Tại bài viết số trước, chúng tôi đã phân tích những luận điểm thuyết
phục về vụ việc Mobifone mua đài truyền hình tư nhân AVG đã hội tụ đủ
những yếu tố của một vụ đại án: dùng tiền Nhà nước đi mua tài sản của tư
nhân, việc mua bán có nhiều dấu hiệu rất bất minh, cố tình nâng khống
giá trị ở mức rất cao để rút tiền nhà nước, thủ đoạn rửa tiền tham nhũng
rất tinh vi, số tiền tham nhũng ở mức rất lớn.
Ở bài viết này, chúng tôi sẽ tập trung phân tích và tổng kết những sai
phạm lớn của Lê Nam Trà trong vụ việc để chứng minh: đã quá đủ điều kiện
để Thanh tra Chính phủ “chuyển cơ quan điều tra để xử lý nghiêm theo
quy định của pháp luật” như tinh thần chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư
và Phó Thủ tướng Thường trực vào cuối tháng 7 và đầu tháng 8 năm nay.
Đối với một vụ việc lớn và có các sai phạm rõ ràng như vụ AVG (AVG thua
lỗ gần hết vốn và bị rút ruột quá lớn, việc đánh giá tài sản AVG bị bỏ
qua những vấn đề quan trọng, đưa ra những dự báo cao vống để đẩy giá trị
doanh nghiệp của AVG lên cao) thì rất dễ dàng để Thanh tra Chính phủ
tìm ra những sai phạm và chuyển cho cơ quan công an xử lý chỉ trong vòng
30 ngày thanh tra đầu tiên.
Các cán bộ của Thanh tra Chính phủ tham gia việc thanh tra toàn diện vụ
MobiFone mua AVG chắc hẳn phải là những cán bộ có chuyên môn rất vững.
Tuy vậy, không hiểu vì những lý do gì (do Lê Nam Trà lo lót với số tiền
gần 200 tỷ đồng hay do sức ép của một số quan chức cấp cao liên quan ở
một vài Bộ…) mà đoàn cán bộ Thanh tra Chính phủ sau gần 50 ngày làm việc
vẫn loay hoay và không tìm ra sai phạm gì mặc dù “con voi tham nhũng
đang nằm chềnh ềnh ở giữa phòng”.
Hiện nay, việc thanh tra toàn diện Mobifone mua AVG đang đi vào những
ngày cuối cùng (việc thanh tra toàn diện bắt đầu từ ngày 6/9 và kéo dài
trong 50 ngày làm việc), bản dự thảo kết luận thanh tra vụ việc đang
được viết những dòng cuối cùng theo hướng “không có sai phạm, đúng quy
trình, giá đã được xác định kỹ lưỡng, có hiệu quả” để báo cáo lên Thủ
tướng và sau đó là Tổng Bí thư (trong tháng 11). Nếu kết luận được đoàn
Thanh tra Chính phủ viết chốt theo hướng nói trên thì quả thật đoàn cán
bộ thanh tra này đã làm mất uy tín và danh dự của toàn thể đội ngũ Thanh
tra Chính phủ qua các giai đoạn, phụ lòng tin tưởng ủy thác giao nhiệm
vụ của Bộ Chính trị, Tổng Bí thư, Thường trực Ban Bí thư, Thủ tướng, Phó
Thủ tướng Thường trực cùng nhân dân cả nước.
1. Sáu sai phạm lớn trong vụ đại án tham nhũng:
Tại thời điểm Mobifone ký mua AVG (tháng 12/2015), công ty AVG đã thua
lỗ hơn 50% vốn điều lệ, số lượng thuê bao truyền hình ít ỏi, chỉ 500
nghìn thuê bao thực, chiếm 5% thị phần thuê bao truyền hình trả tiền.
Đặc biệt, tổng tài sản của AVG vào khoảng 3.000 tỷ, trong đó: tài sản cố
định của phần truyền hình chỉ khoảng 800 tỷ đồng, hơn 2.000 tỷ đồng còn
lại là khoản đầu tư dài hạn của AVG tại hai công ty con làm resort và
khai khoáng. Trước khi bán AVG cho Mobifone, Phạm Nhật Vũ đã chỉ đạo
dùng tiền của AVG mua cổ phần của hai công ty con này với mức giá trị
mua gấp trên 10 lần mệnh giá, trong khi cả hai công ty con này đều đang
thua lỗ rất lớn.
Sau đây là sáu sai phạm lớn của Lê Nam Trà trong vụ đại án tham nhũng
Mobifone mua AVG, thể hiện rõ các dấu hiệu “cố ý làm trái, gây hậu quả
nghiêm trọng”:
Sai phạm thứ nhất của Lê Nam Trà là đã cố tình tham mưu sai cho Bộ Thông
tin Truyền thông để Bộ Thông tin Truyền thông đóng dấu “mật” lên hồ sơ
dự án Mobifone mua AVG (trong khi đây là dự án bỏ tiền nhà nước mua tài
sản tư nhân, đài truyền hình AVG không phải là công trình an ninh-quốc
phòng), vi phạm quy định công bố thông tin của doanh nghiệp nhà nước đã
nêu tại Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh
doanh tại doanh nghiệp.
Sai phạm thứ hai là Lê Nam Trà đã cố tình bỏ qua việc xác định kỹ giá
trị thực của khoản đầu tư 2.000 tỷ đồng của AVG vào hai công ty con,
trong khi hai công ty con này đang làm ăn thua lỗ trầm trọng. Hiện nay,
giá trị cổ phiếu của các công ty khai khoáng và resort trên Sàn giao
dịch chứng khoán Hà Nội có giá trị không quá 2 “chấm” (đó là giá cổ
phiếu của những công ty resort và khai khoáng làm ăn có lãi). Như vậy,
đối với những người có đôi chút hiểu biết, thì giá trị thực của khoản
đầu tư dài hạn của AVG vào hai công ty con sẽ chỉ không quá 400 tỷ đồng
và giá trị thua lỗ của khoản đầu tư này luôn vào khoảng 1.600 tỷ đồng.
Đây cũng là thủ đoạn “rút ruột” tinh vi của Phạm Nhật Vũ trước khi bán
AVG cho Mobifone.
Sai phạm thứ ba của Lê Nam Trà là chỉ đạo một số cá nhân tại Mobifone
“nặn” và cung cấp số liệu dự báo phát triển thuê bao truyền hình ở mức
rất cao (mà không hế có sở cứ chắc chắn nào) trong 10 năm tới cho 4 công
ty tài chính để định giá AVG, dẫn đến việc các công ty tài chính này đã
định giá AVG từ mức khoảng 20.000 tỷ đồng cho đến mức khoảng 30.000 tỷ
đồng. Bây giờ, nếu giảm các số liệu dự báo xuống còn 50% và yêu cầu
Mobifone phản biện là mức dự báo mới (giảm còn 50%) là không hợp lý ở
những điểm nào thì Mobifone cũng không thể phản biện thuyết phục được.
Chính vì các số liệu dự báo phát triển thuê bao truyền hình đã bị Lê Nam
Trà “nắn” lên mức rất cao đã dẫn đến việc các công ty tài chính đã đưa
ra mức xác định giá trị doanh nghiệp của AVG ở mức khủng (trong thực tế,
giá trị AVG do các công ty tài chính đưa ra cũng chỉ để Mobifone tham
khảo trong quá trình đàm phán và quyết định mua AVG).
Sai phạm thứ tư của Lê Nam Trà là đã ký hợp đồng với Phạm Nhật Vũ và chỉ
đạo Mobifone bỏ ra số tiền tương đương 60% vốn điều lệ để mua AVG với
giá trị rất cao (cao gấp khoảng 15 lần so với giá trị tài sản cố định
của mảng truyền hình) trong khi AVG làm ăn thua lỗ lớn và đã gần mất hết
vốn. Tại báo cáo tài chính năm 2015 của AVG, giá trị tài sản cố định
của mảng truyền hình của AVG vào khoảng 800 tỷ đồng và Mobifone đã phải
bỏ ra số tiền 8.900 tỷ đồng để mua 95% cổ phần của AVG. Ở một trường hợp
khác, trong quý 3 năm 2015, công ty chứng khoán Bản Việt đã định giá
Mobifone ở mức giá 45.000 tỷ đồng (cao gấp khoảng 3 lần so với giá trị
tài sản cố định của Mobifone). Mobifone có 30 triệu thuê bao di động,
doanh thu 35.000 tỷ đồng/năm, lợi nhuận/vốn chủ sở hữu luôn trên mức
50%. AVG có 700.000 thuê bao truyền hình, doanh thu xấp xỉ 1.000 tỷ
đồng/năm, đã lỗ quá nửa vốn điều lệ (và đã bị Phạm Nhật Vũ “rút ruột”
toàn bộ số vốn còn lại). Mobifone bị định giá cao gấp 3 lần giá trị tài
sản cố định (toàn bộ tài sản này phục vụ cho mảng di động), còn AVG được
định giá cao gấp 15 lần tài sản cố định (của mảng truyền hình thuộc
AVG). Như vậy, ai đã “bán rất cao” cho Nhà nước và ai muốn “mua rất
thấp” từ Nhà nước thì chúng ta sẽ tự nhận ra.
Sai phạm thứ năm của Lê Nam Trà là đã vội vã xóa thương hiệu AVG vào
ngày 1/7/2016 (trong khi giá trị thương hiệu AVG chiếm đến trên 70% giá
trị định giá của AVG). Việc thay đổi thương hiệu dịch vụ truyền hình từ
AVG thành MobiTV đã dẫn đến việc tổn thất trên 5.000 tỷ đồng (trong giá
trị doanh nghiệp của AVG khi được định giá).
Sai phạm thứ sáu của Lê Nam Trà là đã chỉ đạo việc chuyển doanh thu
nhiều dịch vụ giá trị gia tăng sang AVG (với mức chia cho AVG cao hơn
10% đến 15% so với thông lệ) dẫn đến việc gây thiệt lại hàng trăm tỷ
đồng lợi nhuận của Mobifone (tức là của Nhà nước), sau đó, lại còn báo
cáo sai sự thật về hiệu quả mảng truyền hình của AVG. Lê Nam Trà tuyên
bố AVG có lãi từ tháng 6/2016 là tuyên bố láo vì nhiều người biết AVG sẽ
lỗ ít nhất 100 tỷ đồng trong năm 2016 nếu bóc tách toàn bộ các hoạt
động bù doanh thu và chuyển giá của Mobifone sang AVG.
2. Ước tính số tiền thiệt hại của Nhà nước trong vụ đại án tham nhũng:
Như đã tính toán, AVG đã bị thua lỗ và bị rút ruột gần hết vốn, lại được
Mobifone mua với mức giá cao gấp 15 lần giá trị tài sản cố định (của
mảng truyền hình) là điều hết sức bất bình thường. Với một công ty làm
ăn bết bát như vậy, các băng tần 700 MHz lại phải trả lại cho Nhà nước
vào năm 2017 (như quy định của pháp luật) thì giá trị doanh nghiệp của
AVG không quá 3.000 tỷ đồng ở thời điểm năm 2015. Như vậy, Mobifone và
Nhà nước đã bị thất thoát khoảng 6.000 tỷ đồng từ vụ mua bán này.
Ngoài ra, để có đủ tiền mua AVG, Mobifone phải đi vay thêm ngân hàng.
Như vậy, do việc này, mỗi năm, lợi nhuận của Mobifone cũng giảm đi ít
nhất là 500 tỷ đồng và khoản nộp ngân sách Nhà nước của Mobifone cũng
giảm đi vài trăm tỷ đồng/năm. Chỉ cần quan sát bảng số liệu chỉ tiêu
kinh doanh của Mobifone trong năm 2015 và năm 2016 (do Bộ Thông tin
Truyền thông giao) thì chúng ta sẽ dễ dàng nhận ra sự thay đổi giảm về
chỉ tiêu lợi nhuận, chỉ tiêu nộp ngân sách Nhà nước của Mobifone trong
năm 2016 (so với năm 2015), đây chính là do tác động của vụ mua AVG!
3. Kết luận:
Trong ngành viễn thông Việt Nam, Lê Nam Trà đang được nhiều người đặt
cho biệt danh “kẻ đốt đền”. Biệt danh này kể ra cũng rất chính xác vì
chỉ trong 6 tháng đầu năm 2016 thì Lê Nam Trà đã chuyển gọn 8.500 tỷ
đồng tiền của Nhà nước cho Phạm Nhật Vũ (như vậy, đã rút ruột Nhà nước
ít nhất 6.000 tỷ đồng và đã đốt sạch toàn bộ số lãi tích cóp của
Mobifone trong hơn 20 năm qua).
Với sáu sai phạm rõ ràng như vậy, Thanh tra Chính phủ không thể để vụ
đại án này chìm xuồng mà phải chuyển gấp hồ sơ vụ AVG cho C45! Thanh tra
Chính phủ không thể coi thường các chỉ đạo của Tổng Bí thư, Thường trực
Ban Bí thư, Thủ tướng, Phó Thủ tướng thường trực như vậy được (các chỉ
đạo đã nêu rõ “nếu có dấu hiệu sai phạm thì chuyển cơ quan điều tra để
xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật”).
Ngoài ra, đề nghị Bộ Công An áp dụng ngay biện pháp giám sát và cấm xuất
cảnh đối với Lê Nam Trà và Phạm Nhật Vũ để phục vụ công tác điều tra
sắp tới (tránh tình trạng các đối tượng bỏ trốn như Trịnh Xuân Thanh, Vũ
Đình Duy).
Hai chỉ đạo của Bộ Chính trị và Tổng Bí thư về vụ Trịnh Xuân Thanh và
Mobifone mua AVG nhất định phải được làm quyết liệt, làm đến cùng, không
có vùng cấm để tiếp tục mang lại niềm tin cho nhân dân về chiến dịch
chống tham nhũng của Đảng và Chính phủ, mang lại niềm tin của nhân dân
vào sự lãnh đạo của Đảng!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét