, ngày 24 tháng 9 năm 2017
–
Một cựu Đại sứ Việt Nam tại
Thái Lan, Đức và nguyên cộng tác viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng Chính
phủ Việt Nam vừa công bố một ‘kiến nghị tâm huyết’ trong đó kêu gọi
đích danh Tổng bí thư Đảng CSVN ông Nguyễn Phú Trọng ra quyết định ‘khép
lại quá khứ’, ‘huy động toàn đảng’ và ‘dựa vào trí tuệ nhân dân cả
nước’ tiến hành ‘một cuộc cải cách chính trị không thể trì hoãn’.
Kiến nghị do ông Nguyễn Trung, nguyên tổng thư ký Hội đồng Kinh tế đối ngoại của Chính phủ, cựu trợ lý của Thủ tướng Việt Nam Võ Văn Kiệt, đề ngày 24/9 và công bố trên truyền thông hôm 27/9/2017 đề nghị đảng đang cầm quyền duy nhất ở Việt Nam hiện nay ‘lấy lại tên cũ’ là đảng Lao động và tuyên bố ‘trước
quốc dân, đồng bào và quốc tế’ quyết định đổi mới thành một ‘đảng yêu nước của dân độc và dân chủ’.
Người từng là thành viên Tổ nghiên cứu kinh tế đối ngoại của Thủ tướng Phan Văn Khải, cộng tác viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng chính phủ Việt Nam, bên cạnh nhiều nội dung quan trọng trong văn bản gồm 42 trang với ba phần lới và bốn phụ lục, cũng đề nghị Đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam ngay sau khi có các tuyên bố cải tổ ‘trả lại tự do’ cho tất cả tù chính trị ‘bị tù vì bất đồng chính kiến với chế độ chính trị’.
Đồng thời kiến nghị đề nghị Đảng tiến hành cuộc vận động lớn trong cả nước nhằm thực hiện ‘hòa giải và đoàn kết dân tộc’, tạo ra ‘đồng thuận’ toàn dân tộc nhằm tiến hành ‘thắng lợi cuộc cải cách đổi đời đất nước’.
BBC: Hội luận về bản Kiến nghị của Nguyễn Trung
Giáo sư Tương Lai từ bỏ Đảng Cộng sản
Kêu gọi lãnh đạo ‘đổi tên đảng, tên nước’
Theo bản kiến nghị có tựa đề “Cùng nhau mở con đường cải cách, đưa đất nước vào thời kỳ phát triển mới. Một kiến nghị tâm huyết’, cuộc cải tổ đảng và cải cách chính trị có ba giai đoạn. Giai đoạn một là đảng tự thay đổi, ‘cải cách trước về đường lối, tổ chức và phương thức hoạt động’, mà trong đó đảng chuyển sang hoạt động theo phương thức ‘đảng cầm quyền’ trong thể chế chính trị ‘pháp quyền dân chủ’ (coi như không còn ‘điều 4’ trên thực tế), lấy xã hội dân sự làm ‘địa bàn hoạt động chủ yếu’ v.v… duy trì cải cách nhưng lưu ý không để tạo ra ‘khoảng trống quyền lực’.
Giai đoạn hai theo kiến nghị là lúc ‘thực hiện tiếp’ những bước cải cách cụ thể ‘đã đề ra trên cơ sở ‘giữ bộ khung cũ’ của toàn hệ thống hành chính sự nghiệp với ‘những thay đổi cần thiết’ về tổ chức, cơ chế hoạt động, nhân sự’ v.v… và đặc biệt là ‘ban hành dự thảo Hiến pháp mới’ huy động ‘toàn dân tham gia xây dựng’, ban hành dự thảo và thông qua luật về ‘các đảng phải chính trị và các tổ chức đoàn thể xã hội’ nhằm xây dựng thành ‘bộ luật chính’ về sau làm ‘cơ sở pháp lý’ cho hoạt động của ‘mọi đảng phái chính trị và đoàn thể xã hội’.
Giai đoạn cuối cùng, theo tác giả kiến nghị Nguyễn Trung là ‘thông qua Hiến pháp mới’, đồng thời thực hiện tiếp ‘mọi bước đi của cải cách’ xây dựng hay hoàn thiện ‘những luật pháp và thể chế kinh tế’ theo Hiến pháp và hệ thông pháp luật mới, trong đó nhấn mạnh ‘thước đo nội dung và tiến triển’ của cải cách ở giai đoạn này là ‘thành tựu phát triển kinh tế’ và ‘sự ra đời của thể chế chính trị’.
Tham khảo mô hình và đội ngũ chuẩn bị
Việt Nam có cần tư duy lại để phát triển?Kêu gọi thành lập chính đảng mới ở VN
Đảng CS cảnh cáo chủ tịch Đà Nẵng
Vụ Trịnh Vĩnh Bình và Trịnh Xuân Thanh: Bài học quá đắt
Theo ông Nguyễn Trung, để tiến hành cuộc cải tổ, cải cách chính trị quan trọng này, Đảng Cộng sản Việt Nam nên tham khảo một số mô hình, tác giả viết:
“Nên tham khảo mô hình thế chế chính trị hay nhà nước và bộ máy hành chính sự nghiệp của Singapore, Nhật và Hàn Quốc để vận dụng vào nước ta theo tinh thần của Tuyên ngôn Độc lập 02-09-1945, Hiến pháp 1946 và cách tổ chức quốc hội 1946, được bổ sung những nét cập nhật phù hợp với đòi hỏi của đất nước và bối cảnh quốc tế hiện tại. Nét đặc trưng chung của 3 mô hình này (Singapore, Nhật, Hàn Quốc) là tính tập trung để tạo ra khả năng quyết đoán cao, đồng thời bảo đảm được dân chủ, tính công khai minh bách và trách nhiệm giải trình.
“Trên cơ sở những bước tiến mới nói trên, tiến hành xây dựng một thể chế chính trị hay nhà nước đa nguyên, hình thành một số đảng chính trị mới theo Hiến pháp mới và Luật về đảng phái chính trị và các tổ chức xã hội dân sự như đã được thông qua ở giai đoạn II.
“Nên xây dựng các lý lẽ thuyết phục, và được bảo đảm bằng bộ luật về các đảng phái chính trị và đoàn thể nói trên được thiết kế phù hợp, để hình thành thêm các đảng chính trị mới có thể tham chính thông qua Luật bầu cử dân chủ tự do và theo quy định của Hiến pháp.”
Kiến nghị cho rằng cần ‘chuẩn bị sớm’ một chiến lược cải cách để được ‘thông qua sớm nhất có thể’ tại một đại hội đảng ‘toàn quốc bất thường’ để sau đó ‘triển khai thực hiện’, tác giả viết:
“Nhưng ngay sau khi Bộ Chính trị đã đi tới được quyết định phải tiến hành cải cách, Bộ Chính trị nên có ngay một tuyên bố trình bày rõ quyết định chiến lược này, kêu gọi cả nước và toàn đảng đoàn kết và phát huy tinh thần yêu nước đem hết tâm huyết tham gia sự nghiệp cách bằng mọi hành động và việc làm thiết thực, dấy lên trong cả nước một hào khí mới, làm cho nhân dân và từng đảng viên ngay từ ngày đầu tiên cảm nhận được sự nghiệp cải cách này là trách nhiệm của chính mình, chủ động làm mọi việc có thể góp phần tham gia của mình.”
Về hạt nhân nhóm được gọi là ‘adhoc’ có nhiệm vụ giúp đảng cộng sản ‘xây dựng nội dung chiến lược’ cải tổ, cải cách, người từng có trên 40 năm hoạt động trong ngành ngoại giao và có 52 năm tuổi đảng, cho hay và đề nghị:
“Trong quá trình chuẩn bị Đại hội XII tôi đã kiến nghị thành lập nhóm ad hoc gồm các đồng chí Bùi Quang Vinh [cựu Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư, nguyên Ủy viên BCHTƯ Đảng], Vũ Đức Đam [Ủy viên BCHTƯ Đảng Phó Thủ tướng Chính phủ] và Phạm Bình Minh [Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao] giúp đảng xây dựng nội dung Đại hội theo hướng xúc tiến cải cách nói trên. Nay tôi xin đề nghị một lần nữa: Bộ Chính trị nên quyết định lập sớm một nhóm như thế giúp đảng bắt tay ngay vào việc chuẩn bị và xây dựng chiến lược cải cách.”
Lãnh đạo đổi mới và cải tổ đa đảng
VN thúc đẩy kinh doanh trong bất ổn thể chế
Đảng CS ‘cần kỷ luật thép’ để không tan rã?
Đảng Cộng sản sẽ ‘thực lòng’ đối thoại?
Đảng Cộng sản VN xem xét ‘tổ chức đối thoại’
Trong một văn bản được trình bày công phu ‘không kém gì’ một báo cáo chính trị, bản kiến nghị gồm 42 trang của tác giả Nguyễn Trung đề cập rất nhiều vấn đề, ý tưởng, được xắp sếp khá dày đặc, có luồng lạch, lôgíc, mang tính hệ thống, đặc biệt trong đó, ông dành một thời lượng nhất định đề cập hai nội dung giúp trả lời câu hỏi ai sẽ là hạt nhân, lãnh đạo cuộc đổi mới được gọi là ‘cuộc đổi đời của đất nước’ và nên cải tổ chính trị, đặc biệt là tái cấu trúc nền chính trị đảng phái mà hiện nay là ‘độc đảng, toàn trị’ cụ thể như thế nào.
Nhưng trước hết, về ‘cái đích phải tới’ của cải tổ, cải cách, bản kiến nghị có đoạn viết: “Nhiệm vụ có ý nghĩa lịch sử vô cùng trọng đại này của đất nước hôm nay đặt lên vai ĐCSVN và đội ngũ lãnh đạo không phải là đập vỡ “bình” hay sửa “bình”. Cả hai việc này đều không thể, không cần thiết, và đều không phải là giải pháp, thậm chí có thể nguy hiểm cho đất nước.
“Nhiệm vụ lịch sử không được phép tránh né của đảng hôm nay là phải cất cái “bình” hiện nay vào nơi trang trọng nhất có thể trong bảo tàng – phần lịch sử Việt Nam cận đại, để đánh dấu sự kết thúc con đường đất nước đã đi từ năm 1930 đến hôm nay, để từ đây thông qua cải cách thể chế chính trị mở ra một thời kỳ phát triển mới của nước Việt Nam độc lập thống nhất trong thế giới đã sang trang.”
Theo kiến nghị, cuộc ‘cải cách đổi đời đất nước’ mang tầm vóc và nội dung quan trọng, ‘bao quát toàn bộ đời sống mọi mặt của đất nước’, làm nhiệm vụ ‘thay đổi triệt để toàn bộ’ hệ thống chính trị – nhà nước của quốc gia hiện có.
Về vai trò của chủ thể hay hạt nhân lãnh đạo cuộc cải tổ, cải cách quan trọng ấy, trong khi và mặc dù viết rằng ‘cải cách phải là sự nghiệp của toàn dân’ với một nhấn mạnh ‘trước hết là thay đổi chính từng người dân từ đây thành người chủ của đất nước’, tác giả bản kiến nghị nêu rõ quan điểm của mình:
“So sánh tương quan các lực lượng chính trị – kinh tế – xã hội ở nước ta trong tình thế cấp bách hiện nay, một lực lượng chính trị đủ mạnh và có sẵn như thế chỉ có thể là ĐCSVN đã chuyển đổi thành đảng của dân tộc. Đây cũng là điều lý tưởng nhất có thể lúc này để tiến hành cải cách trong hòa bình theo tinh thần khép lại quá khứ và không hồi tố, vì thời gian và nguy cơ không chờ đợi!”
Về tái cấu trúc, cải tổ hệ thống chính trị trong đó có hệ thống đảng phái từ độc đảng cầm quyền sang ‘đa đảng tham chính’, Nguyễn Trung nhấn mạnh và lưu ý: “Ở nước ta, hợp lý nhất có lẽ chỉ nên hình thành thêm hai đảng tham chính mới như đã từng có trong thời đầu của nước VNDCCH – đó là đảng Dân Chủ và Đảng Xã hội – song phải là hai đảng có thực quyền và bình đẳng trước pháp luật như mọi đảng khác theo Luật. Nếu có nhiều đảng nữa sẽ rối và không cần thiết.
“Hiến pháp và các bộ Luật liên quan cần được thiết kế sao cho bảo đảm nghiêm túc yêu cầu: thực hiện đa nguyên, nhưng bảo đảm không quá ba đảng tham chính trong tranh cử và bầu cử; thủ lĩnh của đảng có đa số ghế lớn nhất trong Quốc hội sẽ là tổng thống với chức năng là người đại diện quốc gia cao nhất và có quyền lực cao nhất cả nước; thủ tướng là người trực tiếp điều hành nội các (chính phủ) do tổng thống bổ nhiệm và được quốc hội chấp thuận; với điều kiện của nước ta, nên thực hiện chế độ một viện duy nhất là quốc hội; tuy nhiên nên thực hiện chế độ bầu cử từng phần so le để bảo đảm sự hoạt động liên tục của quốc hội (không bị gián đoạn qua mỗi kỳ bầu cử).
“Tiến hành bầu cử thành lập hệ thống nhà nước theo Hiến pháp mới, nên mời sự giám sát quốc tế cuộc bầu cử để nâng cao uy tín của chính thể mới, đồng thời tranh thủ sự ủng hộ hay hậu thuẫn của cộng đồng quốc tế.”
Trân trọng đề nghị Tổng bí thư
Sau khi tóm lược nét chính yếu của cải cách được cho là gồm năm nội dung lớn, gồm thứ nhất cải cách chính trị sao cho nước Việt Nam là của người Việt Nam, theo đúng tinh thần cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945 với các tiêu chí được nhấn mạnh là dân chủ, cộng hòa, độc lập, tự do, hạnh phúc, thứ hai lấy kinh tế thị trường, nhà nước pháp quyền, xã hội dân sự làm ba trụ cột, thứ ba xây dựng thể chế chính trị là một nhà nước pháp quyền dân chủ, rạch ròi tam quyền phân định, thứ tư là bảo đảm các quyền công dân, quyền con người phổ quát giúp mang lại ‘động lực cải cách’ và thứ năm là nhấn mạnh toàn bộ đảng phái chính trị, hiệp hội phải hoạt đ trong khuôn khổ xã hội dân sự, hiến pháp và pháp luật, tác giả Nguyễn Trung viết trong phần kết luận kiến nghị:“Trên đây chỉ là một gợi ý sơ bộ để tham khảo. Tôi tin rằng nếu lãnh đạo đảng huy động trí tuệ cả nước xây dựng chiến lược cải cách đưa đất nước đi vào thời kỳ phát triển mới, chắc chắn đất nước sẽ có được một chiến lược cải cách của toàn dân và nhất định thành công.
“Tới đây tôi trân trọng đề nghị: Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, với trách nhiệm là người giữ cương vị cao nhất trong đảng, yêu cầu Bộ Chính trị ra quyết định khép lại quá khứ, đoàn kết toàn Bộ Chính trị và toàn đảng, huy động toàn đảng và dựa vào trí tuệ của nhân dân cả nước quyết tiến hành cuộc cải cách chính trị không thể trì hoãn này. Đảng phải thay đổi thành đảng của dân tộc để có thể dấy lên cuộc cải cách của toàn dân cứu nước và đổi đời đất nước!
“Đây cũng là con đường cứu đảng thành đảng của dân tộc, mãi mãi đi với dân tộc. Thời gian không chờ đợi. Mọi thách thức trong hay ngoài đang uy hiếp đất nước không biết chờ đợi!
“Trước những thách thức nghiêm trọng của quốc gia, tôi cầu mong cả nước – đặc biệt là những đảng viên muốn cứu đảng để cứu nước – hãy lên tiếng về vận mệnh đất nước, cùng nhau làm tất cả mọi việc vì đất nước với sự giác ngộ cao nhất về cuộc cải cách phải tiến hành này!”
Bản kiến nghị của tác giả Nguyễn Trung được công bố chỉ vài tuần trước Hội nghị Trung ương 6 của BCHTƯ Đảng Cộng sản Việt Nam được dự kiến diễn ra trong tháng 10/2017.
Trước đó, cũng có một sự kiện khác đáng lưu ý là việc một Đảng viên cao cấp của Đảng Cộng sản, Giáo sư Tương Lai, nguyên Viện trưởng Viện Xã hội học, cựu thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam thời các ông Võ Văn Kiệt và Phan Văn Khải, đã tuyên bố từ bỏ Đảng cộng sản và tuyên bố muốn đi tìm một “phương thức đấu tranh mới”.
Trong tuyên bố hôm 02/9/2017, Giáo sư Tương Lai viết “Những gì đã cũ kỹ, hư hỏng trong bộ máy quyền lực duy trì chế độ toàn trị phản dân chủ sẽ bị lật nhào” và rằng “vấn đề chỉ còn là thời gian.”
Ông Tương Lai không phải là trường hợp đảng viên cao cấp rời bỏ hàng ngũ của đảng Cộng sản, một trong các trường hợp khác là ông Lê Hiếu Đằng, cố Phó chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Thành phố Hồ Chí Minh, ông đã tuyên bố ra khỏi đảng ngày 04/12/2013, một thời gian trước khi qua đời.
Liên quan bản kiến nghị hôm 24/9/2017 của Nguyễn Trung, được biết vài năm trước đây, tác giả kiến nghị cũng đã có tên trong một bức Thư ngỏ đề ngày 09/12/2015 gửi Bộ Chính trị, trong đó những người chấp bút và ký tên đã kêu gọi Ban lãnh đạo Đảng CSVN ‘đổi tên đảng và tên nước’.
Mời quí vị bấm vào đường dẫn này để theo dõi một cuộc Tọa đàm của BBC bình luận về kiến nghị của ông Nguyễn Trung.
______________________________________
Cùng nhau mở con đường cải cách, đưa đất nước vào thời kỳ phát triển mới
Một kiến nghị tâm huyếtNguyễn Trung
Nội dung
***
Phụ lục I – Về con đường cải cách đi qua ĐCSVN đã chuyển đổi trở thành đảng của dân tộc, Nguyễn Trung
Phụ lục II – Về chủ nghĩa Mác – Lênin, Nguyễn Trung
Phụ lục III – Về ĐCS Trung Quốc và ĐCS Việt Nam, Nguyễn Trung
Phụ lục IV – Về sự hình thành và phát triển xã hội dân sự ở Việt Nam. Phạm Khiêm Ích
*
Cải cách thường phải do một lực lượng chính trị có ảnh hưởng và quyền lực chi phối quốc gia tiến hành – ví dụ như đảng nắm quyền, chính phủ, một lực lượng chính trị mạnh áp đảo… Nhưng tôi vẫn đặt vấn đề cả nước cùng tham gia cải cách vì các lý do sau đây:
- Cải cách đã trở thành đòi hỏi sinh tử của đất nước.
- Vì là cải cách đổi đời đất nước, nên phải là sự nghiệp của toàn dân.
- Cái đích cải cách phải tới là hình thành một thể chế chính trị – nhà nước dân chủ dựa trên kinh tế thị trường – nhà nước pháp quyền – xã hội dân sự.
- Đòi hỏi sinh tử: Cải cách đổi đời đất nước
– Tranh chấp Mỹ – Nga – Trung rất phức tạp nói riêng và những vấn đề kinh tế, chính trị và an ninh nóng bỏng ở phạm vi toàn cầu trong cục diện thế giới đa cực hiện nay nói chung đặt ra cùng một lúc nhiều vấn đề lớn chưa có lời giải. Chiến tranh lạnh II ngày càng quyết liệt trên các mặt trận kinh tế, chính trị, quân sự. Đang tiềm tàng cùng một lúc các nguy cơ xung đột lớn ở châu Á, châu Âu và Trung Đông có thể dẫn tới chiến tranh thế giới III.
Giới chiến lược Mỹ cho rằng cả Trung Quốc và Nga vì lợi ích riêng đều muốn khai thác sự lúng túng của Mỹ trong vấn đề tên lửa và vũ khí A của Bắc Triều Tiên. Vì thế cho đến nay hai nước này vẫn không đi đến cùng với Mỹ (trên thực tế gần như bỏ mặc cho Mỹ) trong việc gây sức ép phải có đối với Bắc Triều Tiên. Sự nghi ngờ của Mỹ đi xa tới mức cho rằng: Bắc Triều Tiên được sự giúp đỡ nào đấy về kỹ thuật, vật chất..; có người nói tiềm tàng những vụ đổi chác lớn – ví dụ đổi vấn đề tên lửa và vũ khí A của Bắc Triều Tiên lấy “cái lưỡi bò” ở Biển Đông… (chẳng lẽ lịch sử có thể lập lại chuyện “Kissinger – Chu Ân Lai 1972”?)
Trong cuộc đấu tay ba Mỹ – Nga – Trung mỗi bên đều có cái mạnh và cái yếu riêng với sự tập hợp lực lượng và phe cánh riêng rất phức tạp, có nhiều mặt trận đối kháng chính/phụ, nóng/lạnh khác nhau, cục diện thay đổi từng giờ.
Cái mạnh nổi bật của Trung Quốc là sự phát triển năng động của kinh tế thế giới cần thị trường rộng lớn của Trung Quốc, sự nổi trội sức mạnh tại chỗ so với các nước láng giềng, có tiềm lực thực hiện chiến lược thâm nhập, câu giờ và phân hóa đối phương, chuẩn bị sẵn mọi trận địa khác nhau tại nhiều châu lục và lấn từng bước, kết hợp với các thủ đoạn: gặm dần (thái xúc-xích salami), lấy thịt đè người, phản ứng nhanh, mục tiêu biện minh cho biện pháp (vô luật và vô đạo đức)… Chỗ yếu lớn nhất của Trung Quốc là tình hình nội trị Trung Quốc có nhiều vấn đề lớn (đồng thời rất nguy hiểm cho bên ngoài), kinh tế đang trong thời kỳ phải chuyển đổi mô hình phát triển do kinh tế thế giới đã thay đổi. Hiện nay Trung Quốc đang trở nên nguy hiểm nhất đối với các nước láng giềng trong khu vực Đông Nam Á – trong đó dặc biệt là Việt Nam, đã thao túng được đáng kể ASEAN.
Thời Tập Cận Bình, đặc biệt là trong những năm gần đây và hiện tại, Trung Quốc đã có những bước leo thang cao nhất đến nay, quyết thực hiện “đường lưỡi bò” tại Biển Đông, hoàn tất việc xây các căn cứ quân sự trên các đảo đã chiếm, tiến hành nhiều hoạt động gây căng thẳng phía Bắc là Biển Hoa Đông, kết hợp chặt chẽ với những bước đi kinh tế, chính trị của Trung Quốc ở phạm vi toàn cầu.
Cục diện thế giới hiện tai có nhiều hệ lụy toàn cầu rất sâu sắc, trong đó đã làm xuất hiện một trong những hệ quả rất nhạy cảm và trực tiếp tác động vào nước ta: Vì nhiều lý do toàn cầu và khu vực tại những nơi khác nhau trên thế giới, Biển Đông nói riêng và khu vực Đông Nam Á nói chung đang dần dần trở thành một khu vực trống có lợi cho Trung Quốc, hoặc trong tình huống nhất định có thể đột biến trở thành vùng trống – dù chỉ trong khoảnh khắc, và Trung Quốc đã sẵn sàng. Tình hình này còn có nguyên nhân: Vì nhiều lý do trên thực tế ảnh hưởng và sự có mặt của Mỹ tại khu vực này từ thời Obama và nhất là hiện nay không đủ mạnh để kiểm soát có hiệu quả sự bành trướng tại chỗ quyền lực của Trung Quốc, giữa lúc thế giới có nhiều cơ hội “đục nước béo cò” khác với những hệ lụy có thể liên quan đến Biển Đông.
Việt Nam hiện nay đứng trước thách thức quyết liệt chưa từng có kể từ sau chiến tranh 17-02-1979. Điều gì sẽ xảy ra và Trung Quốc có thể đi xa tới đâu, nếu xu thế nói trên ở Biển Đông diễn tiến tiếp tục, hoặc khi xảy ra đột biến lớn tại bất kỳ một điểm nóng nào đó trong cục diện thế giới hiện nay? Trong khi đó Trung Quốc đã tạo ra được ở Việt Nam ở mức cao nhất đến nay sự phụ thuộc về kinh tế, sự lệ thuộc về chính trị, sự uy hiếp nghiêm trọng về an ninh quốc phòng, và triển khai tiếp sự can thiệp sâu hơn nữa vào nội bộ nước ta.
– Trong cục diện quốc tế và khu vực rất nguy hiểm và nhạy cảm hiện nay, Việt Nam đang bước vào thời kỳ trầm trọng của cuộc khủng hoảng toàn diện bắt đầu từ Đại VII (1991). Nghĩa là Viêt Nam đang ở trong tình thế bị uy hiếp nghiêm trọng nhất trên cả hai phương diện đối nội và đối ngoại. Đặc biêt là: Kinh tế tuy đạt mức thu nhập trung bình thấp, song không bền vững, đang ở thời kỳ khó khăn nhất sau 30 năm đổi mới với nhiều vấn đề cơ bản, ách tắc, nóng chưa có lời giải (vốn, nợ, tham nhũng, kết cấu hạ tầng, quy hoạch phát triển, môi trường, năng lượng, nước, năng lực quản trị quốc gia, giáo dục, biến đổi khí hậu…), nội trị rối ren, an ninh quốc phòng bị uy hiếp quyết liệt nhất trong tình thế phải đối mặt với nguy cơ bị cô lập rất cao.
– Và 30 năm đổi mới cho thấy ý thức hệ, con đường ĐCSVN; từ đại hội VII đất nước đi vào thời kỳ khủng hoảng toàn diện, từ mấy năm gần đây là thời kỳ trầm trọng nhất chưa từng có kể từ sau 30-04-1975. Đấy cũng là những nguyên nhân gốc gây ra lãng phí, tham nhũng và bất công xã hội vô cùng nặng nề, cướp đi của đất nước nội lực phải có để có thể đương đầu với mọi thách thức sống còn trong cục diện quốc tế ngày càng nóng bỏng hôm nay. Đồng thời đã áp dụng quá nhiều chủ trương chính sách sai lầm, bưng bít sự thật và ngu dân, kèm theo những hành động trấn áp khắc nghiệt, tất cả khiến cho khối đại đoàn kết dân tộc bị phân hóa sâu sắc, trí tuệ và ý chí phấn đấu vươn lên của đất nước bị tê liệt, làm tổn thương nghiêm trọng tinh thần tự trọng dân tộc và thể diện quốc gia, lòng dân phân tán và mất lòng tin vào sự lãnh đạo của đảng.
Từ Hội nghị Thành Đô đến nay cho thấy đường lối ngoại giao leo dây để giữ “đại cục”, nhưng không có nội lực vững mạnh của quốc gia làm nền tảng, lại thêm những yếu kém của đội ngũ lãnh đạo, nên đã thất bại nghiêm trọng. Mỗi ngày ta phải nhân nhượng một tý để giữ “đại cục” như thế, để hôm nay là cả một cái thòng lọng không gỡ ra nổi siết trên cổ đất nước, uy tín quốc tế giảm sút nặng nề, biên cương bờ cõi tổ quốc bị xâm phạm, đất nước lâm vào thế vừa lệ thuộc và phụ thuộc, vừa đơn độc một cách nguy hiểm.
Toàn bộ tình hình nêu trên còn cho thấy đường lối đối nội và đối ngoại của đảng chẳng những đem lại cho đất nước những tổn thất lớn, mà còn đẩy đất nước vào con đường phát triển vừa lạc hậu, vừa lạc lõng trong xu thế phát triển chung của thế giới ngày nay. Xem xét kỹ thực chất, quan sát trên thế giới sẽ thấy Việt Nam hiện nay là nước duy nhất còn lại đang cố tìm cách níu kéo ý thức hệ có cỗi rễ là chủ nghĩa Mác-Lênin và chủ nghĩa cộng sản để duy trì chế độ toàn trị và quyền lực của đảng trong điều hành đất nước – mặc dù lãnh đạo đảng cũng thừa nhận chưa biết cuối thế kỷ này liệu sẽ có chủ nghĩa xã hội hay không! Nghĩa là trên thực tế về nhiều mặt sâu sắc bên trong, nước ta vẫn đang một mình một đường đi trong thế giới hôm nay.
Sau ba thập kỷ hội nhập quốc tế, nền kinh tế đất nước vẫn gia công là chủ yếu và chưa xác lập được vị trí phải có trong nền kinh tế toàn cầu (ngôn ngữ chuyên môn thường nói về các chuỗi cung / ứng). Chế độ toàn trị nặng về trấn áp các quyền tự do dân chủ, cùng với nền kinh tế yếu kém đày rẫy bất công và tham nhũng đã dựng nên một nền nội trị vừa không có khả năng vừa không cho phép thực hiện đường lối đối ngoại dấn thân. Cho nên trên thực tế nước ta chỉ giành được vai trò quốc tế thấp, không đúng với tầm vóc và vị trí chiến lược của quốc gia, chưa đáp ứng được những đòi hỏi quan trọng của nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ tổ quốc; đất nước bị thua thiệt nhiều mặt, thậm chí bị xâm phạm, mặc dù trên danh nghĩa đã thiết lập được mối quan hệ đối tác chiến lược hay đối tác toàn diện trên mọi châu lục.
Một mình một đường đi như vậy, nước ta càng đuổi theo thiên hạ, nhưng hôm nay càng tụt hậu xa hơn và yếu đi – ngay cả so với tất cả các nước láng giềng, tiếp tục lạc lõng.
Trong khi đó địa kinh tế và địa chính trị của cục diện quốc tế hôm nay khách quan đặt ra đòi hỏi phải có một Việt Nam là một quốc gia độc lập tự chủ, vững mạnh và phát triển, để có thể đóng góp tích cực vào lợi ích của hòa bình, hợp tác và phát triển trong khu vực ĐNÁ và trên thế giới. Lợi ích sống còn của Việt Nam cũng đòi hỏi phải tận dụng được yếu tố mới này để tạo cho mình một tập hợp lực lượng rộng khắp hậu thuẫn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Đảng hôm nay quên mất bài học việc tạo ra được một mặt trận nhân dân thế giới ủng hộ Việt Nam kháng chiến chống Mỹ cứu nước – kể cả ngay trong lòng nước Mỹ – là một trong những yếu tố quyết định giành thắng lợi.
Có thể kết luận:
Thất bại của 42 năm đầu tiên độc lập thống nhất đất nước phải hứng chịu về nhiều mặt chính là thất bại của việc lấy chủ nghĩa trà đạp trí tuệ và các giá trị của tự do – dân chủ – quyền con người, là do người nắm quyền giành được một số lợi ích phe nhóm nhưng phải hủy hoại nhiều lợi ích quốc gia và lợi ích của dân tộc, là thất bại của xây dựng chủ nghĩa xã hội – với kết quả gặt hái được là để mọc lên trên đất nước ta hôm nay một chế độ toàn trị khắc nghiệt, nhưng đối với bên ngoài độc lập 42 năm mà vẫn chưa độc lập!
Thất bại của 42 năm trước hết là do để cho tha hóa của chế độ một đảng biến đảng thành đảng cai trị hôm nay cướp đi mất tiền thân của nó là một đảng cách mạng đã từ thế hệ này sang thế hệ khác hy sinh chiến đấu vì nước và đã làm nên sự nghiệp giành lại độc lập thống nhất, là thất bại của sự hiểu biết mơ hồ cái thế giới khắc nghiệt chúng ta đang sống, là thất bại của sự giác ngộ kém cỏi – hay là không giác ngộ được – lợi ích quốc gia của ta nằm ở chỗ nào trong cái thế giới quyết liệt này – điển hình là đường lối ngoại giao bắt đầu từ Thành Đô, mới đây lại xảy thêm vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh.
Khái quát lại:
Bốn cuộc kháng chiến cứu nước vỹ đại và 42 năm độc lập thống nhất, công sức tiền của đổ ra cho công nghiệp hóa như núi biển, song tất cả chỉ để đạt được nền kinh tế gia công, lãng phí và tham nhũng làm cạn kiệt mọi nguồn lực và tài nguyên quốc gia, đã đạt mức có thu nhập trung bình (thấp) song kinh tế không bền vững, năng suất lao động rất thấp, môi trường tự nhiên bị hủy hoại nặng nề, chế độ toàn trị đầy rẫy bất công và trấn áp, vị thế quốc gia èo uột… Trong khi đó từ sau chiến tranh 17-02-1979 đến nay không một lúc nào Trung Quốc ngừng nghỉ thực hiện dã tâm bành trướng “đường lưỡi bò”; ngay trong những tuần vừa qua Trung Quốc ép ta phải rút việc khai thác dầu khí khỏi lô 136.03 với lời đe dọa trực diện trắng trợn sẽ chiếm nốt tất cả các đảo còn lại ở Trường Sa, tiến hành tập trận bắn đạn thật trên Biển Đông ở quy mô lớn nhất, nằm sâu vào vùng biển nước ta 11.000km2 và cách Đà Nẵng 75 hải lý!
Đau quá! Nhục quá! Có lời lẽ nào nói hết được hiểm nguy phía trước đang chờ đợi đất nước!?
Toàn bộ sự vận động nói trên của đất nước trong xu thế phát triển hiện nay của chế độ toàn trị với ý thức hệ như vậy phải được chấm dứt, để tìm đường hòa bình cải cách chuyển đất nước đi lên con đường: Giải phóng nội lực và xây dựng cho đất nước vị thế quốc gia mới. Sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc trong cục diện quốc tế ngày nay đòi hỏi phải có đủ sức mạnh nội lực để phát triển và đồng thời để tập hợp được sự hợp tác và hậu thuẫn rộng rãi trên thế giới. Một sự nghiệp như vậy đòi hỏi phải có một thế chế chính trị quốc gia mới phù hợp. Cải cách để đổi đời đất nước trở thành đòi hỏi sinh tử, cả nước phải đứng lên thực hiện.
- Cải cách phải là sự nghiệp của toàn dân
- Đổi mới từ 1986 bắt nguồn từ phong trào “phá rào” của nhân dân, trong tình thế đất nước vô cùng hiểm nghèo. Khi trở thành chủ trương của đảng, đổi mới giành thành tựu ngoạn mục, vì nó giải phóng sức mạnh của toàn dân – nguyên nhân cốt lõi là thực hiện dân chủ và thừa nhận kinh tế thị trường.
Truyền thống và sức mạnh nêu trên vừa là yếu tố quyết định thắng lợi, vừa là đòi hỏi như một điều kiện tiên quyết: Cuộc cải cách vỹ đại đổi đời đất nước cần phải được tiến hành với tính chất là sự nghiệp của toàn dân, do toàn dân, và vì toàn dân. Bởi vì đây là cuộc cải cách sâu rộng làm thay đổi triệt để mọi lĩnh vực của cuộc sống đất nước để trở thành một quốc gia phát triển, trước hết là thay đổi chính từng người dân từ đây thành người chủ của đất nước.
Xin nhấn mạnh như một nguyên lý: Không bao giờ có thể có một nước giầu mạnh của một nhân dân bị nô lệ!
Một đất nước giầu mạnh chỉ có thể được kiến tạo nên bởi một nhân dân tự do và là người chủ của quốc gia mình. Mục tiêu chiến lược này lẽ ra đã phải được thực hiện ngay sau 30-04-1975, bây giờ không thể trì hoãn được nữa. Mục tiêu chiến lược này khi trở thành khát vọng của nhân dân, đất nước hôm nay sẽ có nguồn lực sáng tạo và sức mạnh bất khả kháng để phát triển.
- Trong chế độ toàn trị, cái gì nhà nước không quản được thì cấm, thần dân của nó phải chấp nhận và buộc phải quen sống trong cái lồng quản/cấm này; mấy chục năm quản và cấm như thế chế độ toàn trị đã tạo ra cho thần dân của nó những tập quán và một văn hóa sống lạc hậu.
Như vậy về tính chất, khả năng và quyền năng của một bên là thần dân của chế độ toàn trị, và một bên là công dân của chính thể dân chủ pháp quyền có sự khác nhau một trời một vực. Đây là lý do cơ bản nhất khiến sự nghiệp cải cách đổi đời con người và đổi đời đất nước sẽ phải bặt đầu từ học.
Toàn dân, bao gồm cả các đảng viên, không phân biệt bất kể một thứ bậc nào trong xã hội, đều phải học, học lại, giúp nhau học – để trở thành một công dân tự do của trưởng thành, có trí tuệ, ý chí, bản lĩnh và khả năng / quyền năng làm chủ chính mình và làm tròn trách nhiệm người chủ một quốc gia trưởng thành. Sự trưởng thành như thế của từng công dân trong chính thể mới được phát huy đến đâu, đất nước sẽ phát triển đi xa tới đấy!
Công dân của chính thể mới nhất thiết phải học để tự tay mình chủ động và cùng nhau xây dựng nên xã hội dân sự cho chính mình như là một trường học rèn luyện và phấn đấu để tự khẳng định mình, là môi trường thực thi trực tiếp quyền và trách nhiệm của mình đối với chính thể và nghĩa vụ đối với quốc gia, là môi trường quảng bá và vun đắp các giá trị và truyền thống tốt đẹp của dân tộc và tiếp thụ những giá trị của văn minh nhân loại. Vì chính mình và vì đất nước này, cần phải học văn hóa sống “mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người”, “sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện phát triển tự do của mọi người!”, không để cho dối trá, mỵ dân, cám dỗ lường gạt, quyết đối mặt với cái ác và bênh vực lẽ phải, làm cho tổ quốc của chúng ta là nơi đáng sống với tất cả niềm tự hào chính đáng của mình.
Công dân của chính thể mới cần đặc biệt quan tâm học hỏi và thay đổi chính mình, để thấu hiểu nỗi đau của đất nước, hiểu những bài học cay đắng trên chẳng đường đầy máu và nước mắt để đi tới được độc lập thống nhất hôm nay, qua đó xây dựng cho bản thân mình chính kiến về đường đi nước bước của đất nước trong thế giới đã thay đổi này. Phải học để hiểu nỗi nhục của đất nước phải chịu đựng những chén ép và tổn thất do tình trạng chậm phát triển của quốc gia mình, nên không thể mở mày mở mặt với thiên hạ, đến mức tổ quốc của chúng ta được thiên hạ tặng cho biệt danh: quốc gia không chịu phát triển! Nghĩa là mỗi người phải học để nhìn nhận công việc của quốc gia cũng là công việc của chính mình, không thể phó mặc cho ai khác tùy tiện.
Cần phải học nhiều nữa để thấm thía nỗi hèn kém và cả những hư hỏng của chính bản thân mình và của đất nước, do cái dốt, cái lạc hướng, và cái khiếp nhược trước quyền uy sinh ra – trong đó cần phải thấy sự hèn kém này chính là một trong các thành tố tạo nên dinh lũy kiên cố của chế độ toàn trị hiện nay, những bước bị khuất phục đã xảy ra trước sự bành trướng và thâm nhập các mặt của Trung Quốc, cũng như thói tự ti và sính phương Tây, sính theo cái này hay theo cái khác và quên mất chính mình là ai. Đã xảy ra không hiếm trường hợp hèn kém đến mức đánh mất hoặc để bị cướp mất tinh thần tự trọng dân tộc và thể diện quốc gia…
Cần phải học bằng được hòa giải dân tộc, để hàn gắn vết thương tay trái chém tay phải đến hôm nay vẫn còn rỉ máu. Cần phải học bằng được điều này để làm cho quốc gia đủ mạnh và vững vàng, không để cho bất kể tình huống nào các mưu đồ hoặc quyền lực đen tối dù từ đâu tới lại có thể một lần nữa xô đẩy đất nước vào thảm họa nội chiến này. Và trên hết cả, cần thông qua hòa giải dân tộc, để có được sự cố kết dân tộc làm nên một quốc gia chẳng những có sức mạnh bất khả kháng với mọi thách thức từ bên ngoài, mà còn là môi trường nẩy nở các giá trị cao đẹp, là nơi nuôi dưỡng, làm bệ đỡ, và đồng thời là thành lũy bảo hộ cho mọi nỗ lực tinh hoa của từng công dân của nó…
Xem như thế, công dân của thể chế chính trị mới phải học rất nhiều, học tất cả, để phát huy lợi thế nước đi sau qua sự nghiệp cải cách này xây dựng thành công một thể chế chính trị dân chủ của nhà nước pháp quyền của Việt Nam, phù hợp cho Việt Nam, nhằm vào mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam độc lập của tự do – dân chủ – hạnh phúc, trên nền tảng một quốc gia giầu mạnh, công bằng, dân chủ và văn minh, như đã thể hiện trong Tuyên ngôn Độc lập 02-09-1945 và Hiến pháp 1946.
Có thể nói đây là cải cách của học tập. Học như thế là nội dung chiều sâu phải thực hiện được trong quá trình cải cách. Vì có con người như thế, đất nước sẽ có tất cả. Học như thế để dứt khoát không học đòi. Học để từng công dân trực tiếp tham gia cải cách vì chính mình và vì đất nước. Vì thế, cải cách như vậy phải là sự nghiệp của toàn dân, với tính chất là toàn dân giác ngộ trực tiếp tiến hành cuộc cải cách trong đại này, được khai thông con đường thực hiện đi qua ĐCSVN như đang là đã chuyển đổi thành đảng của dân tộc.
III. Cái đích phải tới
Nhiệm vụ có ý nghĩa lịch sử vô cùng trọng đại này của đất nước hôm nay đặt lên vai ĐCSVN và đội ngũ lãnh đạo không phải là đập vỡ “bình” hay sửa “bình”. Cả hai việc này đều không thể, không cần thiết, và đều không phải là giải pháp, thậm chí có thể nguy hiểm cho đất nước.
Nhiệm vụ lịch sử không được phép tránh né của đảng hôm nay là phải cất cái “bình” hiện nay vào nơi trang trọng nhất có thể trong bảo tàng – phần lịch sử Việt Nam cận đại, để đánh dấu sự kết thúc con đường đất nước đã đi từ năm 1930 đến hôm nay, để từ đây thông qua cải cách thể chế chính trị mở ra một thời kỳ phát triển mới của nước Việt Nam độc lập thống nhất trong thế giới đã sang trang.
Song ĐCSVN hôm nay như đang là không có trí tuệ, phẩm chất và khả năng thực hiện nhiệm vụ lịch sử nó phải làm nói trên. Và nếu cố tình vẽ ra một nhiệm vụ như thế cho đất nước thì nó cũng không thực hiện được, nhân dân cũng không tin. 42 năm độc lập thống nhất đã chứng minh thuyết phục: Ngoài đổi mới 1986 là nỗ lực của cả nước, ĐCSVN như đang là cho đến nay chỉ có thất bại trong mọi nỗ lực cải cách, dù đấy chỉ là những cải cách ở quy mô các vấn đề từng phần hay cục bộ (ví dụ: cải cách giáo dục, cải cách hành chính, tinh giảm biên chế…). Đơn giản vì bản chất và lợi ích của ĐCSVN hôm nay đối kháng với cải cách, do đó nó coi những ý tưởng cải cách là suy thoái đạo đức chính trị tư tưởng, là tự diễn biến, đặc biệt đố kỵ trong các vấn đề như xóa bỏ “Điều 4”, hòa giải dân tộc, xã hội dân sự…
Xin lưu ý: Cải cách đổi đời đất nước mang tầm vóc và nội dung quan trọng, bao quát toàn bộ đời sống mọi mặt của đất nước, làm nhiệm vụ thay đổi triệt để toàn bộ hệ thống chính trị – nhà nước của quốc gia hiện có. Nhưng không được phép để xảy ra tình huống xuất hiện khoảng trống quyền lực trong khi tiến hành cải cách. Vì lẽ cốt tử này, cải cách phải được một lực lượng chính trị có ảnh hưởng chi phối quốc gia thực hiện. So sánh tương quan các lực lượng chính trị – kinh tế – xã hội ở nước ta trong tình thế cấp bách hiện nay, một lực lượng chính trị đủ mạnh và có sẵn như thế chỉ có thể là ĐCSVN đã chuyển đổi thành đảng của dân tộc. Đây cũng là điều lý tưởng nhất có thể lúc này để tiến hành cải cách trong hòa bình theo tinh thần khép lại quá khứ và không hồi tố, vì thời gian và nguy cơ không chờ đợi!
Vậy chỉ còn con đường sống duy nhất: ĐCSVN như đang là phải lột bỏ ý thức hệ và tình trạng thoán quyền, chỉ giữ lại cho mình trách nhiệm ràng buộc với đất nước, tự thay đổi mình trước thành đảng của dân tộc với tinh thần “sống hay là chết!?”, để có phẩm chất và khả năng mới của sự giác ngộ Tổ quốc trên hết, để từ đó mới có thể đề xướng được cải cách, và vận động được cả nước đứng lên thực hiện.
Muốn thế, ĐCSVN như đang là phải làm được 2 việc:
- (1)Phải nhận thức được đòi hỏi sống còn đưa quốc gia bước sang thời kỳ phát triển mới trong một thế giới đã hoàn toàn thay đổi là trách nhiệm ràng buộc của đảng; nếu ĐCSVN hôm nay từ chối không làm, chống lại, hoặc làm hỏng… đều sẽ đồng nghĩa với phạm trọng tội chống lại quốc gia, đảng không còn chính danh để tồn tại; nếu để xảy ra như thế, cái trước sau phải đến không thể tránh được sẽ là: Chế độ toàn trị sẽ dẫn tới “dân lật thuyền”, hoặc bị tha hóa làm cho sụp đổ, đất nước lâm vào đại họa, chôn vùi theo toàn bộ sự nghiệp của đảng;
- (2)đảng phải quyết tâm thay đổi chính mình trước, phải tin vào nhân dân, và tự tin chính mình, quyết đi cùng với nhân dân mở ra trang sử mới đổi đời này của đất nước. Làm được như thế, ngoài cái tha hóa và tham nhũng thối nát ra, đảng không có gì để mất! Nắm mọi quyền lực trong tay, đảng đã dẫn dắt đất nước đi vào tình thế đau lòng và hiểm nghèo hôm nay, đảng phải có trách nhiệm ràng buộc tự lột xác mở lối ra cho đất nước! Đảng ra đời từ yêu nước, hy sinh cứu nước đã làm nên sự nghiệp của đảng. Giữ được truyền thống này và có nhân dân, đảng sẽ thực hiện được sứ mệnh lịch sử mới này.
Con đường đảng đã thay đổi thành đảng của dân tộc để cùng với toàn dân tiến hành cải cách đổi đời đất nước, sẽ là con đường tất cả cùng thắng rất lớn, và không gì có thể ngăn cản được. Tất cả chỉ còn phụ thuộc duy nhất vào việc ĐCSVN như đang là dám vứt bỏ mọi tha hóa và tham nhũng thối nát của mình, dám chặn đứng mọi sự can thiệp vào nội bộ ta từ bên ngoài.
Làm được như thế, đảng sẽ tránh được mắc phải trọng tội phản dân phản nước trước bước ngoặt của lịch sử, trở thành đảng của dân, của nước và xác lập được cho mình con đường vì dân, vì nước trong giai đoạn phát triển mới của đất nước, kế thừa được truyền thống cách mạng vẻ vang cứu nước của các thế hệ đi trước.
Đảng cần nuôi cho mình khát vọng làm được như thế, vì còn gì đáng sống hơn cho một con người, cho một đảng viên và cho một đảng là trở thành người đề xướng và chung tay với cả dân tộc mở ra một thời kỳ phát triển mới của tổ quốc!? Đảng phải làm như thế để không phản bội các bậc tiền bối của mình!
ĐSVN như đang là quyết tự thay đổi mình trước để làm được như thế, có thể nói sự nghiệp cải cách có ý nghĩa sinh tử này của đất nước triển vọng thành công mười phần đã đạt được tới tám, chín phần! Làm được như thế, Việt Nam bước lên con đường phát triển mới trong thế giới mới hôm nay sẽ là lẽ tự nhiên, tất yếu, và bất khả kháng.
Vẫn cứ phải xin nhắc lại: Nếu đảng quyết không làm như thế, thậm chí chống lại làm như thế, hoặc sợ không dám làm như thế, sẽ có nghĩa đảng tự tay xóa bỏ toàn bộ sự nghiệp cách mạng của đảng và chống lại đất nước. Trong tình hình nghiêm trọng hiện nay, nếu bây giờ lãnh đạo đảng vẫn quyết như thế, thì nên tuyên bố công khai trước toàn dân, toàn thể các đảng viên phải bầy tỏ thái độ rõ ràng của mình, các tầng lớp nhân nên dân huy động trí tuệ của mình để quyết định. Cho đến nay đảng đã thực hiện nhiều biện pháp chống lại cải cách: Điều 4 Hiến pháp, 19 điều cấm, nghị quyết 244, NQ TƯ 4 (30-10-2016) với 27 “biểu hiện” phải chống (đặc biệt là nhóm 3 – biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ)… Bây giờ đứng trước bước ngoặt của lịch sử đất nước, lãnh đạo đảng nhất thiết phải xem lại. Hôm nay phải lột xác cứu đảng để mở đường cải cách cứu nước còn hơn cả cứu hỏa! Bây giờ vẫn còn kịp!
Nội dung cải cách có thể phác họa một cách tóm lược như sau:
Thứ nhất: Mục đích cuối cùng và cũng là cao nhất cải cách chính trị ở nước ta hôm nay phải đạt được nên là: Từ hòa giải, đoàn kết và đồng thuận dân tộc quật khởi nên một quốc gia Việt Nam phát triển của toàn thể cộng đồng dân tộc Việt Nam chúng ta – đúng với tinh thần đã nêu từ Cách Mạng Tháng Tám: “Nước Việt Nam là của người Việt Nam!”, với các tiêu chí Dân chủ, Cộng hòa, Độc lập, Tự do, Hạnh phúc.
Thứ hai: Kinh tế thị trường, nhà nước pháp quyền, xã hội dân sự là 3 trụ cột làm nên quốc gia vững bền, phải được xây dựng và phát triển từng bước thích hợp trong tổng lộ trình hình thành nên một nước Việt Nam phát triển, với các tiêu chí như đã nêu trong điểm thứ nhất.
Thứ ba: Thể chế chính trị cần phải xây dựng là một nhà nước pháp quyền dân chủ, có phân định rạch ròi các quyền lập pháp, quyền hành pháp và quyền tư pháp, hoạt động ràng buộc nhau và kiểm soát lẫn nhau trong khung khổ chung của một Hiến pháp mới; nhà nước này được xây dựng và hình thành trên những nguyên tắc của bầu cử dân chủ. Kinh tế thị trường và xã hội dân sự là 2 yếu tố căn bản tạo dựng nên nhà nước pháp quyền này, vì lẽ này nhà nước pháp quyền dân chủ tất yếu phải được xây dựng trên nền tảng của thể chế chính trị dân chủ đa nguyên, được thiết kế theo một hiến pháp mới đúng với tinh thần nhà nước do dân, của dân, vì dân. Đây phải là cái đích cuối cùng và cao nhất của toàn bộ quá trình cải cách chính trị lần này, được thực hiện dần từng bước dựa trên mọi thành quả kinh tế – chính trị – xã hội và tiến bộ của quốc gia đạt được trong suốt quá trình tiến hành cải cách này.
Học hỏi là động lực trí tuệ xuyên suốt quá trình này – vì thế tôi gọi đó là thể chế chính trị đa nguyên của học hỏi, của giác ngộ, của phát triển, bởi vì nó được xây dựng từng bước và thường xuyên nâng cao theo tiến trình của giác ngộ và phát triển; nó khác hẳn với đa nguyên của bầy đàn, vô minh và hỗn loạn. Nói đơn giản: Đó là lấy mở rộng tự do dân chủ tạo ra giác ngộ của trí tuệ và đồng thuận xã hội làm động lực cho việc tiến hành cải cách, để từng bước xây dựng nên một thể chế chính trị mới. Vì thế có thể nói: Cải cách chính trị lần này là tiến hành những cuộc vận động chính trị lớn và sâu rộng trong toàn xã hội như đã từng làm thời Cách Mạng Tháng Tám nhằm thay đổi sâu sắc toàn diện đời sống đất nước.
Thứ tư: Các quyền tự do, dân chủ của công dân, quyền sở hữu cá nhân, và các quyền con người phải được thể hiện đầy đủ và được bảo đảm trong Hiến pháp, đồng thời được phản ánh trong mọi bộ luật của quốc gia. Những quyền tự do ngôn luận, tự do hội họp và lập hội, quyền biểu tình, quyền tự do báo chí phải được xem và thiết kế là những quyền trực tiếp bảo đảm việc thực hiện các quyền công dân và quyền con người, đồng thời những quyền này làm nhiệm vụ tạo nền móng cho sự hình thành và hoạt động của xã hội dân sự, mang lại động lực cho tiến hành cải cách. Quân đội, công an và các lực lượng chuyên chính khác là công cụ bảo vệ đất nước và giữ gìn an ninh quốc gia, được xây dựng và hoạt động trong khuôn khổ hiến pháp và luật pháp quốc gia, chỉ trung thành với quốc gia, với nhân dân.
Thứ năm: Toàn bộ các đảng phái chính trị, các loại hình hiệp hội cùng các thành viên của nó chỉ được hoạt động trong khuôn khổ của xã hội dân sự, trong khuôn khổ của Hiến pháp và pháp luật – bao gồm cả luật/các luật về các đảng phái chính trị, hiệp, hội, các tổ chức dân sự khác… Tất đều bình đẳng trước pháp luật, tự túc về tài chính và không được sử dụng tiền thuế của dân.
Một khi những cá nhân của những tổ chức này thông qua bầu cứ dân chủ theo luật định được cử vào tham gia bộ máy nhà nước thì trở thành đại diện của các cử tri bầu cho họ, hoạt động theo Hiến pháp, chứ không đại diện cho các đảng phái hay các tổ chức chính trị xã hội xuất thân của họ. Khái niệm đảng cầm quyền chỉ thuần túy là tên gọi không hơn không kém cho đảng phái có nhiều thành viên (thường là chiếm đa số hoặc thông qua liên minh) tham gia chính quyền. Nghĩa là: Không có các đảng phái hay các tổ chức chính trị xã hội với tính chất là chính nó trong bộ máy và hệ thống pháp quyền của nhà nước, đây là đặc chưng cốt lõi “nhà nước do dân, của dân, vì dân”.
…
Trên đây chỉ là một gợi ý sơ bộ để tham khảo. Tôi tin rằng nếu lãnh đạo đảng huy động trí tuệ cả nước xây dựng chiến lược cải cách đưa đất nước đi vào thời kỳ phát triển mới, chắc chắn đất nước sẽ có được một chiến lược cải cách của toàn dân và nhất định thành công.
Tới đây tôi trân trọng đề nghị: Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, với trách nhiệm là người giữ cương vị cao nhất trong đảng, yêu cầu Bộ Chính trị ra quyết định khép lại quá khứ, đoàn kết toàn Bộ Chính trị và toàn đảng, huy động toàn đảng và dựa vào trí tuệ của nhân dân cả nước quyết tiến hành cuộc cải cách chính trị không thể trì hoãn này. Đảng phải thay đổi thành đảng của dân tộc để có thể dấy lên cuộc cải cách của toàn dân cứu nước và đổi đời đất nước! Đây cũng là con đường cứu đảng thành đảng của dân tộc, mãi mãi đi với dân tộc. Thời gian không chờ đợi. Mọi thách thức trong/ngoài đang uy hiếp đất nước không biết chờ đợi!
Trước những thách thức nghiêm trọng của quốc gia, tôi cầu mong cả nước – đặc biệt là những đảng viên muốn cứu đảng để cứu nước – hãy lên tiếng về vận mệnh đất nước, cùng nhau làm tất cả mọi việc vì đất nước với sự giác ngộ cao nhất về cuộc cải cách phải tiến hành này!
Xin đọc tiếp 3 phục lục kèm theo
Phụ lục I
Về con đường cải cách đi qua ĐCSVN đã thay đổi trở thành đảng của dân tộc
Nguyễn Trung
Thực trạng hiện nay là:
- Đảng như đang là ngày càng không có dân đi với mình và ngày càng bất cập do tha hóa và do nhiệm vụ đất nước đặt ra cho đảng ngày càng vượt tầm, khiến đảng ngày càng bị thách thức, càng phải trấn áp để giữ chế độ toàn trị;
- trong xã hội dân sự hiện nay dân tình ngày càng bức xúc và không có đường lùi; dân hiện nay tuy chưa đủ sức lật thuyền xóa bỏ đảng, nhưng tình hình ngày càng đến gần tức nước vỡ bờ, cùng tắc biến;
- tình hình từ hai, ba khóa đại hội nay cho thấy mâu thuẫn giữa một bên đảng một bên dân nói trên gây ra nhiều xung đột ngày càng lớn và quyết liệt, hoặc ngầm ngầm, hoặc bùng nổ công khai. Tình trạng bế tắc này tự nó đang hấp dẫn ngày càng mạnh mẽ những bi kịch tồi tệ nhất đến với đất nước, với mọi kết cục thê thảm có thể.
Hai năm khóa đại hội XII cho thấy: Mọi nỗ lực rất quyết liệt và chật vật nhằm cứu vãn tình hình cho đến nay của đảng và của chế độ toàn trị trong mọi lĩnh vực cuộc sống đất nước chỉ là “bịt lỗ hà, ra lỗ hổng”, hoặc là “giật gấu vá vai”. Hệ thống kinh tế và hệ thống chính trị – xã hội của đất nước dù có vắng bớt được đôi ba bộ mặt tham nhũng xấu xí; song chồng chéo, manh mún, ăn bám, tham nhũng, và mục ruỗng của hệ thống trước sau vẫn nguyên vẹn. Nghĩa là: (a) cỗ máy sản sinh ra mọi tội lỗi của chế độ toàn trị, và (b) hiện trạng nguy hiểm của đất nước đều còn nguyên vẹn, và tình hình mọi mặt đang ngày càng rối thêm. Đất nước đang èo uột tiếp để chịu bó tay làm mồi cho mọi ý đồ xấu xa phía trước. Trong khi đó thời gian và mọi thách thức trong / ngoài không biết chờ đợi. Khoanh tay bất lực ngồi yên, hay cứ loay hoay mãi ngứa đâu gãi đấy, cháy đâu chữa đấy như đang làm, đều đồng nghĩa với tự sát. Phải nhìn thẳng vào sự thật này để không lạc hướng trong lúc tìm lối ra cho đất nước: Lột xác cứu đảng để cải cách mở đường cứu nước – lẽ ra đây phải là nội dung duy nhất của Đại hội XII!
Chỉ có con đường sống: Đảng phải thay đổi chính mình thành đảng của dân tộc, còn dân quyết đi cùng với đảng đã thay đổi, để cùng sống, sống được, trên hết là để có thể cùng nhau thực hiện cải cách cứu mình và cứu nước, và mở ra cho đất nước thời kỳ phát triển mới.
Lý tưởng nhất, con đường này sẽ là: Bộ Chính trị huy động trí tuệ cả nước và trong Đảng, vận dụng những kinh nghiệm thành / bại trên con đường phát triển của chính nước ta và các nước khác trên thế giới xây dựng nên chiến lược cải cách của ta, sau đó làm cho chiến lược cải cách trở thành nghị quyết của toàn Đảng – bắt đầu là của Ban chấp hành Trung ương Đảng. Sau cùng là việc thay đổi đảng thành đảng của dân tộc và thực hiện cải cách trở thành nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc.
Thực hiện nghị quyết đại hội, đảng – thông qua đảng viên và các tổ chức cơ sở của mình – làm nhiệm vụ hạt nhân lãnh đạo và đồng thời là lực lượng nòng cốt vận động nhân dân cả nước tiến hành cuộc cải cách này theo kế hoạch và các bước đã thiết kế được, với tổng lộ trình gồm 2 phần trước sau dưới đây:
- (A)Đảng tiến hành thay đổi chính mình trước trở thành một đảng mới: đảng của dân tộc; sau đó
- (B)Triển khai trong cả nước chiến lược cải cách của đảng mới.
Đại thể cải cách có thể chia thành 3 giai đoạn sau đây:
Giai đoạn I
Hoàn thành phần A của tổng lộ trình, làm xong việc chuyển đổi thành đảng mới với cương lĩnh mới, điều lệ mới, tiến hành tổ chức lai đảng theo tinh thần lấy xã hội dân sự làm môi trưởng rèn luyện, phấn đấu và hoạt động của đảng, với mục tiêu trở thành lực lượng chính trị mạnh nhất và có tính tiền phong chiến đấu cao trong xã hội dân sự. Đảng mới sẽ tiến hành mọi hoạt đông thực hiện các nhiệm vụ của mình theo tinh thần “Điều 4” của Hiến pháp hiện hành không còn tồn tại nữa trong thực tế (vì lúc này chưa có Hiến pháp mới). Có những điểm nổi bật sau đấy:
- Cương lĩnh mới của ĐCSVN đã chuyển hóa thành đảng yêu nước của dân tộc và dân chủ – nên lấy lại tên cũ là Đảng Lao động Việt Nam, gồm 3 phần chính (a)khẳng định mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam phát triển theo con đường dân tộc và dân chủ, hòa nhập cộng đồng thế giới vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, phấn đấu giành vị thế xứng đáng trong kinh tế thế giới toàn câu hóa ở giai đoạn hiên nay; (b)xây dựng một thể chế chính trị / nhà nước dân tộc và dân chủ của hòa giải và đoàn kết dân tộc dựa trên kinh tế thị trường, nhà nước pháp quyền, xã hội dân sự, bảo đảm thực hiện quyền làm chủ đất nước của nhân dân; (c)chuyển đổi và xây dựng ĐCSVN hiện nay thành đảng yêu nước của dân tộc và dân chủ trên cơ sở gìn gữ và phát huy truyền thống dựng nước và giữ nước, sự nghiệp giành độc lập thống nhất, các giá trị của dân tộc và của văn minh nhân loại, nguyện phấn đấu đi tiên phong trong hàng ngũ dân tộc vì sự nghiệp xây dựng nước Việt Nam độc lập, thống nhất, hòa bình, dân chủ, giầu mạnh, công bằng, văn minh.
- Điều lệ đảng mới bảo đảm cho đảng viên và toàn đảng được tổ chức và xây dựng phù hợp tình hình và nhiệm vụ mới của đất nước, đòi hỏi đảng viên thông qua học tập nâng cao kiến thức và giác ngộ chính trị để có năng lực và phẩm chất lấy xã hội dân sự làm môi trường phấn đấu; gương mẫu mọi mặt để có thể trở thành hạt nhân lãnh đạo trong mọi hoạt động của xã hội dân sự, qua đó phát huy ý chí, nội lực và sự sáng tạo của mọi tầng lớp nhân dân thực hiện các nhiệm vụ cải cách đòi hỏi; khơi dậy mọi sáng kiến và phong trào của nhân dân trong xã hội dân sự, đi tiên phong xây dựng những phong trào vận động lớn của toàn quốc hoặc từng vùng miền, từng lĩnh vực để giải quyết những vấn đề trọng đại trong kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội; đẩy mạnh cải cách giáo dục, xây dựng nếp sống mới tôn trọng luật pháp và các quyền của công dân, quyền con người; tạo ra những chuyển biến mới mọi mặt của đất nước, thực hiện những kế hoạch phát triển, tạo công ăn việc làm mới, tăng cường khả năng cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam, gìn giữ môi trường tự nhiên, tranh thủ đầu tư nước ngoài và hợp tác quốc tế. Xây dựng mới phù hợp với hiến pháp và pháp luật mới (sẽ phải có) những tiêu chuẩn của đảng viên và tổ chức đảng các cấp phù hợp với thể chế chính trị dân chủ pháp quyền và khả năng hoạt động của đảng / các tổ chức cơ sở đảng trong xã hội dân sự để trở thành lực lượng chính trị có khả năng đi tiên phong trong mọi tiến bộ của đất nước; lấy thúc đẩy những thành quả đạt được trong vận động xã hội dân sự thành những động lực bên cạnh những động lực kinh tế – chính trị – xã hội khác góp phần thúc đẩy sự phát triển và những tiến bộ mới của đất nước; cho ra khỏi đảng những đảng viên không muốn hoặc không đủ điều kiện là đảng viên của đảng mới, đẩy mạnh kết nạp đảng viên mới – trước hết là trong đối tượng thanh niên, học sinh, sinh viên, trí thức, doanh nhân giỏi.., nhằm mang lại cho đảng năng lực và sức sống mới, dứt khoát vứt bỏ chủ nghĩa lý lịch và chủ nghĩa thành phần và hậu duệ. Qua thực tiễn phấn đấu này rèn luyện đảng trở thành lực lượng chính trị nòng cốt và đội ngũ tiên phong của một nước Việt Nam mới: Đảng theo đuổi những giá trị của dân tộc và dân chủ, những tiến bộ mới của trí tuệ và văn minh nhân loại.
Ngày nay, cải cách là để xây dựng quốc gia độc lập có chủ quyền của thể chế chính trị pháp quyền dân chủ, trong đó nhân dân là chủ đất nước với tính cách là công dân trong xã hội dân sự. Vì thế trong cải cách đổi đời đất nước, Cương lĩnh và Điều lệ mới của đảng (đã thay đổi trở thành đảng của dân tộc) cần làm rõ nhiệm vụ của đảng và đảng viên là phải có phẩm chất, năng lực, xác định mục tiêu phấn đấu là lấy xây dựng và phát triển xã hội dân sự làm môi trường nuôi dưỡng và phát huy sự trưởng thành, quyền năng và sức mạnh của công dân, coi đây là mặt trận chính trị số một của đảng để thực hiện hòa giải, đoàn kết và phát huy sức mạnh toàn dân tộc cho nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ tổ quốc trong thế giới hôm nay. Đây là nhiệm vụ cơ bản hàng đầu của một đảng lãnh đạo trong thời kỳ phát triển mới của đất nước, khác hẳn với thời kỳ làm nhiệm vụ cách mạng giành độc lập và kháng chiến cứu nước! Đặc điểm mới này quyết định bản chất hoàn toàn mới của đảng, đồng thời đòi hỏi phải có đường lối mới và tổ chức mới của đảng mà cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã đề cập tới (thư 09-08-1995). Nhiệm vụ đổi mới ĐCSVN như đang là thành đảng của dân tộc trước hết là hiểu theo tinh thần này. Chủ động xây dựng và phát triển xã hội dân sự như thế là môi trường rèn luyện phẩm chất của tính chiến đấu và tính tiền phong của đảng, đồng thời là bí quyết để phấn đấu giành về cho đảng vai trò lãnh đạo trong thể chế chính trị dân chủ đa nguyên. Đây là những đòi hỏi rất cao về trí tuệ, bản lĩnh và các phẩm chất thuộc các phạm trù đạo đức và giá trị. Tất cả nói lên ĐCSVN như đang là phải thay đổi hoàn toàn về bản chất, đúng với quy luật: nhiệm vụ mới của đất nước đòi hỏi phải có đảng chất lượng mới, nếu không muốn bị loại bỏ. Có thể tổng kết: Trước 30-04-1975 là giai đoạn làm nhiệm vụ cách mạng để giành độc lập thống nhất, sau 30-04-1975 là làm nhiệm vụ phát triển để xây dựng và bảo vệ tổ quốc; vì không nhận thức được sự khác nhau của 2 nhiệm vụ chính trị là cách mạng và phát triển như thế để thay đổi, nên 42 năm qua từ đảng lãnh đạo đảng đã biến chất thành đảng cai trị, không oan uổng!
- Ra Tuyên bố của ĐCSVN chuyển đổi thành đảng yêu nước của dân tộc và dân chủ (nên đổi tên là Đảng Lao Động Việt Nam – “ĐLĐVN”), tuyên bố trước quốc dân đồng bào và toàn thế giới quyết định đổi mới thành đảng yêu nước của dân tộc và dân chủ (“ĐLĐVN”), làm rõ đất nước đã hoàn thành một giai đoạn phát triển, ngày nay phải chuyển sang một giai đoạn mới để trở thành một nước phát triển trong một thế giới đã sang trang đi vào thời kỳ của một cục diện quốc tế mới. Khẳng định mục tiêu chiến lược của đảng mới là kế tục mọi thành tựu đất nước đã giành được đến nay để đưa đất nước lên con đường trở thành nước phát triển của một thể chế chính trị / nhà nước dân tộc và dân chủ dựa tên kinh tế thị trường – nhà nước pháp quyền – xã hội dân sự, nhằm xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập thống nhất, dân chủ và giầu mạnh; lấy hòa giải đoàn kết dân tộc và phát huy các giá trị truyền thống của dân tộc và của văn minh nhân loại làm động lực thực hiện mục tiêu trọng đại này; kêu gọi toàn dân nỗ lực chung vai sát cánh với đảng thực hiện, đảng nguyện trung thành với lợi ich của nhân dân và của đất nước, phấn đấu trở thành chỗ dựa tin cậy và là lực lượng nòng cốt của cả nước trong thực hiện cuôc cải cách đổi đời đất nước cũng như trên con đường đưa đất nước trở thành nước phát triển theo kịp tiến bộ của nhân loại.
Ngay sau khi ra 2 tuyên bố nói trên, trả lại tự do cho tất cả những người bị tù vì bất đồng chính kiến với chế độ chinh trị, khuyến khích và tạo mọi điều kiện cho họ đem hết sức mình tham gia cuộc cải cách vỹ đại của đất nước; đồng thời tiến hành cuộc vận động lớn trong cả nước thực hiện hòa giải và đoàn kết dân tộc, tạo ra sự đồng thuận của toàn dân tộc tiến hành thắng lợi cuộc cải cách đổi đời đất nước.
Trong giai đoạn I này, như một khởi động đầu tiên của toàn hệ thống chính trị – xã hội cả nước, đảng tiến hành ngay cuộc vận động lớn trong cả nước thực hiện tiết kiệm triệt để chi tiêu – trước hết gương mẫu cắt giảm mọi chi tiêu có thể cho đảng và trong đảng, để cứu nguy thâm hụt ngân sách quốc gia, dồn mọi nguồn lực cho yêu cầu phát triển của kinh tế. Qua cuộc vận động này xây dựng và hình thành một phong cách làm ăn trung thực, hiệu quả, tiết kiệm trong cả nước. Từ đó xây dựng những chuẩn mực đạo đức và chính trị đầu tiên của quốc gia cần xác lập cho toàn bộ sự nghiệp đưa đất nước trở thành nước phát triển. Tạo dựng được phong trào mở đầu nhưng rất quan trọng này, hy vọng những giá trị tốt đẹp sẽ được củng cố và có sức sống mới, đồng thời đất nước sẽ nảy nở những tinh hoa và trí tuệ mới. Đây có thể là cái đà đầu tiên vận động toàn bộ quá trình cải cách và xây dựng đất nước.
Tóm lại, giai đọạn I thực hiện xong nhiệm vụ đảng tự thay đổi và cải cách đảng trước về đường lối, về tổ chức và về phương thức hoạt động, để có khả năng xây dựng xong và triển khai chiến lược cải cách & phương thức / kế hoạch thực thi trong cả nước. Trên cơ sở tự cải cách chính mình trước như vậy, đảng chủ xướng và dẫn dắt cả nước thực hiện cuộc cải cách trọng đại này.
Ngay lập tức (nghĩa là trong khi chưa có Hiến pháp mới) đảng chuyển sang hoạt động theo phương thức của đảng cầm quyền trong một thể chế chính trị pháp quyền dân chủ (trước hết với tinh thần trên thực tế coi như không còn “Điều 4”), lấy xã hội dân sự làm địa bàn hoạt động chủ yếu, thực hiện những sửa đổi / cải cách bước đầu cần thiết hệ thống hành chính quốc gia để bảo đảm yêu cầu xúc tiến cải cách, duy trì đươc sự vận hành liên tục của mọi lĩnh vực trong cuộc sống trong suốt thời gian tiến hành cải cách, không để xảy ra khoảng trống quyền lực.
Giai đoạn II
- Thực hiện tiếp những bước cải cách cụ thể đã đề ra trên cơ sở về cơ bản giữ bộ khung cũ của toàn bộ hệ thống hành chính sự nghiệp với những thay đổi cần thiết về tổ chức, cơ chế hoạt động, nhân sự, song song với thi hành những chính sách mới hoặc những quy định mới đúng với tinh thần và nội dung của cải cách. Đặc biệt chú trọng xây dựng và thực hiện ngay những luật cơ bản (có thể là những Luật tạm thời trước khi có Hiến pháp mới) về tự do báo chí, tự do thành lập hiệp hội, về quyền biểu tình, về quyền thể hiện ý chí của nhân dân, về quyền con người, bảo đảm thực hiện công khai minh bạch và trách nhiệm giải trình.., qua đó tạo ra động lực quyết định xúc tiến cải cách. Tất cả những hoạt động này dựa trên nền tảng nâng cao dân trí và tinh thần thượng tôn pháp luật, hòa giải và đoàn kết của nhân dân cũng như của hệ thống chính trị / nhà nước… Tất cả những bước đi mới này nhằm phát huy mọi động lực toàn xã hội thúc đẩy tiến trình cải cách diễn ra năng động và hiệu quả, giảm thiểu ở mức có thể nhất mọi xung đột hay tổn thất không đáng có, kết hợp với xây dựng và thực hiện nếp sống văn minh, gìn giữ và phát huy những giá trị đạo đức xã hội.
- Xây dựng những chính sách và chủ trương thực hiện mới để thực hiện song song các nhiệm vụ phát triển kinh tế, giải quyết những nhiệm vụ chính trị / văn hóa / xã hội phải tiến hành, thực hiện những bước cải cách giáo dục ở giai đoạn này phù hợp với tiến trình của cải cách. Đây vừa là những nhiệm vụ phát triển cụ thể phải thực hiện song song với tiến trình cải cách, đồng thời tạo tiền đề tiến hành thay đổi / xây dựng các bộ luật mới.
- Bàn hành dự thảo hiến pháp mới huy động toàn dân tham gia xây dựng.
- Ban hành dự thảo và thông qua Luật về các đảng phái chính trị và các tổ chức đoàn thể xã hội để xây dựng thành bộ luật chính thức sau này làm cơ sở pháp lý cho hoạt động của mọi đảng phái chính trị và đoàn thể xã hội. Bộ Luật này bảo đảm các đàng phái chính trị và đoàn thể xã hội bình đẳng trước pháp luật, tự chủ về tài chính, không được sử dụng thuế và ngân sách của nhà nước, lấy xã hội dân sự làm môi trường phát triển và hoạt động của mình, đồng thời góp phần bảo đảm trong hệ thống chính trị / nhà nước và bộ máy vận hành của quốc gia chỉ có Hiến pháp và luật pháp quyết định tất cả.
Thông qua Hiến pháp mới, đồng thời thực hiện tiếp mọi bước đi của cải cách trong giai đoạn này, xây dựng / hoàn thiện những luật pháp và thể chế kinh tế theo Hiến pháp và hệ thống pháp luật mới. Thành tựu phát triển kinh tế và sự ra đời của thể chế chính trị / nhà nước mới theo Hiến pháp mới là thước đo nội dung và quá trình tiến triển của cải cách ở giai đoạn này.
Nên tham khảo mô hình thế chế chính trị / nhà nước và bộ máy hành chính sự nghiệp của Singapore, Nhật và Hàn Quốc để vận dụng vào nước ta theo tinh thần của Tuyên ngôn Độc lập 02-09-1945, Hiến pháp 1946 và cách tổ chức quốc hội 1946, được bổ sung những nét cập nhật phù hợp với đòi hỏi của đất nước và bối cảnh quốc tế hiện tại. Nét đặc trưng chung của 3 mô hình này (Singapore, Nhật, Hàn Quốc) là tính tập trung để tạo ra khả năng quyết đoán cao, đồng thời bảo đảm được dân chủ, tính công khai minh bách và trách nhiệm giải trình.
Trên cơ sở những bước tiến mới nói trên, tiến hành xây dựng một thể chế chính trị / nhà nước đa nguyên, hình thành một số đảng chính trị mới theo Hiến pháp mới và Luật về đảng phái chính trị và các tổ chức xã hội dân sự như đã được thông qua ở giai đoạn II.
Nên xây dựng các lý lẽ thuyết phục, và được bảo đảm bằng bộ luật về các đảng phái chính trị và đoàn thể nói trên được thiết kế phù hợp, để hình thành thêm các đảng chính trị mới có thể tham chính thông qua Luật bầu cử dân chủ tự do và theo quy định của Hiến pháp.
Ở nước ta, hợp lý nhất có lẽ chỉ nên hình thành thêm 2 đảng tham chính mới như đã từng có trong thời đầu của nước VNDCCH – đó là đảng Dân Chủ và Đảng Xã hội – song phải là 2 đảng có thực quyền và bình đẳng trước pháp luật như mọi đảng khác theo Luật. Nếu có nhiều đảng nữa sẽ rối và không cần thiết. Hiến pháp và các bộ Luật liên quan cần được thiết kế sao cho bảo đảm nghiêm túc yêu cầu: thực hiện đa nguyên, nhưng bảo đảm không quá 3 đảng tham chính trong tranh cử và bầu cử; thủ lĩnh của đảng có đa số ghế lớn nhất trong Quốc hội sẽ là tổng thống với chức năng là người đại diện quốc gia cao nhất và có quyền lực cao nhất cả nước; thủ tướng là người trực tiếp điều hành nội các (chính phủ) do tổng thống bổ nhiệm và được quốc hội chấp thuận; với điều kiện của nước ta, nên thực hiện chế độ 1 viện duy nhất là quốc hội; tuy nhiên nên thực hiện chế độ bầu cử từng phần so le để bảo đảm sự hoạt động liên tục của quốc hội (không bị gián đoạn qua mỗi kỳ bầu cử). Tiến hành bầu cử thành lập hệ thống nhà nước theo Hiến pháp mới, nên mời sự giám sát quốc tế cuộc bầu cử để nâng cao uy tín của chính thể mới, đồng thời tranh thủ sự ủng hộ / hậu thuẫn của cộng đồng quốc tế.
Nên chuẩn bị sớm một chiến lược cải cách như trên để được thông qua sớm nhất có thể tại một đại hội đảng toàn quốc bất thường, sau đó triển khai thực hiện. Nhưng ngay sau khi Bộ Chính trị đã đi tới được quyết định phải tiến hành cải cách, Bộ Chính trị nên có ngay một tuyên bố trình bầy rõ quyết định chiến lược này, kêu gọi cả nước và toàn đảng đoàn kết và phát huy tinh thần yêu nước đem hết tâm huyết tham gia sự nghiệp cách bằng mọi hành động và việc làm thiết thực, dấy lên trong cả nước một hào khí mới, làm cho nhân dân và từng đảng viên ngay từ ngày đầu tiên cảm nhận được sự nghiệp cải cách này là trách nhiệm của chính mình, chủ động làm mọi việc có thể góp phần tham gia của mình.
Trong quá trình chuẩn bị Đại hội XII tôi đã kiến nghị thành lập nhóm ad hoc gồm các đồng chí Bùi Quang Vinh, Vũ Đức Đam và Phạm Bình Minh giúp đảng xây dựng nội dung Đại hội theo hướng xúc tiến cải cách nói trên. Nay tôi xin đề nghị một lần nữa: Bộ Chính trị nên quyết định lập sớm một nhóm như thế giúp đảng bắt tay ngay vào việc chuẩn bị và xây dựng chiến lược cải cách.
Trên đây chỉ là những gợi ý thô sơ ban đầu để tham khảo./.
Phụ lục II
Về chủ nghĩa Mác – Lênin
Nguyễn Trung
Muốn tiến hành cải cách chính trị, đảng phải chủ động loại bỏ “chủ nghĩa Mác – Lênin” và ý thức hệ đi kèm. Bởi các lẽ:
- Đảng phải từ bỏ ý thức hệ lỗi thời để thay đổi chính mình thành đảng yêu nước của dân tộc và dân chủ.
- Giai đoạn phát triển mới của đất nước đòi hỏi đảng phải có một thế giới quan mới xác lập được con đường phát triển theo các giá trị của dân tộc và dân chủ, giành được vị thế quốc gia mới trong thế giới hôm nay.
- Chứng minh trước nhân dân và tranh thủ được lòng tin của nhân dân là đảng đã trở thành một đảng mới của dân tộc và dân chủ mà sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước trong thế giới hôm nay đòi hỏi.
Trong khuôn khổ tâm sự và trao đổi, chỉ xin nêu ra một số suy nghĩ ban đầu dưới đây.
Trước hết xin nói ngay: Cả Mác và Lênin đều không sáng lập ra chủ nghĩa này – nó không tồn tại.
Chính bản thân Mác – và cả Ăng-ghen – đều cho tác phẩm trí tuệ của mình là lý luận mang tính giải thích và thúc đẩy sự phát triển của cuộc sống. Mác và Ăngghen suốt cuộc đời mình đã nhiều lần tiếp tục điều chỉnh những chỗ sai, có nhiều sửa đổi quan trọng, bám vào thực tiễn và sự vận động của lịch sử để tiếp tục phát triển lý luận của mình. Tới nay đã có thể lọc ra khoảng 9 – 10 lần Mác và Ăngghen đã có những thay đổi như thế. Cả Mác và Ăngghen đều coi lý luận của mình là mở, đòi hỏi vận dụng sáng tạo bám sát cuộc sống chứ không giáo điều, không bao giờ coi nó là học thuyết hay chủ nghĩa mang tính khuôn sáo, áp đặt.
Còn Lênin cũng chưa từng đưa lý luận Mác lên thành một thứ chủ nghĩa, cũng chưa hình thành được chủ nghĩa riêng của Lênin, vì bản thân Lênin còn đang viết NEP (the New Economy Policy – Chính sách kinh tế mới, 1924) dở dang thì qua đời. Trước khi soạn thảo NEP, điều bổ xung của Lênin vào học thuyết Mác là quan điểm “chuyên chính vô sản”. Song trong quá trình viết NEP chính Lênin không nhắc tới hoặc đã thay đổi quan điểm này. Thực tế cũng đã chứng minh CCVS là sai lầm.
CNML như được nói tới, được hiểu và dạy, được thực hành trong ĐCSVN và ở nước ta cho đến hôm nay được lấy ra từ các phiên bản “Liên Xô” và “Trung Quốc” (nghĩa là không phải từ gốc), có đôi chút biến báo vì lý do phiên dịch hoặc vì theo cách hiểu của Việt Nam, vừa có nhiều cái sai so với những điều Mác viết ra, vừa đã tự chứng minh là sai trong thực tiễn Việt Nam 42 năm nay.
Sự thật là CNML được các lãnh tụ của phong trào cộng sản (Stalin, khoảng năm 1927, một số nhân vật khác…) chắt lọc chủ yếu từ Tuyên ngôn Cộng sản, rồi dựng lên thành một chủ nghĩa, một học thuyết nhằm xác lập vai trò độc tôn lãnh đạo cách mạng (trước hết lúc đó là của Liên Xô) và sự tồn tại của ĐCS với tính cách là một đảng độc tôn như thế, và để chi phối mọi tư duy và hành động của toàn xã hội theo quan điểm của ĐCS. Nội dung cốt lõi là xóa bỏ tư hữu tư liệu sản xuất, thiết lập chuyên chính vô sản, coi đấu tranh giai cấp là động lực của phát triển.
Ngoài ý nghĩa là một cẩm nang của cách mạng xã hội chủ nghĩa, CNML như vậy có thể được xem như sự khẳng định vai trò lãnh đạo tư duy của LX (và phần nào cả tôn sùng cá nhân Stalin, sau này Khru-sốp đã bác bỏ, nhưng ở ta lại phê phán Khru-sốp là xét lại) trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.
Mác viết Tuyên ngôn Cộng sản năm 30 tuổi (1848), và hầu như đây là tác phẩm duy nhất Mác đề cập đến chủ nghĩa cộng sản một cách đầy đủ nhất với tính cách là một hình thái xã hội mới tất yếu sau chủ nghĩa tư bản. Song trong toàn bộ cuộc đời còn lại sau đó, Mác hầu như bỏ không theo cách tiếp cận như vậy nữa, mà đi sâu vào bản chất sự vận động và phát triển của chủ nghĩa tư bản đương thời. Dù không kiên định, song đã có lúc Mác thừa nhận không thể làm thầy bói cho lịch sử như các dự báo của mình, cho rằng lịch sử chỉ chấp nhận may đo, chứ không thể ốp may sẵn (Việt Phương). Mác đã hoàn thành “Tư bản” tập I, sau đó Ăngghen từ những phần việc dở dang của Mác hoàn thành tiếp “Tư bản” II và III, trong đó hầu như không nói tới chủ nghĩa cộng sản nữa. Đáng chú ý là: sau này Mác, song rõ nhất là Ăngghen nhân dịp 25 năm TNCS, đều coi TNCS chỉ có giá trị lịch sử, cuộc sống hoàn toàn không diễn ra như đã viết trong TNCS. Một số quan điểm quan trọng khác của Marx về đấu tranh giai cấp, về quy luật bóc lột giá trị thặng dư, về quy luật tiến hóa của lịch sử… cũng cho thấy nhiều chỗ không đúng và càng không theo kịp cuộc sống ngày nay… Trong khi đó những phân tích của Marx về chủ nghĩa tư bản cho đến hôm nay vẫn có nhiều giá trị thời sự[1].
Một vấn đề vô cùng hệ trọng liên quan đến vấn đề đang bàn: Từ 6 – 7 thập kỷ nay nhiều công trình nghiên cứu khoa học và nhiều học giả có uy tín trên thế giới đánh giá thống nhất: chế độ của Hítle, Stalin và Mao có 3 đặc điểm giống nhau:
- (1)thực hiện chủ nghĩa tư bản nhà nước – dù tên gọi của nó là gì,
- (2)tẩy não (chỉnh huấn, học tập, cải tạo…) để mọi người phải trung thành với chế độ,
- (3)biến con người thành công cụ với đòi hỏi phải phục vụ tuyệt đối chế độ (thông qua hiến pháp, luật pháp, chính sách…).
Chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô lúc đầu là cái nôi và là thành trì của cách mạng vô sản thế giới, song tha hóa dần hướng về một đế chế trong quan hệ giữa Nga và các nước trong Liên bang xô viết, cũng như giữa Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu với nhiều rạn nứt, để cuối cùng là tan vỡ.
Ngay từ lúc quy mô nền kinh tế Trung Quốc còn đứng rất xa ngoài tốp 50 nước đứng đầu thế giới, chủ nghĩa xã hội/chủ nghĩa cộng sản của Mao với quan điểm “gió Đông thổi bạt gió Tây” đã mang màu sắc bá quyền. (Trung Quốc không theo CNML vì chống Liên xô, mà chỉ một thời nêu là “chủ nghĩa Mác”).
Cả 3 chế độ toàn trị nói trên đều có những thảm sát đẫm máu lịch sử sẽ không thể quên, những tội ác hủy hoại đến tận cùng quyền con người.
Trong khi đó những khát vọng thể hiện đặc trưng hay thuộc tính của chủ nghĩa xã hội hiện thực hôm nay xuất phát từ những khát vọng xa xưa của loài người, sớm nhất là từ thời Plato và Aristotle thuộc nền văn minh Hy Lạp. Rồi những giá trị này trở thành những quan điểm chính trị rõ rệt ở thế kỷ thứ 16, nổi bật là Thomas More (The Utopia), và ngày nay vẫn là hoài bão của loài người về các giá trị của tự do, hạnh phúc…
Chủ nghĩa xã hội hiện thực – có thể nói như vậy – hôm nay được thấy trước hết ở các nước Bắc Âu, thuộc phong trào dân chủ xã hội – nghĩa là hoàn toàn không phải là sản phẩm của CNML. Tiền thân của phong trào dân chủ xã hội ngày nay là Quốc tế II mà Marx và Engels lúc sinh thời đã phê phán rất quyết liệt, cho là cải lương và thủ tiêu đấu tranh giai cấp. Song sang thế kỷ 21 phong trào dân chủ xã hội trên thế giới cũng đang đi vào thời kỳ thoái trào, xã hội loài người đứng trước nhiều vấn đề mới truyền thống và phi truyền thống, những bất công mới, những đòi hỏi mới trong quá trình toàn cầu hóa ngày nay; đồng thời – như 2 mặt của một đồng xu, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng đặt ra nhiều thách thức mới…
Vậy CNML với tính cách là nền tảng lý luận của những gì được gọi là xã hội chủ nghĩa hay định hướng XHCN được giảng dạy và thực hiện ở nước ta thực chất là gì? Lãnh đạo đảng đang đòi hỏi phải bảo vệ, phải trung thành với CNML nào, nó là những nội dung cụ thể gì? Nó có thể soi sáng con đường nào cho đảng, dẫn đất nước đi tới đâu?.. Mọi câu trả lời tìm được trong cuộc sống đều dẫn tới kết luận: Đó là một tập hợp lý luận đầy khiên cưỡng, duy ý chí và mâu thuẫn, xong lại có nhiệm vụ xác lập và biện minh cho vai trò độc tôn của ĐCS, là nền tảng lý luận, là lá cờ giương lên để gò đất nước vào sự lãnh đạo của đảng, v v.., đồng thời là nguồn gốc và mầm mống của chế độ toàn trị ở nước ta hôm nay.
Đáng lưu ý là nội dung của CNML về xây dựng CNXH được xác định tập trung trong Tuyên bố Mạc-tư-khoa 1957 của các ĐCS và CN quốc tế đã có nhiều điểm khiên cưỡng trái hẳn với lý luận của Mác[2]. Cho đến nay chưa một lần nào và bất kỳ ở đâu có thể thực hiện được nội dung xây dựng chủ nghĩa xã hội như đã ghi trong tuyên bố Mạc-tư-khoa. Đơn giản vì những điều đã được xác định này không hiện thực, duy ý chí, nên thất bại[3]. Vì lẽ này các nước XHCN Liên Xô – Đông Âu cũ sụp đổ. Cũng vì lẽ này Việt Nam đã phải tiến hành đổi mới 1986, và hiện nay đang bâng khuâng không biết đến hết thế kỷ này sẽ có CNXH hay không?!.
Bi kịch kép của lý luận Mác là ngoài sự sụp đổ của các nước LXĐÂ cũ, đến nay cũng chưa có một cuộc cách mạng nào thắng lợi đã xảy ra theo lý luận của Mác. Trước khi mất 2 năm, Mác đọc cho con rể mình viết góp ý với đường lối của Đảng công nhân Pháp: cách mạng có thể giành thắng lợi bằng con đường hòa bình, nghĩa là không phải bạo lực, cụ thể là thông qua bầu cử; 1895 Ăngghen cũng góp ý như vậy với Đảng Công nhân Đức, song Lênin không biết những điều này… Sau khi Mác mất, Ăngghen tập hợp tiếp các tác phẩm của Mác và đã có lúc thô thiển hóa những ý tưởng của Mác thành “chủ nghĩa”… (Việt Phương và một số học giả nước ngoài khác). Việt Phương còn dẫn ra những chỗ sai khác của Mác trong kinh tế chính trị học. Đúng là dù vĩ đại đến mấy, con người bao giờ cũng vẫn là nhân vô thập toàn: Mác là một trong những triết gia và nhà tư tưởng có ảnh hưởng sâu rộng nhất – tích cực cũng như tiêu cực – đối với nhân loại trong thế kỷ 20.
Có một điều cần suy nghĩ: Nếu đồng nhất (1) tư tưởng – lý luận Mác và (2) phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, và (3)chủ nghĩa cộng sản diễn ra dưới dạng các chế độ toàn trị ở tất cả các nước xã hội chủ nghĩa làm một, e rằng sẽ không đúng. Dù tác động qua lại với nhau sâu sắc thế nào, song đây vẫn là 3 thực thể khác nhau. Nên có nghiên cứu khách quan giải đáp thỏa đáng. Với cách đặt vấn đề như vậy, tôi cho rằng:
- Phong trào cộng sản và công nhân quốc tế là một cuộc đấu tranh cách mạng, là một phản ứng tất yếu và rất đáng trân trọng của nhân loại trước thực tế phát triển đẫm máu và mồ hôi người lao động trong chủ nghĩa tư bản cho đến những thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 20, chính phong trào đấu tranh cách mạng này đã góp phần quan trọng làm nên những tiến bộ xã hội của nhân loại trong thế giới hôm nay.
- CNTB nói chung hay là các nước tư bản – cũng có lúc với những đối tượng nào đó ngôn ngữ ta gọi là các nước đế quốc – một phần do đòi hỏi tự thân, một phần do tác động của các trào lưu tiến bộ, trong đó có phong trào cộng sản và công nhân quốc tế – đã có rất nhiều điều chỉnh, nhất là kể từ sau chiến tranh thế giới II đến nay, trên thực tế đã và đang dẫn đầu thế giới trong thực hiện một số giá trị quan trọng.
- Chủ nghĩa cộng sản như đã xuất hiện ở tất cả các nước XHCN thuở ban đầu là kim chỉ nam của phát triển, và sau đó một mặt do duy tâm và duy ý chí, mặt khác do tha hóa, dần dần biến thành chế độ toàn trị. Nhìn chung, đó chính là sự diễn biến của một quá trình tha hóa.
- Khi quyền lực của chế độ toàn trị là tuyệt đối với nhiều tội ác đẫm máu, CNML ở tất cả các nước XHCN chỉ còn lại là cái tên (cái bình phong) tuyệt đối, đã dẫn tới sự sụp đổ ở các nước LXĐA, và hiện vẫn đang tiếp diễn ở các nước gọi là XHCN còn lại.
- Chủ nghĩa cộng sản của phong trào cánh tả bắt đầu từ thời Mao-ít rộ lên một thời ở một số nước đang phát triển song cũng tàn lụi rất nhanh, để lại dĩ vãng đau buồn ở những nơi nó xuất hiện. Phong trào này không có mối liên quan nào đó với CNML với nghĩa đang được hiểu.
- CNML lúc đầu được hiểu và vận dụng như một học thuyết cách mạng dẫn dắt sự phát triển của nước ta – dưới dạng xây dựng chủ nghĩa xã hội, rất tả khuynh, song dần dần bị quyền lực biến tướng thành ý thức hệ bảo vệ chế độ toàn trị. Quyền lực càng được củng cố bao nhiêu thì CNML càng bị tước bỏ về nội dung bấy nhiêu. Hôm nay chỉ còn lại chức năng là cái mộc và cái khiên của chế độ toàn trị.
- Tất cả những thứ nêu trên đều không phải là hiện thân của lý luận Mác.
- Vân… vân…
Hơn nữa, trên đời này ngoài kinh thánh được các tín đồ của mình phong tặng sự vĩnh cửu, không có lý luận khoa học nào là vạn năng, bất di bất dịch và trường tồn – trong lĩnh vực khoa học xã hội càng không, vì con người luôn luôn hướng về sự giải phóng chính mình; mọi thứ “chủ nghĩa” đều phải áp đặt tư duy của chính nó. Chỉ có các giá trị mà con người xây dựng nên được trong quá trình phát triển của chính mình là trường tồn. Song các giá trị này cũng phải thường xuyên phát triển theo sự vận động của thời gian, thời đại…
Đến đây có thể kết luận:
- CNML như đang được hiểu và vận dụng ở nước ta là tam sao thất bản (từ Liên xô, Trung Quốc), lại được tuyên giáo ta qua các thời kỳ “chế biến thêm” và “chốt lại”… Một thứ CNML như thế hầu như chỉ còn lại là một bình phong, một nhãn mác, hay là một căn cứ mơ hồ, chỉ để mang lại cái chính danh cho “định hướng xã hội chủ nghĩa” mà Đảng muốn ốp cho đất nước.
- CNML như hiện nay ở nước ta chỉ còn làm được chức năng trang trí tư tưởng, một thứ bùa hộ mệnh, một kiểu ngọn cờ… để biện minh cho vai trò độc tôn và quyền lực của ĐCSVN hôm nay trong xã hội Việt Nam. Nói trung thành với CNML dịch ra đúng nghĩa là áp đặt sự thừa nhận trạng thái hoàn toàn bế tắc về lý luận của một đảng chính trị, và tính hư vô của lý tưởng mà đảng theo đuổi.
Trong cuộc sống thực của đất nước ta hôm nay, ngoại trừ một số quan điểm sai lầm như chuyên chính vô sản, đấu tranh giai cấp, tập trung dân chủ.., rất khó tìm được bất kể một quyết định, hay hành động hoặc một kết quả thực tiễn nào của ĐCSVN hôm nay mang nội dung CNML như đã được xác định trong Tuyên bố Mạc-tư-khoa 1957 nói trên, hoặc theo chính các giáo lý giảng dạy. Đơn giản vì những thứ này đều không khả thi. Song lại ngụy biện là vận dụng sáng tạo vào nước ta! Thực tế này giải thích hiện tượng: Xây dựng CNXH ở nước ta do thất bại, nên từ vài thập kỷ nay buộc phải hạ thấp xuống thành “định hướng XHCN”. Tuy thế đến bây giờ vẫn không xác định rõ được ĐHXHCN là cái gì. Đơn giản vì “định hướng” như thế không có thực. Tất cả những gì tốt đẹp định làm và cố tìm cách gói ghém chúng vào khái niệm ĐHXHCN ở nước ta – ví dụ như công bằng, dân chủ, văn minh, phúc lợi xã hội, chống bóc lột, trách nhiệm của nhà nước… – trên thực tế chỉ là những bánh vẽ, hoặc giả có điểm nào cố sức làm (ví dụ trong y tế, trong giáo dục, trong thực hiện qua loa một số quyền tự do dân chủ nào đó…) kết quả nếu đạt được thường ở mức độ rất thấp và kém rất xa tất cả các nước cùng ở mức thu nhập trung bình (thấp) như nước ta, kém hẳn các nước phát triển.
Sự thật là nước ta hiện nay bị xếp vào nhóm “top” các quốc gia có chế độ chính trị mất tự do dân chủ, vi phạm nhân quyền và bất công nhất trên thế giới. Cho nên càng bàn mãi về ĐHXHCN càng bí. Vì vậy tuyên giáo của Đảng đã “chốt” lại hộ để khỏi phân vân mãi chưa ra: Cốt lõi của “định hướng XHCN” là bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng, giữ vững kinh tế nhà nước là chủ đạo! Song oái oăm thay chính cái được “chốt” lại này lại là nguồn gốc của chủ nghĩa tư bản thân hữu và tư bản hoang dã đạt tới đỉnh cao ở nước ta 10 năm qua, bây giờ Đảng phải kêu gọi chống. Trong khi đó Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII lại quy kết mầm mống của chủ nghĩa tư bản thân hữu ở nước ta là kinh tế tư nhân! Phi lý đến thế là cùng. Song chính cái “chốt” lại này khiến nước ta xin mãi hàng chục năm nay sự công nhận là “kinh tế thị trường” mà vẫn không được!
Cuộc sống luôn luôn đòi hỏi giải phóng tư duy khỏi sự kìm kẹp của ý thức hệ, để mở mang trí tuệ phấn đấu cho những giá trị đã được văn minh của nhân loại xác lập./.
Phụ lục III
Về ĐCS Trung Quốc và ĐCS Việt Nam
Nguyễn Trung
Một trong những cái lầm chết người từ Thành Đô đến nay là ta bị «16 chữ và 4 tốt» mê hoặc, cứ tưởng ta giống Trung Quốc, nên có thể đi với nhau, dựa vào nhau, học nhau, cùng đi lên chủ nghĩa xã hội.., mà quên mất ta không hề, không bao giờ, và không thể giống Trung Quốc về bất kỳ phương diện nào, nhất là quên khuấy đi mất trước sau ta chỉ là cái đích của Trụng Quốc!
Xin nhắc lại :
ĐCSVN không bao giờ giống ĐCSTQ, nên không thể và không được làm theo TQ! Đừng bao giờ quên điều chết người này!
Hữu nghị, hợp tác… vân vân… là những chuyện hoàn toàn khác và chỉ thuộc lĩnh vực đối ngoại.
Sự thật đơn giản thế này:
– Trung Quốc của một đế chế hồi sinh luôn luôn cần một đảng độc tài toàn trị cực mạnh để giữ cho Trung Quốc khỏi tan rã thành những nước nhỏ, và để tạo lực chiếm ngôi bá chủ trên thế giới. Mao Trạch Đông đã nhiều lần khẳng định công khai: ĐCSTQ là vô thiên vô pháp, trời cũng không so được! Cứ nhìn những gì đẫm máu đã xảy ra ở TQ và những hành vi của TQ trên thế giới từ thời Mao cho đến hôm nay, sẽ thấy quan điểm «vô thiên, vô pháp, mục tiêu biện minh cho biện pháp» của Mao là xuyên xuốt toàn bộ hệ thống chính trị Trung Quốc về đối nội cũng như đối ngoại.
– Nhưng Việt Nam là một láng giềng sát nách lại cần một đảng cầm quyền xây dựng cho quốc gia mình một thể chế chính trị dân chủ lành mạnh, để phát huy hết mức sức mạnh dân tộc và tranh thủ dược cả thế giới hậu thuẫn, qua đó mới có thể tồn tại và trở thành một láng giềng được tôn trong của Trung Quốc! Việt Nam không làm được như thế thì chắc chắn sẽ chỉ là cái đích TQ đã bỏ túi.
Hiển nhiên như ban ngày: Xem vậy nhiệm vụ chính trị đối với quốc gia của 2 đảng Trung Quốc và Việt Nam đối nghịch nhau như giữa đen và trắng vậy. Đừng giây phút nào mơ hồ điều này! Đừng để cho lăng kính ý thức hệ nhìn lệch sự thật này.
Cho nên “16 chữ và 4 tốt” chỉ là ngoại giao Trung Quốc đưa ra mà thôi, phải luôn luôn đối chiếu giữa nói và làm như thế nào. Rất tiếc rẳng “16 chữ và 4 tốt” khi ra đời Trung Quốc lúc ấy mới chỉ làm xong việc chiếm các đảo của ta, hôm nay làm xong việc hình thành một hệ thống căn cứ quân sự trên các đảo này.
Nếu ĐCSVN hôm nay nghĩ mình giống Trung Quốc, chọn nhiệm vụ chính trị của mình là học và làm theo Trung Quốc, làm giống Trung Quốc.., thì vô lý quá. Ví dụ, Trung Quốc làm Thiên An Môn, chẳng lẽ ta cũng làm Thiên An Môn? Trung Quốc khủng bố Lưu Hiểu Ba, ta cũng phải bắt chước? Lại còn học Trung Quốc nhiều thứ chính trị khác, nhờ Trung Quốc đào tạo cán bộ, lại cả cán bộ cao cấp nữa… Làm như thế sẽ chỉ hàm nghĩa là làm cho nước mình sớm trở thành cái đích đạt được của Trung Quốc mà thôi!
Cho phép tôi nói bỗ bã thế này:
- Đảng của Trung Quốc cần bạo quyền để giữ bá quyền trong nước và đối với thế giới, nhiệm vụ chính trị đối với quốc gia của nó là thế.
- Đảng của Việt Nam cần dân chủ phát huy nội lực của nhân dân và giành được vị thế tranh thủ được hậu thuẫn của cả thế giới để làm cho nước mạnh có thể sống được bên cạnh Trung Quốc.
Nếu đảng của Việt Nam cũng bắt chước đảng Trung Quốc làm bạo quyền, thì giỏi lắm cũng chỉ có thể bạo quyền với chính nhân dân nước mình mà thôi. Nhưng làm như thế, sẽ giúp Trung Quốc bá quyền được nước mình sớm hơn! Nếu làm như thế, đảng của Việt nam sẽ là đảng gì? Dân có để cho đảng yên không? Đảng của Việt Nam có nên như thế không? Phải nghĩ lại!
Hai đảng này không giống nhau chút nào cả.
Nhất thiết phải tạo dựng được quan hệ hữu nghị và hợp tác lâu dài với Trung Quốc. Song nếu ta muốn đạt được điều này, nhất thiết phải có nhân cách, bản lĩnh và thực lực; còn nếu chỉ là kẻ dặt dẹo, là con nghiện, thì hữu nghị và hợp tác chỉ có thân phận kẻ ăn mày và chứ hầu mà thôi!
Nói đến hữu nghị và hợp tác với Trung Quốc là phải nói đến hữu nghị thật, hợp tác thật, trước sau phải làm bằng được. Có thể sẽ không phải quá lời: Không ai cần mối quan hệ hữu nghị láng giềng tốt với Trung Quốc bằng Việt Nam! Cũng chưa nước nào bỏ ra nhiều công sức như thế cho mục tiêu này. Song cũng chưa nước nào phải trả giá đắt như Việt Nam. Đấy là sự thật trần trụi.
Nếu hiện nay hữu nghị – hợp tác với Trung Quốc chưa được là thật, thì ta phải tìm cách tạo ra lực đứng trên đôi chân của ta, để khẳng định được là chính ta, nhờ đó để có thể làm cho hữu nghị và hợp tác với Trung Quốc trở nên thật.
Còn hữu nghị cửa miệng, hợp tác cửa miệng, sẽ chỉ là lừa nhau mà thôi. Nhìn lại, lừa nhau như thế, cho đến nay hầu như chỉ có ta bị lừa. Làm ngoại giao cả đời, tôi chưa thấy ta lừa nổi Trung Quốc một lần nào, vì nước này lớn quá và xảo quyệt quá để có thể lừa. Vậy chỉ còn con đường tạo ra thực lực và bản lĩnh để có được hữu nghị thật, hợp tác thật với Trung Quốc thì mới sống được! Thứ này không xin được.
Hay là chọn con đường làm chư hầu!? Xin đừng quên lịch sử quan hệ Việt – Trung hơn một nghìn năm nay!
Không có con đường giả vờ nào khác mà đi cả.
Tất cả cho thấy chỉ còn cách phải đổi đời để sống thật!
Mất nước 80 năm vào tay thực dân Pháp, chỉ vì triều Nguyễn hồi ấy chưa nghĩ đến đổi đời để bước vào cái thế giới đã thay đổi mà sống. Bây giờ có lại được độc lập thống nhất, nhưng trong một thế giới lại thay đổi tiếp. Bài học rút ra từ 80 năm thuộc địa «phải đổi đời để sống» chẳng lẽ hôm nay vô nghĩa đối với ĐCSVN hay sao? Nguy cơ tái diễn cái quán tính lịch sử tệ hại của những thế kỷ đất nước ta đã sống trong cái bóng Trung Quốc chính là ở chỗ này!
Xin nhấn mạnh một lần nữa : Nhiệm vụ chính trị và trách nhiệm đối với quốc gia của ĐCSVN chẳng có một nét mảy may nào giống đảng của Trung Quốc – và đây chính là chỗ lãnh đạo ĐCSVN hôm nay mơ hồ nhất, mất cảnh giác nhất! Cứ nghĩ cùng là XHCN thì giống nhau và đi được với nhau! Với những thất bại nghiêm trọng cho đất nước và những hệ quả lâu dài đến hôm nay vẫn chưa tỉnh và chưa sao gỡ ra được!
Mong suy nghĩ kỹ điều này.
Xin nhắc lại tại đây lãnh đạo đảng thời hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc đã từng tổng kết: Mọi thắng lợi đạt được, trước hết là nhờ độc lập tự chủ trong tư duy và đường lối, mọi thất bại vấp phải là do mất độc lập tự chủ trong tư duy và rập khuôn Trung Quốc! Lãnh đạo hồi ấy đã kiểm điểm sâu sắc những bài học đau đớn như cải cách ruộng đất, cải tạo tư sản, chỉnh huấn, rèn cán chỉnh cơ, để cho ý thức hệ mao-it ảnh hưởng đến một số đường lối chính sách… Thậm chí hồi đó đã có người còn muốn nhập khẩu cả cách mạng văn hóa vào Việt Nam, nhưng đã bị bác bỏ quyết liệt… Bộ chính trị hồi đó luôn luôn nhắc nhở phải độc lập tự chủ trong tư duy và cảnh giác với mọi thâm nhập từ bên ngoài và giáo điều, quyết không để cho bên ngoài – dù là ai – can thiệp vào đường lối cách mạng của mình.
Nghị quyết 15 về đẩy mạnh kháng chiến cứu nước của ta và Nghị quyết 9 về đối ngoại là những vị dụ tiêu biểu về kiên định độc lập tự chủ trong tư duy chiến lược và trong hành động, quyết gạt bỏ mọi ảnh hưởng, tác động, áp lực từ bên ngoài, để thực hiện đến cùng mục tiêu chiến lược giành lại độc lập thống nhất đất nước.
Xin kể lại như vậy với các thế hệ lãnh đạo hôm nay để tham khảo.
Muốn hay không, Trung Quốc hôm nay đã trở thành vấn đề của cả thế giới. Thực tế khách quan này đối với Việt Nam còn nghiêm trọng hơn, sát phạt hơn nhiều. Nước ta không lựa chọn được thế giới, nên chỉ còn cách làm sao lựa chọn được vị thế quốc gia phải có để sống được trong thế giới này – trong đó có đòi hỏi không thể thiếu là phải xác lập bằng được quan hệ lâu dài láng giềng tốt với Trung Quốc, có được hữu nghị thật, hợp tác thật. Nhìn rõ và quyết nắm lấy bằng được cái đích này, mỗi người Việt chúng ta – và trước hết là đảng nắm quyền, sẽ biết được và xác định được con đường phải đi và phải làm gì. Trời đất không cho chúng ta thoát khỏi nhiệm vụ này, địa kinh tế và địa chính trị của thế giới hôm nay đặt lên vị trí địa đầu của nước ta số phận như vậy. Nên chi còn cách xác lập lòng tự trọng, thay đổi chính bản thân mình, để bắt tay thực hiện cái quy luật muôn đời : «Có lực mới vực được đạo!». Người Nhật, người Hàn Quốc, người Israel cho chúng ta nhiều bài học thành công của quốc gia họ xuất phát từ trân quý lòng tự trọng này. Xin cùng nhau suy nghĩ về điều này. Nước ta trước sau rất muốn, rất cần hữu nghị – hợp tác với Trung Quốc, nhưng phải gian khổ tìm cách tạo lập nên, thứ này không thể xin được.
Nói đất nước đã sang trang trong một thế giới đã sang trang, trước hết nên bắt đầu từ suy nghĩ như trên./.
Hà Nội – Võng Thị, 20-09-2017
Phụ lục IV
VỀ SỰ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂU
CỦA XÃ HỘI DÂN SỰ Ở VIỆT NAM
Phạm Khiêm Ích
Xã hội dân sự ở Việt Nam có quá trình hình thành và phát triển khá đặc biệt, gặp nhiều khó khăn, trắc trở, khi nở rộ, khi lụi tàn. Vai trò của nó đối với quá trình phát triển kinh tế – xã hội hiện nay rất mờ nhạt.
Xã hội dân sự (XHDS) đã hình thành cùng với sự hình thành nhà nước pháp quyền dân chủ, từ sau Cách mạng tháng Tám. Đây là điều được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm. Ngay sau khi đọc Tuyên ngôn Độc lập, ngày 3/9/1945 trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ việc tổ chức sớm Tổng tuyển cử, xây dựng một Hiến pháp dân chủ, đảm bảo cho nhân dân thực hiện quyền tự do dân chủ là một trong sáu nhiệm vụ cấp bách nhất. Ngay sau đó ngày 8/9/1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 14/SL mở cuộc Tổng tuyển cử để bầu Quốc hội.
Sau bốn tháng chuẩn bị trong những điều kiện vô cùng khó khăn, ngày 6/1/1946 cuộc Tổng tuyển cử đã được tiến hành trên phạm vi cả nước, trong một bầu không khí dân chủ thật sự. Trong bản báo cáo ngắn gọn trước Quốc hội tại kỳ họp thứ nhất ngày 2/3/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Trong cuộc toàn quốc đại hội đại biểu này, các đảng phái đều có đại biểu mà đại biểu không đảng phái cũng nhiều, đồng thời phụ nữ và đồng bào dân tộc thiểu số cũng đều có đại biểu. Vì thế cho nên các đại biểu trong Quốc hội này không phải đại diện cho một đảng phái nào mà là đại biểu cho toàn thể quân dân Việt Nam. Đó là một sự đoàn kết tỏ ra rằng lực lượng của toàn dân Việt Nam đã kết thành một khối”.
Một thành tựu có tính lịch sử mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại là bản Hiến pháp đầu tiên của nuớc Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mà Nguời là Truởng Ban Dự thảo. Hiến pháp ấy xác định nhiệm vụ của dân tộc ta trong giai đoạn này là: “bảo toàn lãnh thổ, giành độc lập hoàn toàn và kiến thiết quốc gia trên nền tảng dân chủ”. Bản Hiến pháp dân chủ này ghi ngay trong trong Điều 1 : “Nuớc Việt Nam là một nuớc dân chủ cộng hòa. Tất cả quyền bính trong nuớc là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt giống nòi, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo”.
Đặc biệt Hiến pháp đầu tiên đã khẳng định những quyền cơ bản của công dân Việt Nam: Quyền tự do ngôn luận, tự do xuất bản, tự do tổ chức hội họp, tự do tín nguỡng, tự do cu trú, đi lại trong nuớc và ra nuớc ngoài (Điều 10). Công dân có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, nhà ở, thư tín… (Điều 11). Quyền tư hữu tài sản được đảm bảo (Điều 12).
Những điều trên đây chứng tỏ rằng giữa XHDS với nhà nuớc pháp quyền và chế độ dân chủ có quan hệ mật thiết, bổ sung cho nhau. Không thể có cái này mà không có cái kia.
Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa không chỉ công nhận và tôn trọng những quyền cơ bản của công dân, mà còn tạo điều kiện cho mọi công dân thực thi những quyền ấy. Tôi muốn nói đến những Sắc lệnh và những Nghị định của Chính phủ tạo điều kiện cho công dân thực thi quyền tự do lập hội và tự do ngôn luận.
Ngày 22/4/1946 Chủ tịch Chính phủ Liên hiệp kháng chiến ký Sắc lệnh số 52 quy định việc lập hội. Sắc lệnh này, ngoài chữ ký của chủ tịch Hồ Chí Minh còn có chữ ký của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Huỳnh Thúc Kháng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Vũ Đình Hòe và Bộ trưởng Bộ Tài Chính Lê Văn Hiến. Lúc này chưa có Hiến pháp, Sắc lệnh này là hình thức pháp lý cao nhất. Sắc lệnh xác định: “Hội là một đoàn thể có tính cách vĩnh cửu gồm hai hoặc nhiều người giao ước hiệp lực mà hành động để đạt mục đích chung; mục đích ấy không phải là để chia lợi tức” (Điều l). Định nghĩa trên đây xác nhận “hội” không phải là tổ chức kinh tế để chia lợi tức, cũng không phải là cơ quan Nhà nước, đó chính là tổ chức XHDS. Sắc lệnh quy định: “Cấm không được lập những hội có mục đích và hoạt động làm đồi bại phong tục, hại đến trật tự chung, hoặc đến sự an toàn của quốc gia” (Điều 2).
Thủ tục thành lập hội rất đơn giản và dễ dàng. Người sáng lập hội phải đủ 21 tuổi, là người xưa nay không có can án thường phạm. Những người sáng lập ra hội phải làm Giấy khai, kèm theo hai bản Điều lệ gửi cho Uỷ ban hành chính Kỳ (tức là Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ), hoặc Bộ Nội vụ. 15 ngày sau khi nhận được Giấy khai và Điều lệ, Ủy ban hành chính Kỳ sẽ phải chuyển cả hồ sơ và phát biểu ý kiến lên Bộ Nội vụ. Bộ trưởng Bộ Nội vụ xét hồ sơ và nếu cho phép hội thành lập sẽ ký Nghị định cho phép. Sau hạn 45 ngày kể từ hôm phát biên lai, nếu Bộ Nội vụ không trả lời ngăn cấm hội thành lập và hoạt động, thì hội sẽ coi như được thành lập (Điều 3, Điều 4).
Nguyên tắc bắt buộc là phải tôn trọng sự tự nguyện của hội viên: “Không hội viên nào có thể bị cưỡng bách ở trong hội. Tuỳ ý hội viên muốn xin ra bao giờ cũng được, dù hội lập ra có thời hạn nhất định mặc lòng, miễn là hội viên xin ra hội đã thanh toán các trái khoán đối với hội và đã báo trước một tuần lễ” (Điều 7).
Chỉ 2 tuần sau khi công bố sắc lệnh, ngày 6/5/1946 Bộ trưởng Bộ Nội vụ Huỳnh Thúc Kháng đã ký Nghị định cho phép Nghiệp đoàn khách sạn Việt Nam được thành lập. Đó là hiệp hội sớm nhất được thành lập theo quy định của sắc lệnh số 52 ngày 22/4/1946. Từ đó đến cuối năm 1946, trong vòng 6 tháng có tới 65 hội được thành lập, tính trung bình cứ 3 ngày có thêm 1 hội mới. Các hội tiêu biểu là: hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam (Nghị định thành lập ngày 5/7/1946, về sau đổi tên thành Mặt trận Tổ quốc Việt Nam), đảng Xã hội Việt Nam (30/7/1946), Liên đoàn Công giáo Việt Nam (6/8/1946), Liên đoàn Lao động trí thức thành phổ Đà Nằng (26/8/1946), Hội Công chức Bình Định (11/10/1946), hội Cựu đệ tứ Cứu thế Ái hữu ở Hàm Nghi, Thuận Hóa (được tiếp tục hoạt động), hội Kiến thiện Kiến An ở Hải Phòng (11/10/1946), hội Việt Nam học xá Nhân viên Ái hữu ở Hà Nội (30/8/1946), hội Từ Liêm Văn học Ái hữu làng Phú Mỹ, huyện Từ Liêm (11/10/1946), hội Văn miếu văn học hiệp hội ở Hà Nội (3/7/1946), hội Phụ nữ ca vũ tương tế có trụ sở ở biệt thự Thanh Hà làng Thổ Quan, Ô Chợ Dừa, Hà Nội (3/7/1946), đoàn Nữ hướng đạo Việt Nam trụ sở ở Hà Nội (11/10/1946), hội Hợp thiện ở 125 Phùng Hưng, Hà Nội (5/6/1946 được phép tiếp tục hoạt động), hội Việt – Mỹ thân hữu (5/6/1946 được phép tiếp tục hoạt động).
Quả thật các hội rất đa dạng, từ các hiệp hội nghề nghiệp, các tổ chức quần chúng, các tổ chức tôn giáo, văn học nghệ thuật, các tổ chức chính trị, các NGO và phần lớn là các tổ chức Ái hữu. Đây chính là các tổ chức XHDS, hình thành ở rất nhiều tỉnh thành trong cả nước. Cần nhấn mạnh rằng Đảng Xã hội VIệt Nam được thành lập theo Sắc lệnh số 52 quy định việc thành lập Hội (đảng dân chủ Việt Nam được thành lập từ năm 1944, trước sắc lệnh số 52). Như vậy Đảng cũng chỉ là một thứ hội mà thôi, không phải là một thứ gì thần thánh hóa cả. Suốt trong 6 tháng chỉ có một trường hợp Bộ Nội vụ bác đơn xin thành lập hội của “Quốc gia thanh niên đoàn” ngày 23/5/1946. Bác đơn như vậy cũng có Nghị định đàng hoàng, công khai. Trong tình thế rất khó khăn hiểm nghèo phải có lòng tin tuyệt đối vào nhân dân thì Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa mới có thể mạnh dạn phát huy tinh thần dân chủ của mọi tầng lớp nhân dân như vậy.
Trong khi đó hơn 10 năm nay Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam không thông qua được Luật lập hội, nghe nói đã có đến bản dự thảo lần thứ 14! Chẳng lẽ lại sợ XHDS, sợ dân đến như vậy sao? Thật vô lý, thật đáng buồn!
Cùng với việc tạo hành lang pháp lý cho nhân dân thực hiện quyền tự do lập hội, Chính phủ đầu tiên cũng tạo mọi điều kiện thuận lợi để nhân dân thực hiện quyền tự do ngôn luận.
Ngay từ tháng 9 năm 1945 Chính phủ đã công bố thể lệ mới về việc cho phép xuất bản báo chí. Chỉ trong vòng 3 tháng cuối năm 1945, Bộ Nội vụ do ông Võ Nguyên Giáp làm Bộ trưởng đã ký hàng loạt Nghị định cho phép xuất bản 87 tờ báo (hầu hết là báo tư nhân), báo hàng ngày và hàng tuần bằng tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Hoa. Như vậy trung bình cứ một ngày lại có thêm một tờ báo mới.
Có thể kể ra một số tờ báo tiêu biểu:
– Nhật báo Tự do của ông Trần Khánh Dư xuất bản tại Hà Nội theo Nghị định của Bộ trưởng Bộ Nội vụ ngày 8/10/1945.
– Tuần báo Văn mới của ông Trương Tửu (8/10/1945), Việt Nam hồn của ông Lê Văn Trương. Báo Dân quyền của ông Lê Văn Thanh.
-Tuần báo Ý Dân của ông Nguyễn Quang Cận (12/10/1945), Tuần báo Nói thẳng của ông Đoàn Phú Tứ (7/12/1945). Nhật báo Nói thật của ông Trịnh Văn Hoàng tại Nam Định (7/12/1945). Tuần báo Văn Hóa của ông Từ Giấy. Tuần báo Bạn gái của bà Nguyễn Thị Lý. Tuần báo Tòa sen của ông Trịnh Giai Ngân. Tờ Đa Minh bán nguyệt san của Nhà chung Bùi Chu, Nam Định (24/11/1945). Đội Cấn tuần báo của ông Nguyễn Nhật Thăng tại Thái Nguyên (22/10/1945). Quyết chiến tuần báo của ông Dương Thế Châu tại Phủ Lý (22/10/1945). Tuần báo Bạn quê của ông Hoàng Tiến Lộc tại Hải Dương (24/10/1945). Báo Dân chủ nhật báo của ông Đỗ Trọng Giang tại Hải Phòng (24/10/1945). Việt Mỹ tạp chí của bán nguyệt san tại Hà Nội (31/10/1945). Hanoi Tribune báo hàng ngày bằng tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Pháp của ông E.de Pollak (17/11/1945). Tờ La République và The Republic của ông Nguyễn Đình Thi (28/9/1945). Tờ L’Entente báo hàng ngày của ông Jean Saumont. Báo Nam Hoa báo hàng ngày bằng tiếng Việt và tiếng Hoa của ông Hồ D3ếnh.
Những số liệu trên đây chứng tỏ XHDS đã hình thành rõ rệt, tất nhiên dưới dạng sơ khai, chưa hoàn thiện, nhưng đã đóng vai trò thiết yếu trong buổi đầu xây dựng một nước Việt Nam dân chủ, tự do. Không có XHDS làm sao có dân chủ, tự do được?
Cuối năm 1946 kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Từ đó đến năm 1979 nước ta trải qua 3 cuộc chiến tranh ác liệt, chiến tranh chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ và chống bọn bành trướng bá quyền Bắc Kinh năm 1979. Chiến tranh kéo dài làm đảo lộn cuộc sống xã hội, hạn chế rất nhiều tự do, dân chủ của người dân. Năm 1950 Việt Nam mở cửa biên giới với Trung Quốc, chúng ta có thêm súng đạn, lương thực để chống thực dân, đồng thời cũng có cả chủ nghĩa Mao nữa. Các sách Bàn về mâu thuẫn, Bàn về thực tiễn là sách gối đầu giường của nhiều nhà lý luận triết học ở ta. Năm 1953 ta tiến hành cải cách ruộng đất, rồi hợp tác hóa nông nghiệp, cải tạo tư sản… Sau đó là các vụ Nhân văn giai phẩm, Chống xét lại, đã gây hận thù sâu sắc trong lòng dân tộc tại Việt Nam. XHDS cứ lịm dần, lịm dần… Đặc biệt sau chiến tranh, chuyên chính vô sản được xác lập trên phạm vi toàn quốc. Hiến pháp năm 1980 long trọng xác nhận điều đó, cùng với việc xác nhận vai trò độc quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Mô hình Xô Viết được xác lập. Điều 6 Hiến pháp Liên Xô được sửa đổi thành Điều 4 Hiến pháp Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Giờ đây khái niệm “Chuyên chính vô sản” ghê sợ không được sử dụng nữa mà thay bằng “Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa”. Nhưng điều đó không thay đổi gì về bản chất, cơ chế chung “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ” được Tổng bí thư Lê Duẩn định nghĩa là “chuyên chính vô sản ở Việt Nam” vẫn giữ nguyên trong Hiến pháp 1992 và Hiến pháp sửa đổi năm 2013. Do vậy nhà nước pháp quyền XHCN chỉ là biến thái của chuyên chính vô sản mà thôi. Trong quá trình phát triển đó XHDS bị xóa bỏ, để nhường chỗ cho xã hội toàn trị (totalitarian society).
Từ đầu thập niên 90, cùng với quá trình dân chủ hóa đất nước, XHDS từng bước được phục hồi. Nhiều nhà nghiên cứu phân tích quá trình dân chủ hóa trên thế giới đã rút ra kết luận là: quá trình dân chủ hóa ở tất cả các nước đều gắn liền với sự hình thành và phát triển của XHDS. Không như vậy, quá trình dân chủ hóa sẽ không có nội dung xác thực. Dân chủ hóa về thực chất là chuyển quyền lực chính trị trong tay Nhà nước sang tay nhân dân. Nhân dân phải trở thành chủ thể của quyền lực Nhà nước. Đấy chính là Nhà nước pháp quyền đích thực, Nhà nước của dân, do dân và vì dân, hay như Hiến pháp dân chủ năm 1946 ghi rõ: “tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam”. Chính vì vậy chúng tôi nhiều lần khẳng định: “XHDS, nhà nước pháp quyền và dân chủ là không thể tách rời”. Điều đó đòi hỏi phải cải cách chính trị, chuyển đổi thể chế chính trị của nước ta từ toàn trị sang dân chủ một cách ôn hòa.
Xã hội toàn trị là đối lập với XHDS. Khái niệm này chỉ những xã hội thực hiện một sự kiểm soát hoàn toàn đối với toàn bộ đời sống xã hội nói chung và đời sống mỗi con người nói riêng. Hannah Arendt dùng khái niệm này để khái quát các chế độ có bản chất và đặc trưng giống nhau, dựa trên sự thống trị tuyệt đối của Nhà nước đối với các công dân trong tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội. Những nét chủ yếu của xã hội toàn trị là:
– Lấy một hệ tư tưởng đặc biệt làm nền tảng cho sự tồn tại của chế độ và hợp pháp hóa quyền tồn tại của nó, toàn thể nhân dân bắt buộc phải coi hệ tư tưởng đó là hệ tư tưởng thống trị toàn xã hội.
– Đặt lợi ích và các quyền tự do của cá nhân phục tùng tuyệt đối lợi ích xã hội, do Nhà nước đại diện.
– Quyền lực chính trị nằm trong tay một đảng duy nhất, đảng cầm quyền và Nhà nước hòa thành một thể thống nhất.
– Xã hội bị Nhà nước hóa triệt để, xã hội dân sự bị xóa bỏ, đặc biệt là cấm các đảng chính trị khác và tất cả các tổ chức xã hội không thuộc quyền lãnh đạo của Đảng cầm quyền.
– Vai trò của pháp luật bị giảm sút, Nhà nước có quyền quyết định mọi cái mà không bị kiểm soát,hoặc hạn chế bởi luật pháp, không có tam quyền phân lập để hạn chế sự lạm quyền, nhà nước pháp quyền bị xóa bỏ.
– Thực hiện độc quyền ngôn luận và thông tin; mọi phương tiện thông tin và báo chí đặt dưới sự kiểm soát chặt chẽ của bộ máy Đảng và Nhà nước.
– Lấy bạo lực làm phương tiện hàng đầu của sự thống trị; sử dụng khủng bố chính trị như một công cụ chính trị đối nội.
Trái ngược với xã hội toàn trị là xã hội dân sự. Có vô vàn định nghĩa khác nhau về xã hội dân sự. Nhưng theo tôi, định nghĩa của học giả Nguyễn Khắc Viện và Nguyễn Kiến Giang trong cuốn Từ điển Xã hội học năm 1994 đã làm nổi bật được cái cốt lõi của xã hội dân sự (được gọi là xã hội công dân). Đó là xã hội trong đó người dân là chủ thể của xã hội và do đó cũng là chủ thể của nhà nước, Nhà nước phục tùng lợi ích của công dân, mà không phải ngược lại.
Định nghĩa này quán triệt được quan niệm mà K. Marx đã nêu ra trong Góp phần phê phán triết học pháp quyền của Hegel về mối quan hệ giữa xã hội dân sự với Nhà nước: “Nhà nước chính trị không thể tồn tại nếu không có cơ sở tự nhiên là gia đình và cơ sở nhân tạo là xã hội dân sự. Chúng là conditio since qua non (điều kiện cần thiết) của Nhà nước. Nhưng (ở Hegel) điều kiện biến thành cái chịu điều kiện, cái quy định biến thành cái bị quy định, cái sản sinh biến thành sản phẩm của sản phẩm của nó”. Như vậy “Mối quan hệ thật sự ở đây đã đặt lộn ngược. Ở đây điều giản đơn nhất được miêu tả thành rối rắm nhất; còn điều rối rắm nhất lại được miêu tả thành điều giản đơn nhất, cái phải là điểm xuất phát thì trở thành kết quả thần bí, còn cái lẽ ra phải có tư cách là kết quả hợp lý thì lại trở thành điểm xuất phát thần bí”.
Trên đây là K.Marx phê phán quan điểm của Hegel. Rất tiếc rằng, ngày nay một số người tự nhận là theo chủ nghĩa Marx, nhưng lại tuyệt đối hóa vai trò của Nhà nước, biến Nhà nước thành chủ thể, còn công dân chỉ biết phục tùng Nhà nước chuyên chế. Thật ta, trong mọi xã hội đều có hai cực: Công dân và Nhà nước. Ngay cả trong xã hội dân sự, cũng không thể không có Nhà nước đứng ra điều khiển và quản lý các công việc xã hội, nhưng tất cả những điều đó đều nhằm thực hiện đầy đủ các quyền của công dân, các quyền của con người, trong khi đòi hỏi các công dân thực hiện những nghĩa vụ của mình với nhà nước, cũng tức là đối với toàn xã hội. Vai trò của Nhà nước trong xã hội dân sự khác về nguyên tắc trong xã hội cực quyền, ở đó lợi ích và quyền của con người bị đặt xuống dưới và hy sinh cho lợi ích và các quyền của nhà nước chuyên chính.
Xã hội dân sự là một thành tựu to lớn của sự phát triển lịch sử của loài người. Xã hội dân sự là một cơ thể phát triển không ngừng và hoàn thiện không ngừng. Những yếu tố cấu thành của xã hội ấy là: Sở hữu của các công dân với tư cách cá nhân, các quyền tự nhiên của con người và các quyền tự do cá nhân của công dân, chế độ dân chủ về mặt chính trị và nhà nước pháp quyền. Bản thân các yếu tố ấy cũng không ngừng phát triển và hoàn thiện, cùng với sự phát triển và hoàn thiện của toàn bộ hệ thống xã hội dân sự.
Ngày nay, trong quá trình dân chủ hóa, ngày càng nhiều người nhận thức sâu sắc rằng chỉ có thể xây dựng chế độ dân chủ trên cơ sở xã hội dân sự. Chừng nào xã hội dân sự chưa vững vàng thì chừng đó dân chủ vẫn chưa được bảo đảm. Ngược lại, dân chủ hóa là một trong những động lực chính để xây dựng xã hội dân sự.
Việc chuyển từ xã hội cực quyền sang xã hội dân sự ở nước ta gặp rất nhiều khó khăn, phức tạp. Nhưng đây là quá trình tất yếu không thể đảo ngược được.
Hà Nội, ngày 24 tháng 9 năm 2017