.
ĐIỀM VONG QUỐC
Dù ai có chửi Mỹ thậm tệ đến đâu thì cũng không thể phủ định được rằng đó là một cường quốc có đủ sức mạnh chi phối toàn bộ thế giới về năng lực kinh tế, tài chính, khoa học công nghệ và quân sự.
Bất kỳ quốc gia phát triển hay đang phát triển nào cũng đều liên quan ít nhiều đến Mỹ, càng những nước giàu càng liên quan và ảnh hưởng sâu đến nền kinh tế, khoa học công nghệ của Mỹ và Trung Quốc cũng không ngoại lệ bởi Mỹ có nền kinh tế
hoàn toàn mở, tự do và tôn trọng đối tác cùng sức tiêu thụ hàng hoá cũng đứng đầu các quốc gia trên thế giới.Tuy dân số của Mỹ chỉ băng 1/4 dân số Trung Quốc nhưng sức mua hàng của Mỹ cao gấp 3 lần Trung Quốc. Điều đó luôn khẳng định Mỹ là một thị trường không thể thay thế cho bất kỳ quốc gia nào.
Hơn 30 năm bằng chính sách “náu mình chờ thời” của Đặng Tiểu Bình, nền kinh tế Trung Quốc lớn lên vùn vụt cũng nhờ Mỹ bởi không những hưởng quá nhiều đặc ân của chính sách “tối huệ quốc” mà Mỹ còn là đối tác, là thị trường lớn nhất của Trung Quốc với giá trị trao đổi hàng hoá song phương lên tới 600 đến 700 tỷ USD/ năm (giá trị thặng dư luôn nghiêng về Trung Quốc từ 300 đến 400 tỷ USD). Chính vì thế nên không vô cớ mà cựu Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu nói “chỉ có kẻ ngu xuẩn mới chống lại Mỹ” !
Khi ông Tập “lên ngôi Hoàng đế” cũng là kết thúc giai đoạn “náu mình” của ông Đặng và trở thành thế lực thách thức nền kinh tế Mỹ bằng “Trung Hoa mộng” với sáng kiến “vành đai con đường” và đẩy quan hệ Mỹ - Trung vào thế đối đầu cả kinh tế, tài chính, khoa học công nghệ, ngoại giao và quân sự. Trung quốc luôn tìm cách làm cho đồng Nhân dân tệ có vai trò trên trường quốc tế nhằm làm suy yếu và dần thay thế đồng $ và tuyên chiến với vị trí siêu cường số một của Mỹ hòng thay đổi trật tự thế giới bằng sự thống trị của Trung Hoa mộng.
Xưa nay không ai lại tạo thế đối đầu với “đệ nhất thị trường” của mình, nhất là thị trường đã giúp mình trở thành cường quốc kinh tế với thời gian ngắn nhất ngoài chính sách của Bắc Kinh thời ông Tập bởi như vậy sẽ đồng nghĩa với việc triệt hạ đối tác quan trọng nhất của mình để thay thế bằng những đối tác kém năng lực. Ông Tập đã chọn Nga, một quốc gia đang suy yếu bởi chiến phí cho chiến tranh nhưng giàu tài nguyên và bị cô lập trên trường quốc tế do chính sách trừng phạt khắc nghiệt của Mỹ và đồng minh làm đối tác thay thị trường Mỹ, các tiểu quốc nghèo và đang phát triển để thay thế thị trường châu Âu và đẩy dần các quốc gia láng giềng về phía Mỹ bởi chính sách ngoại giao chiến lang và quan hệ kinh tế cưỡng bức, bẫy nợ thay vì đối tác.
Có thể nói rằng ĐCS Trung Quốc từ thời Mao Trạch Đông đến giờ luôn đặt sự tồn vong của chế độ lên trên sinh mệnh quốc gia, là ưu tiên số một thay vì sự cường thịnh bằng sức mạnh kinh tế và sức mạnh văn minh dân tộc, sử dụng con dao hai lưỡi là “chủ nghĩa dân tộc cực đoan” để biểu trương sức mạnh của 1,4 tỷ dân. Đến đời ông Tập thì điều đó càng rõ nét bởi các cuộc tranh giành quyền lực trở nên gay gắt hơn bất cứ lúc nào nhằm củng cố ngôi vị mãn đời của mình cùng với sự hạn chế tối đa tự do ngôn luận, khống chế sức mạnh truyền thông đa chiều, xuyên tạc sự thật cùng chính sách chống dịch bệnh cực đoan, khủng bố giới tài phiệt và áp đặt chế tài hà khắc với giới doanh nghiệp (kể cả nguồn đầu tư nước ngoài) mà đẩy nền kinh tế quốc nội vào tình trạng suy thoái.
Dân trí là nền tảng của dân khí, dân khí là nền tảng của quốc khí và điều đó không thể ngược lại. Khi dân trí thấp thì dân khí yếu, dân khí yếu thì quốc khí suy. Bất kỳ chế độ nào nếu đặt sự tồn vong của chế độ lên trên sự tồn vong của dân tộc thì chế độ đó tất suy vong bởi dân tộc là nền tảng của chế độ chứ không thể và nhất quyết không thể đảo ngược.
Sợ mất chế độ nên dùng bạo lực để duy trì chế độ là một quyết sách sai lầm nghiêm trọng bởi trước sau nó sẽ đẩy dân chúng sang bờ bên kia chiến tuyến để tạo thế đối dầu dẫn đến xung đột và sinh bạo lực để chống lại bạo lực. Vũ khí có thể tiêu diệt kẻ thù, trấn áp số đông tay không nhưng nhất quyết không thể chống lại cả một dân tộc khi mâu thuẫn đã đến cực điểm. Người ta chỉ có được thiên hạ bằng cách thu phục lòng dân chứ không thể bằng cách trấn áp dân - đó là luật tắc bất biến trong kế sách trị bình.
Thay vì thân thiện và từng bước cân bằng nền thương mại song phương với Mỹ để cùng tồn tại, cùng phát triển bền vững trong lợi ích bình đẳng để cùng nhau kẻ nhất người nhì thiên hạ thì ông Tập chọn chính sách đối đầu để vượt lên bằng làm suy yếu nước Mỹ nhằm thay thế vị trí siêu cường số một trong mưu toan thống trị. Liên kết và thiết lập những thế lực đối kháng với Mỹ và phương Tây phải chăng đó là sai lầm chết người của một nhà kỹ trị và hậu quả đang hiển nhiên với đất nước đông dân nhất thế giới đang trong thời kỳ hỗn loạn bắt đầu từ các cuộc tranh giành quyền lực quyết liệt, một nền kinh tế suy thoái đang bên bờ khủng hoảng trong thiên tai nhân hoạ liên tiếp giáng xuống do sự phát triển “cưỡng thiên nghịch địa” cùng lòng người bất an, lòng tin bị xói mòn và uy tín trên trường quốc tế ngày càng giảm sút nghiêm trọng khi nhân loại đã thức tỉnh để nhận ra tai hoạ đang bắt đầu từ đâu !
Chỉ cần một hiện tượng nhỏ khi cuốn sách viết về Hoàng đế Sùng Trinh (vị vua cuối cùng của nhà Minh) bởi sự “chính cần vong quốc” bị biến mất trên tất cả các giá sách trong toàn quốc cũng đủ thấy tinh thần của ông Tập đang trong thời kỳ bất an nhất cho sự tồn vong một chế độ và ngay chính cái ngai vàng của mình.
Lão Nông
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét