Thứ Tư, 4 tháng 1, 2017

Tại sao người dân Phần Lan không làm gì cũng được cấp 13 triệu mỗi tháng?


Tại sao người dân Phần Lan không làm gì cũng được cấp 13 triệu mỗi tháng?

Thoạt đầu, ý tưởng này có vẻ như là cách đơn giản nhất để tăng thất nghiệp, tuy nhiên mục tiêu mà chính phủ Phần Lan hướng đến lại là điều ngược lại.

  • Phần Lan bắt đầu thử chính sách “ngồi không cũng có tiền”
  • Na Uy vận động chiến dịch tặng Phần Lan đỉnh núi cao nhất
  • Nền công nghiệp Phần Lan phát triển nhờ Nokia suy thoái
Ngày 2/1, chính phủ Phần Lan đã bắt đầu chương trình thử nghiệm chính sách “thu nhập cơ bản cho toàn
dân”. Theo đó, 2000 công dân trưởng thành không cần biết thu nhập, tài sản, hay tình trạng công việc như thế nào sẽ nhận được số tiền tương đương 13 triệu đồng mỗi tháng.
Thoạt đầu, ý tưởng này có vẻ như là cách đơn giản nhất để tăng thất nghiệp, tuy nhiên mục tiêu mà chính phủ Phần Lan hướng đến lại là điều ngược lại. Bằng cách cung cấp tiền lương cơ bản, chính phủ sẽ cắt toàn bộ phúc lợi an sinh xã hội vốn được đánh giá là tốt nhất nhì tại châu Âu.
Người thất nghiệp ở Phần Lan không cần phải lo lắng chuyện sinh tồn bởi với số tiền ưu ái của chính phủ, họ có thể mua thực phẩm giá rẻ, dùng xe cũ hay những cửa hàng trợ giá khác để đảm bảo một cuộc sống rủng rỉnh mà hàng triệu người thất nghiệp ở các quốc gia khác mong muốn. Thậm chí, họ có thể yên tâm đi du lịch mọi nơi với tiền trợ cấp, mặc dù không làm gì và không đóng góp một đồng thuế nào cho nhà nước.
Chính sách tiền lương cơ bản cho tất cả mọi công dân trưởng thành không kể tình trạng nghề nghiệp giúp san bằng cơ hội cho tất cả mọi người, xóa bỏ ưu đãi trước đây mà người thất nghiệp được hưởng, tạo động lực để họ quay trở lại tìm việc làm. Ý tưởng thu nhập cơ bản đưa ra cho người lao động một sự đảm bảo tốt hơn, đặc biệt là khi công nghệ đang dần thay thế lao động con người. Nó cũng cho phép những người thất nghiệp chấp nhận những công việc tạm thời, hoặc những công việc mới, không chắc chắn mà không sợ bị mất trợ cấp.
Đứng trên lập trường chính phủ, sáng kiến này còn giúp chính phủ tiết kiệm tiền trong dài hạn. Hệ thống phúc lợi của Phần Lan khá rắc rối và đắt đỏ. Đơn giản hóa hệ thống này bằng cơ chế tiền lương cơ bản có thể giảm nạn quan liêu, tham nhũng.
Phần Lan có hệ thống hỗ trợ của chính phủ thuộc hàng đắt đỏ nhất thế giới. Trong số 34 quốc gia phát triển là thành viên thuộc OECD, chương trình chi tiêu cho xã hội của Phần Lan (31% tổng GDP) đứng thứ 2 về độ lớn chỉ ngay sau Pháp (31,9%), trong khi Mỹ chỉ là 19,2%.
Vực dậy nền kinh tế
Phần lớn giới quan sát cho rằng mục tiêu chính của chính sách tiền lương cơ bản là vực dậy nền kinh tế Phần Lan mãi không thoát khỏi đà suy thoái hậu khủng hoảng. Tăng trưởng kinh tế Phần Lan trong suốt hơn 7 năm qua (kể từ thời điểm diễn ra khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2008), giảm mạnh và ngày càng trì trệ. Do đó thắt lưng buộc bụng, cải cách tài chính để thoát khỏi tình trạng suy thoái là những biện pháp không thể nào bỏ qua.
Bên cạnh đó, tỷ lệ thất nghiệp của Phần Lan kể từ sau khủng hoảng chưa có lúc nào hạ nhiệt, đạt đỉnh lên tới 9,5% vào năm 2015. Năm 2016, con số này giảm nhẹ còn 9,3%, tuy nhiên vẫn cao hơn so với thời điểm năm 2008 là khoảng 3%.
Tóm lại, bằng cách cắt giảm và đơn giản hóa chương trình phúc lợi xã hội, mô hình lương cơ bản giúp người thất nghiệp quay trở lại thị trường lao động, giảm gánh nặng ngân sách chính phủ, tăng trưởng nền kinh tế, củng cố niềm tin người tiêu dùng.
Anh Sa
Theo Trí thức trẻ

Không có nhận xét nào: