Người dân mất quyền lợi bảo hiểm y tế là do lỗi tuyên truyền? Ảnh: Như Ý.
Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam cho rằng, việc tuyên truyền chính sách bảo hiểm y tế (BHYT) do Bộ Y tế thực hiện là chính (từ trước tới nay), chỉ từ năm 2014 mới giao thêm BHXH Việt Nam tham gia cùng.
- Nghệ An: Quỹ Bảo hiểm y tế mất cân đối 334 tỷ đồng
- Những giải pháp ngăn chặn trục lợi bảo hiểm y tế
- Lạm dụng bảo hiểm y tế: Bệnh nhân tăng 500% trong 6 tháng
Vướng mắc ở đâu?
Chính sách miễn đồng chi trả tiền khám chữa bệnh với người tham gia BHYT 5 năm liên tục, số tiền đồng chi
trả lớn hơn 6 tháng lương cơ sở đã có hiệu lực từ 1/1/2015. Thế nhưng tới nay, đã hơn 1 năm rưỡi thực hiện, nhiều người dân vẫn không biết gì về chính sách này, thẻ BHYT của nhiều người đủ điều kiện cũng không thể hiện điều đó (Tiền Phong số ra ngày 24-25/8).
Chiều 29/8, trao đổi với chúng tôi, ông Lê Văn Khảm, Phó Vụ trưởng BHYT (Bộ Y tế) cho biết: Trên thẻ BHYT có thể hiện người tham gia 5 năm liên tục hay không phụ thuộc trách nhiệm BHXH Việt Nam. Bộ Y tế là đơn vị tham gia xây dựng chính sách và đã thực hiện đầy đủ. Về tuyên truyền để người dân biết chính sách mình được hưởng, theo ông Khảm, Bộ Y tế cũng được giao thực hiện và đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, phổ biến tới các tổ chức liên quan. Đồng thời Bộ này đã tập huấn để nhân viên các bệnh viện biết các chính sách mới và phổ biến, hướng dẫn tới người dân.
Tuy nhiên, theo ông Khảm, có thể việc tuyên truyền chưa đủ sâu, rộng, nên nhiều người chưa biết quyền lợi mình được hưởng, trong đó có quyền lợi khi tham gia BHYT 5 năm liên tục. “Bộ Y tế mới truyền thông được ở cấp tổ chức, qua báo chí, còn truyền thông tới từng người dân, hộ gia đình chưa làm được. Điều này do kinh phí còn hạn chế, nhân lực ít, trong khi còn phải tuyên truyền về các lĩnh vực y tế khác, như phòng chống dịch bệnh, sức khỏe…”, ông Khảm nói.
Trước đó, ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho rằng, Bộ Y tế có riêng bộ máy, được ngân sách nhà nước và Quỹ BHYT hỗ trợ kinh phí tuyên truyền. Chỉ từ Luật BHYT sửa đổi 2014 mới giao thêm nhiệm vụ tuyên truyền cho BHXH Việt Nam. Tuy nhiên, theo ông Khảm, Luật BHYT năm 2008, Đề án BHYT toàn dân năm 2013, và các quy định pháp luật trước đó đều đã giao BHXH Việt Nam là cơ quan có nhiệm vụ chính tuyên truyền về BHYT, không phải tới năm 2014 mới có.
Ông Khảm cho rằng, BHXH Việt Nam có đầy đủ kinh phí, bộ máy, địa lý bảo hiểm tới tận cấp xã nên việc tuyên truyền sẽ thuận lợi hơn, tới được đúng những người thụ hưởng chính sách.
Ông Khảm cho hay, hằng năm BHXH Việt Nam có hỗ trợ kinh phí để Bộ Y tế tuyên truyền chính sách BHYT, nhưng mỗi năm chỉ 200-300 triệu đồng. “Số tiền đó chỉ đủ tổ chức vài hội nghị tuyên truyền cho cán bộ chủ chốt và phải tổ chức theo vùng, muốn tổ chức mỗi tỉnh 1 hội nghị để tuyên truyền cũng khó”, ông Khảm nói. Vì vậy, Bộ Y tế yêu cầu các cán bộ chủ chốt ở địa phương, bệnh viện sau khi tiếp thu các chính sách mới phải về phổ biến lại cho nhân viên của mình. Còn kinh phí tự có của Bộ Y tế cũng rất hạn hẹp và hệ thống cán bộ cũng không trải khắp tới cấp xã như của BHXH Việt Nam. Tuy vậy, Bộ Y tế sẽ có văn bản đề nghị các bệnh viện, hệ thống y tế địa phương tăng cường tuyên truyền, phổ biến chính sách về BHYT tới người dân, đồng thời cải tiến cách tuyên truyền hiệu quả hơn.
Lương nhân viên bảo hiểm cao gấp 3 lương công chức
Với 20.018 cán bộ, nhân viên toàn hệ thống, năm 2015, BHXH Việt Nam chi hơn 2.312 tỷ đồng tiền lương. Chia bình quân mỗi nhân viên BHXH nhận lương khoảng 9,6 triệu đồng/tháng (trong khi lương công chức hiện chỉ khoảng 3 triệu đồng/tháng).
Trước đó, tại buổi họp báo về Điều 60 Luật BHXH 2014, trả lời chất vấn về “bộ máy BHXH quá công kềnh, tốn kém, việc minh bạch trong quản lý, chi tiêu Quỹ BHXH như các nước đang làm còn hạn chế”, Thứ trưởng LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân cho biết: Còn nhiều cải cách BHXH Việt Nam phải làm thời gian tới. Hiện BHXH tại Việt Nam mới ở mức cơ bản, nên cũng chưa được minh bạch hóa.
Theo ông Huân, mục tiêu hướng tới của Việt Nam là xây dựng BHXH bổ sung. Khi đó, sẽ không có bộ máy BHXH mà doanh nghiệp, người lao động tự đàm phán với các quỹ đầu tư để ủy thác tiền bảo hiểm, biết rõ tiền mình được đầu tư ra sao, sinh lời thế nào.
Cũng theo ông Huân, BHXH Việt Nam hiện nay do Chính phủ bảo lãnh nên sinh ra trì trệ. Vì vậy, Chính phủ yêu cầu BHXH phải cải cách và giảm thủ tục hành chính, thời gian, chi phí quản lý. Mục tiêu hướng tới là xây dựng các dịch vụ BHXH (như thu, chi), nếu ai làm được tốt, chi phí rẻ giao người đó làm, không nhất thiết phải có cả bộ máy cồng kềnh như hiện nay. “Tôi rất buồn. Đôi lúc tôi trao đổi với BHXH Việt Nam rằng, phải cảm ơn người lao động, vì có họ đóng góp mới có BHXH, có việc để làm, nên phải phục vụ lại”, ông Huân từng nói.
Trong văn bản phản hồi báo Tiền Phong về thực hiện chính sách
với người tham gia BHYT 5 năm liên tục, ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng
Giám đốc BHXH Việt Nam thừa nhận: Chính sách với người tham gia BHYT 5
năm liên tục thực hiện từ 1/1/2015, nhưng do cơ quan BHXH chưa cấp số
định danh cá nhân cho người tham gia; chưa có cơ sở dữ liệu tập trung về
quá trình đóng BHYT; nhiều người tham gia BHYT ở nhiều đơn vị, địa
phương, nhóm đối tượng khác nhau… Do đó, nhiều thẻ BHYT chưa được in đầy
đủ thông tin Thời điểm đủ 5 năm liên tục từ ngày… trên thẻ. Để
khắc phục, BHXH Việt Nam đã chỉ đạo các cơ quan bảo hiểm cấp giấy chứng
nhận cùng chi trả cho người đủ điều kiện và in lại thẻ với người còn
thiếu. Đồng thời, BHXH Việt Nam đang thống kê và hướng tới cấp số định
danh cá nhân cho người tham gia BHYT.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét