Ít người biết được động cơ thực sự đằng sau sự ô nhiễm khiến hành tinh nóng lên: đó là hàng chục những công ty nhà nước khổng lồ của Trung Quốc.
Hàng trăm nguyên nhân ẩn giấu tại Trung Quốc
Ngăn chặn phát thải khí nhà kính của Trung Quốc là điều cần làm nhất để quyết định số phận của hành tinh. Cho đến nay, Trung Quốc là nguồn phát thải mới lớn nhất. Nhưng ít người biết được động cơ thực
sự đằng sau sự ô nhiễm khiến hành tinh nóng lên: đó là hàng chục những công ty nhà nước khổng lồ.Theo một nghiên cứu của Rhodium Group, năm 2019, những công ty của Trung Quốc thải ra khí nhà kính nhiều hơn mọi quốc gia phát triển khác cộng lại. Để đạt được cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2060 của Chủ tịch Tập Cận Bình, những công ty này cần từ bỏ năng lượng bẩn, sử dụng những công nghệ mới và thay đổi cách vận hành.
Để dự liệu những mục tiêu phía trước của Trung Quốc, CREA, nhóm nghiên cứu môi trường có trụ sở tại Phần Lan, tập trung vào những nguồn phát thải lớn nhất của những ngành ô nhiễm nhất Trung Quốc. Tất cả những đánh giá bao gồm phát thải từ hoạt động của công ty và sử dụng điện. CREA bổ sung cả những ước tính trong các lĩnh vực mà lượng khí nhà kính đáng kể được tạo ra dọc theo chuỗi cung ứng.
SAIC Motor Corp., là công ty thiết kế và sản xuất ô tô nhà nước Trung Quốc. Công ty có trụ sở tại Thượng Hải và hoạt động tại nhiều quốc gia. Lượng khí thải carbon của công ty này (158 triệu tấn CO2) bằng với lượng khí thải của Argentina và nhiều hơn lượng khí thải của Bangladesh.
Tập đoàn thép Baowu của Trung Quốc thải ra 211 triệu tấn CO2, nhiều hơn lượng khí thải của cả Bỉ và Áo cộng lại. Lượng khí thải này tương đương với lượng CO2 từ việc sạc 9,8 nghìn tỷ chiếc điện thoại thông minh và tương đương với lượng khí hấp thụ của 1 tỷ cây xanh phát triển trong một thập kỷ.
Tập đoàn Huaneng của Trung Quốc thải ra 317 triệu tấn CO2, tương đương với lượng khí thải của cả Vương quốc Anh. Trong khi đó, Tập đoàn Hóa chất và Dầu khí Trung Quốc thải ra 733 triệu tấn carbon, tương đương với lượng khí thải của Tây Ban Nha và Canada cộng lại. Công ty CP TNHH Dầu khí Trung Quốc có lượng khí thải lớn hơn cả với 881 triệu tấn CO2, nhiều hơn lượng khí thải của Việt Nam và Hàn Quốc cộng lại.
Trung Quốc cho biết nước này sẽ sớm công bố lộ trình cụ thể để đạt tới đỉnh điểm phát thải vào cuối thập kỷ. Trong khi đó, các cơ quan nhà nước và các công ty công đã thông báo kế hoạch xây dựng năng lượng sạch và lưu trữ năng lượng nhanh hơn so với mục tiêu chính thức đề ra. Tuy nhiên, Trung Quốc sẽ không hứa hẹn giảm sử dụng than cho đến năm 2026 và đang thúc đẩy sản lượng lên 100 triệu tấn cho đến cuối năm 2021 để giải quyết thiếu hụt năng lượng.
Trong tháng 9, Chủ tịch Tập đã tuyên bố Trung Quốc sẽ ngừng xây dựng các nhà máy than ở nước ngoài, nhưng Bắc Kinh lại từ chối những yêu cầu quốc tế dừng sử dụng loại nhiên liệu bẩn này trong nước. Các quan chức cho rằng mục tiêu hiện tại là mục tiêu giảm phát thải tham vọng nhất từng nỗ lực thực hiện. Họ cũng chỉ ra các quốc gia phát triển, những nước chịu trách nhiệm cho lượng khí nhà kính khổng lồ, cũng đang vật lộn để đáp ứng mục tiêu khí hậu riêng.
Dưới đây là một vài yếu tố có thể giảm thải carbon. Năng lượng mặt trời và gió hiện thường rẻ hơn nhiên liệu hóa thạch. Công nghệ xe điện và pin đã được phát triển hoàn thiện và Trung Quốc là nước đi đầu trong cả hai lĩnh vực này. Đầu tư vào công nghệ xanh như hydro và thu giữ carbon đang ở mức cao nhất mọi thời đại và có khả năng triển khai trên quy mô lớn.
Các giải pháp chế ngự phát thải
1. Điện (33%)
Nhiệm vụ lớn nhất của Trung Quốc là xanh hóa ngành điện. Điều đó có nghĩa là đóng cửa hàng nghìn nhà máy nhiệt điện than và tăng cường năng lượng sạch. Trung Quốc vừa khởi động dự án khổng lồ 100 gigawatt trên sa mạc để giải quyết vấn đề.
2. Thép (21%)
Hơn 1/5 lượng than ở Trung Quốc được dùng cho ngành công nghiệp thép. Phát thải từ ngành này đã tăng hơn 40% từ 2010-2020. Ngành công nghiệp này cam kết giảm 30% lượng khí thải đến cuối thập kỷ bằng cách thay thế các thiết bị mới và sạch hơn. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng đưa ra những giới hạn về sản lượng thép.
3. Xây dựng (30%)
Trung Quốc xây dựng các tòa nhà chọc trời và các trung tâm mua sắm với tốc độ chóng mặt. Theo CREA, việc xây dựng tạo ra 4 tỷ tấn CO2 năm 2019, với 95% trong số đó là từ sản xuất vật liệu như thép và xi măng. Con số này chưa bao gồm lượng khí thải từ việc vận hành các tòa nhà, tương đương 2,1 tỷ tấn CO2 mỗi năm.
Việc chính phủ kiềm chế các công ty bất động sản như tập đoàn Evergrande, có thể giúp cắt giảm lượng khí thải đó. Nhưng nó cũng là một rủi ro lớn đối với nền kinh tế Trung Quốc và có nguy cơ tạo ra một làn sóng vỡ nợ nếu không được quản lý đúng cách.
4. Hóa dầu (14%)
Những tập đoàn dầu mỏ Trung Quốc ở một khía cạnh khác có nhiệm vụ phức tạp hơn so với những lĩnh vực trên. Trong khi khí thải của các ngành trên phần lớn tạo ra tại nhà máy thì hầu hết khí thải của dầu và khí đốt lại ở rất xa nguồn, như ống xả ô tô hoặc bếp ga.
5. Vận chuyển (7%)
Hơn một nửa lượng dầu của Trung Quốc sử dụng cho giao thông vận tải. Cho đến nay, chính phủ tập trung giảm khí thải bằng cách tăng cường xe điện, vốn đã có đội xe lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, với những phương tiện nặng hơn như xe tải, tàu lửa, máy bay, tàu thủy thì các giải pháp như năng lượng hydro và ammoniac sẽ rất lâu mới có được hiệu quả kinh tế.
6. Nông nghiệp (11%)
Để đáp ứng thực phẩm cho quốc gia đông dân nhất thế giới, ngành nông nghiệp thải ra rất nhiều khí nhà kính. Theo CREA, mức tiêu thụ năng lượng của ngành nông nghiệp là nguyên nhân tạo ra 188 triệu tấn khí thải CO2. Đó là chưa tính đến khí mê-tan do lợn và bò thải ra.
Tham khảo Bloomberg
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét