Anh M cho rằng những người
lên chiếc container đã quá vội vàng và chưa có kinh nghiệm. Bởi những
người có kinh nghiệm chỉ cần mở thùng xe là họ sẽ không bao giờ bước
lên.
Tính đến thời điểm ngày 31/10, đã có 33 trường hợp ở các tỉnh Nghệ An (21), Hà Tĩnh (10, Quảng Bình (1) và Thừa Thiên Huế (1) trình báo đến chính quyền địa phương về việc người thân của họ mất tích khi sang Anh lao động. Các trường hợp này đều mất liên lạc cùng một thời điểm ngày 22 và 23/10.
Đừng vì sốt ruột mà đánh đổi tính mạng
Những người từng đến Anh làm việc, hiện
đã trở về Việt Nam cho rằng đây là sự việc vô cùng đau đớn và đáng tiếc.
Nguyên nhân là do những người lao động không có kinh nghiệm, bởi sự
việc hoàn toàn có thể phòng tránh được.
Anh Trần Mạnh (*), 40 tuổi, ở Thọ
Thành (Yên Thành, Nghệ An) người vừa trở về sau 10 năm làm việc ở Anh
Quốc cho biết sự việc 39 người tử vong trong thùng container đông lạnh
không phải là lần đầu tiên xảy ra. Trước đó, năm 2000 cũng từng có vụ
khiến 58 người tử vong, năm 2015 có 7 người tử vong và năm 2016 cũng có.
Anh M cho rằng việc người lao động lên xe đông lạnh là tự mình tìm đến cửa tử.
Chính vì thế, việc người lao động vì sốt
ruột mà leo lên container đông lạnh, cũng đồng nghĩa với việc đi vào
“tử huyệt” chết người. “Năm 2008, khi sang Anh, tôi cũng được dẫn ra
container đông lạnh. Tôi đã tìm hiểu kỹ từ trước nên khi thấy khói từ
thùng phả hơi ra ngoài tôi đã từ chối lên xe”, anh M chia sẻ.
Cuối cùng để sang được Anh, anh M phải đi theo một chiếc xe bạt và giá phải trả là vài nghìn bảng Anh. “Khi
lên xe bạt, chúng tôi phải tính thời gian chỉ khoảng 8 phút là xe tới
phà. Nếu quá 8 phút xe chưa lên phà là có vấn đề, khi đó chúng tôi sẽ
đập xe để xuống hoặc dùng vật sắc rạch bạt để ra khỏi xe. Nhưng nếu lên
container đông lạnh thì sẽ không bao giờ thoát ra được”, anh M cho biết.
Ngoài ra, còn nhiều cách khác như ngồi
vào cabin hoặc cốp xe để qua phà sang Anh, cũng có người nằm dưới gầm xe
tải… Dù đi bằng cách nào đi chăng nữa thì việc bước lên thùng xe đông
lạnh là nguy hiểm nhất.
So với các nước châu Âu khác, việc được
sang Anh làm việc là mơ ước của bất cứ lao động nào. Chính vì thế cái
giá sang Anh cũng không hề dễ. Giá để sang Anh tùy thuộc vào việc lựa
chọn con đường, có người chỉ mất khoảng 15.000 bảng Anh (khoảng 424
triệu đồng), nhưng cũng có người mất đến gần 30.000 bảng (khoảng 848
triệu đồng).
Hiện nhiều gia đình đã báo lên chính quyền địa phương về việc không liên lạc được với người thân ở bên Anh.
Theo anh M, biết tiếng Anh và có
người thân ở Anh là một lợi thế rất lớn khi tới đất nước này để lao
động. Bởi như anh cách đây 10 năm trước, khi sang Anh chưa biết tiếng,
không có người thân, việc làm quen sẽ rất khó khăn. Thậm chí chuyện bị
lừa đảo, bóc lột xảy ra như cơm bữa bởi bản thân mình là người nhập cư
trái phép.
Nail (làm móng) là công việc được nhiều
người Việt Nam lựa chọn nhất ở Anh. Ngoài ra, mọi người có thể chọn một
số công việc khác như xây dựng, làm phục vụ quán ăn hoặc thậm chí là
trồng cỏ…
“Tôi sang đó cũng làm rất nhiều nghề
khác nhau, thấy việc gì phù hợp là mình làm thôi. Bình quân mỗi tuần
kiếm được 600 đến 700 bảng (khoảng 21 triệu). 1 tháng cũng được khoảng
80 triệu tiền Việt. Tuy nhiên, chi phí sinh hoạt mỗi tháng cũng hết
khoảng 30 triệu đồng”, anh M chia sẻ.
Nhiều địa phương ở Nghệ An giàu lên nhờ đi xuất khẩu lao động.
Những người nhập cư trái phép có về nước được không?
Anh M cho biết hiện nay có hàng ngàn
người Việt Nam nhập cư trái phép đang làm việc tại Anh. Tính riêng làng
anh M cũng có khoảng 50 người đang làm việc tại đất nước này.
Sở dĩ nhiều người nhập cư vào Anh là vì
kinh tế ở đây rất ổn định. “Năm 2008, tôi ở Séc và Đức đều không có việc
làm. Thu nhập không đủ trả nợ nhưng sang Anh lại khác, họ không bị ảnh
hưởng quá lớn bởi biến động kinh tế thế giới. Đó cũng là lý do nhiều
người quyết bằng mọi giá đi Anh”, anh M nói.
Ngoài ra, một số chị em phụ nữ nếu sinh
con tại Anh thì sẽ được chính quyền nơi đây bảo hộ. Đang từ người bất
hợp pháp sẽ trở thành hợp pháp và được nhập trợ cấp hàng tháng để nuôi
con đến khi 18 tuổi.
“Nhìn chung kể cả là người nhập cư bất
hợp pháp, nếu không vi phạm pháp luật của họ như đánh nhau, trộm cắp,
uống rượu thì không bao giờ cảnh sát hỏi. Bởi vậy mọi người cũng yên tâm
làm việc hơn”, anh M nói.
Còn đối với những người muốn hồi hương
thì cần phải làm hộ chiếu mới đi được. “Khi muốn về nước thì điều kiện
để làm hộ chiếu đó là phải có người bảo lãnh, phải mượn được nhà và địa
chỉ cụ thể. Sau đó đưa ra cơ quan chức năng để làm thủ tục, như vậy sẽ
về được nước. Chính vì thế, việc kết nối cộng đồng người Việt ở đó là vô
cùng quan trọng”, anh M chia sẻ.
Cuối cùng, người đàn ông này chia sẻ
nhập cư trái phép vào một đất nước là vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, cũng
chỉ vì bất đắc dĩ và vì cuộc sống khó khăn nên nhiều người chấp nhận
đánh đổi. Anh M chia sẻ: “Nếu không đi Anh chẳng biết bao giờ tôi xây
được nhà và mua được ô tô. Cũng như có đủ kinh tế để nuôi vợ và 5 con”.
* Tên nhân vật đã được thay đổi
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét