Một trí thức Việt Nam tại Hà Nội, Phó Giáo sư, Tiến Sĩ Mạc Văn Trang, vào sáng ngày 26/10 tuyên bố ra khỏi đảng Cộng sản Việt Nam sau khi Ủy ban kiểm tra Trung ương đảng hôm 25/10 xem xét kỷ luật Giáo Sư Chu Hảo, Giám Đốc- Tổng Biên Tập Nhà Xuất Bản Tri Thức và nguyên thứ trưởng Bộ Khoa học- Công Nghệ và Môi trường.
Phó GS-Tiến Sĩ Mạc Văn Trang là người từng có hơn 30 năm công tác ở Viện Khoa học Giáo dục trước khi về hưu vào năm 2002 và đã có hơn 54 năm tuổi đảng.
Nói với Đài Á Châu Tự Do qua điện thoại vào ngày 26/10, Tiến sĩ Mạc Văn Trang cho biết nguyên nhân cụ thể của quyết định bỏ đảng như sau:
“Thực ra từ năm 2000, tôi đã thấy lý tưởng lúc vào đảng là đấu tranh cho đất nước được độc lập- tự do, người dân hạnh phúc; thế nhưng đến năm 2000 thì đảng đi ngược lại lý tưởng đó. Giặc chiếm đảo, biên giới thì không lên tiếng mà nhượng bộ giặc cụ thể là Trung Quốc. Đối với dân thì đàn áp những người đấu tranh đòi quyền sống, đàn áp những người dân phản đối Trung Quốc xâm lược, phản đối môi trường bị ô nhiễm … Các trí thức nhiệt tình góp ý kiến, trong đó có tôi, thì không nghe. Nhiều người lên tiếng phản đối thì thậm chí còn bị bắt đi tù.”
Đến năm 2000 thì đảng đi ngược lại lý tưởng đó. Giặc chiếm đảo, biên giới thì không lên tiếng mà nhượng bộ giặc cụ thể là Trung Quốc. Đối với dân thì đàn áp những người đấu tranh đòi quyền sống, đàn áp những người dân phản đối Trung Quốc xâm lược, phản đối môi trường bị ô nhiễm … - TS. Mạc Văn TrangGiáo sư Chu Hảo bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương đảng đề nghị kỷ luật với lý do là ông đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, tự diễn biến, tự chuyển hóa.
Kết luận của Ủy ban cho rằng nhà xuất bản Tri Thức của Giáo sư Chu Hảo đã xuất bản những cuốn sách trái với chủ trương, đường lối của đảng và nhà nước, vi phạm luật xuất bản.
Trong cuộc phỏng vấn với Đài Á Châu Tự Do, Phó Giáo sư- Tiến Sĩ Mạc Văn Trang nhắc lại mong mỏi của những người góp ý với đảng là cần phải thay đổi xã hội; không thể cứ tiếp tục đường lối học thuyết cộng sản, độc đảng- toàn trị. Phải thay đổi theo hướng đa đảng có cạnh tranh, tam quyền phân lập, xã hội dân sự để cho nhân dân được lên tiếng; thay đổi đường lối- chủ trương sai lầm để quản lý đất nước, kiểm soát quyền lực.
Phó giáo sư Mạc Văn Trang cho biết còn nhiều đảng viên khác cũng có cùng trăn trở với ông là nên ở lại hay ra khỏi đảng. Dù ở lại hay ra khỏi đảng đều cũng vì lo cho dân.
Hành động ra khỏi đảng của ông hiện nay được nói nhằm để hỗ trợ cho Giáo sư Chu Hảo để vị này không thấy bị đơn độc trong công cuộc đấu tranh cho sự phát triển đất nước.
Ngay sau quyết định của Tiến sĩ Mạc Văn Trang, nhà văn Nguyên Ngọc, một trí thức nổi tiếng khác ở Việt Nam, vào cùng ngày cũng tuyên bố ra khỏi đảng.
“Tôi đã suy nghĩ và định làm việc này từ lâu, nhưng muốn làm một cách bình thường, không gây ồn ào. Nay sau việc Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng kỷ luật PGS. TS Chu Hảo, tôi quyết định ra tuyên bố này, chính thức từ bỏ Đảng Cộng sản Việt Nam kể từ hôm nay”, nhà văn Nguyên Ngọc viết như vậy trên trang facebook cá nhân.
Từ nhiều năm qua, tôi nhận thấy Đảng ngày càng xa rời lý tưởng ban đầu của mình, tự diễn biến thành một tổ chức chuyên quyền, phản dân hại nước - Nhà văn Nguyên NgọcĐánh giá về việc kỷ luật Giáo sư Chu Hảo, nhà văn Nguyên Ngọc viết: “Kỷ luật ông Chu Hảo thực chất là một hành động thực hiện chính sách ngu dân, kìm hãm nhân dân trong vòng tăm tối, để dễ lừa dối và đàn áp, vì quyền lợi ích kỷ của một đảng độc tài”.
Nhà văn Nguyên Ngọc cho biết ông đã vào đảng từ năm 1956, đến nay là được 62 năm. Ông viết rằng ông vào đảng vì hăng hái tham gia sự nghiệp giải phóng dân tộc. Thế nhưng “từ nhiều năm qua, tôi nhận thấy Đảng ngày càng xa rời lý tưởng ban đầu của mình, tự diễn biến thành một tổ chức chuyên quyền, phản dân hại nước”, nhà văn Nguyên Ngọc viết.
Trước đó, ngay vào ngày 25/10, sau khi có tin Giáo sư Chu Hảo bị kỷ luật, một trí thức khác là Tiến sĩ Hoàng Dũng nói với đài Á Châu Tự Do rằng việc kỷ luật Giáo sư Chu Hảo là một tuyên chiến đối với giới trí thức Việt Nam. Ông cũng cho biết, đã có một số trí thức lên tiếng phản đối với ông ngay sau quyết định này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét