Thứ Hai, 28 tháng 12, 2015

Cám cảnh cử nhân thất nghiệp!


Cám cảnh cử nhân thất nghiệp!
Thí sinh căng thẳng khi xét tuyển ĐH nhưng không phải cứ vào được ĐH là lúc tốt nghiệp sẽ kiếm được việc làm

Chỉ riêng trong quý III/2015 đã có thêm hơn 50.000 người trình độ ĐH, CĐ thất nghiệp. Hiện cả nước có 225.500 người trình độ ĐH trở lên không tìm được việc làm


Theo bản tin cập nhật thị trường lao động vừa được công bố, khoảng 20% trong tổng số 1.128.700 người trong độ tuổi lao động thất nghiệp hiện nay là những người có trình độ ĐH. Số cử nhân thất nghiệp ngày càng tăng, vì sao?
Đào tạo không gắn với việc làm
Số người thất nghiệp có trình độ CĐ là 117.300, tăng rất nhiều và nhanh so với vài tháng trước đây (so với quý II/2015 tăng 24.100 người). Thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) cho thấy chỉ riêng trong quý III, đã có thêm hơn 50.000 người trình độ ĐH, CĐ thất nghiệp. Nếu xét theo trình độ đào tạo, nhóm người có trình độ CĐ, ĐH trở lên đang dẫn đầu về tỉ lệ thất nghiệp (xấp xỉ 8% đối với CĐ, gần 5% đối với ĐH).
Giải mã tình trạng cử nhân thất nghiệp tràn lan, GS Đào Trọng Thi - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội - cho rằng có 2 nguyên nhân quan trọng, về kinh tế và về đào tạo. GS Thi nhấn mạnh: Nền kinh tế nước ta hiện chưa tạo đủ việc làm cho người trong độ tuổi lao động. Đây là tình trạng chung chứ không chỉ riêng đối với các cử nhân. Nguyên nhân thứ hai từ phía ngành giáo dục là đào tạo không theo dự báo quy hoạch nhân lực và không xác định một cách chính xác nhu cầu của nền kinh tế, nhu cầu của thị trường lao động.
Theo GS Đào Trọng Thi, không những về quy mô mà cả về cơ cấu ngành nghề, cơ cấu trình độ và chất lượng đào tạo cũng chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động. Trên thực tế, các cơ sở đào tạo vẫn đang đào tạo theo cái mình có thay vì theo đúng ngành nghề, đúng trình độ mà thị trường lao động đang cần.
Một chuyên gia về đào tạo nhấn mạnh việc xác định ngành nghề theo kiểu ngành này quan trọng thì đào tạo nhiều và ngược lại là rất nguy hiểm.
“Phải có dự báo về thị trường lao động, nhu cầu nguồn nhân lực một cách cụ thể, thực tiễn, chứ không phải cứ coi nông nghiệp là ngành rộng thì phải đào tạo nhiều. Phải xem xét cụ thể rằng ngành nông nghiệp, các cơ sở nghiên cứu, kinh doanh cần bao nhiêu người, trong lĩnh vực nào vì nhiều khi lĩnh vực đó quan trọng thật nhưng hiện giờ chưa tạo ra nhiều việc làm. Các trường cần xem xét có tạo việc làm cho người ta hay không để đào tạo, chứ không phải cứ nói ngành đó quan trọng nên phải đào tạo. Lâu nay, chúng ta đào tạo không gắn với việc làm, trong khi điều quan trọng là đào tạo ra để làm việc chứ không phải để có cơ cấu đẹp” - chuyên gia này phân tích.
Hậu quả từ việc ồ ạt mở trường
Trong phiên giải trình của Chính phủ về giải quyết việc làm cho sinh viên tốt nghiệp do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức cách đây không lâu, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Phạm Vũ Luận cho rằng cử nhân thất nghiệp nhiều là do kinh tế suy thoái nên thiếu việc làm. Bên cạnh đó, nhiều cơ sở giáo dục ĐH chưa chủ động đầu tư, nghiên cứu nhu cầu nhân lực của thị trường lao động theo nhu cầu xã hội. Thậm chí, chương trình đào tạo chưa theo kịp sự phát triển của nền kinh tế và khoa học - công nghệ, học phí thấp dẫn đến suất đầu tư cho mỗi sinh viên thấp, các trường không đủ nguồn lực tập trung nâng cao chất lượng đào tạo...
Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, chính việc mở trường ồ ạt và tăng quy mô đào tạo trình độ CĐ, ĐH vài năm trước là nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng thất nghiệp hôm nay. Năm 2009-2010, quy mô sinh viên tăng đến 47% so với năm 2004-2005 (từ hơn 1,3 triệu lên đến 1,9 triệu sinh viên). Quy mô này tiếp tục tăng mạnh vào năm 2010-2011 ở mức hơn 2,1 triệu sinh viên và đạt đỉnh năm 2011-2012 với mức hơn 2,2 triệu sinh viên, tăng 28% so với năm 2008-2009.
Chính vì điều này mà giai đoạn 2011-2014, trung bình mỗi năm có trên 400.000 sinh viên tốt nghiệp ĐH, CĐ. Tỉ lệ thuận với con số này, số cử nhân thất nghiệp năm 2014 tăng gần gấp đôi so với năm 2010. GS Đào Trọng Thi cho hay năm 2010, trong các chỉ tiêu về kinh tế - xã hội còn có chỉ tiêu là một năm tuyển sinh tăng theo tỉ lệ % nhất định, bình quân 6%-10%.
“Con số này khiến quy mô đào tạo càng ngày càng phình ra. Khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, tôi là người phản đối và yêu cầu loại chỉ tiêu này ra khỏi chỉ tiêu về tăng trưởng phát triển kinh tế - xã hội” - GS Thi nhớ lại.
Bày tỏ nỗi cám cảnh trước tình trạng cử nhân thất nghiệp “như rươi”, hiệu trưởng một trường ĐH thẳng thắn cho rằng chính việc cấp phép mở trường ĐH tràn lan, chạy theo số lượng mà không chú ý đến chất lượng nên chúng ta đang trả giá đắt.
Đùn đẩy trách nhiệm
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Nguyễn Thanh Hòa cho rằng khi đào tạo, các trường phải trang bị tính chủ động cho sinh viên. Nếu đào tạo tốt thì sinh viên ra trường không những giải quyết được việc làm cho mình mà còn cho người khác. Bộ LĐ-TB-XH chỉ là cơ quan tham mưu, xây dựng chính sách, ban hành văn bản cho thị trường lao động vận hành chứ không có chức năng giải quyết việc làm.
Tuy nhiên, trên thực tế, trách nhiệm trước việc hàng trăm ngàn cử nhân thất nghiệp không chỉ thuộc về Bộ GD-ĐT. Theo GS Đào Trọng Thi, Bộ GD-ĐT phải chịu trách nhiệm trong quy hoạch nguồn nhân lực, mở ngành đào tạo, cơ cấu ngành nghề, chất lượng đào tạo. Song, các bộ, ngành khác cũng phải có trách nhiệm trong việc xác định quy hoạch nguồn nhân lực cho ngành, cho địa phương mình, rồi vấn đề tạo việc làm. Tạo việc làm là của nền kinh tế và quản lý nhà nước về vấn đề này là Bộ LĐ-TB-XH.
Theo Yến Anh
Người Lao động

Không có nhận xét nào: