Phần lớn mặt hàng này khi lên bàn ăn được “hô biến” thành đặc sản vú dê với giá cao ngất ngưởng
Hàng bẩn giá cao
Chiều
22-12, cơ quan chức năng TP HCM đã tổ chức tiêu hủy hơn 2 tấn nầm heo
do không bảo đảm chất lượng, không có giá trị sử dụng. Sáng cùng ngày,
Đoàn Kiểm tra của Chi cục Thú y TP HCM phối hợp với Phòng Cảnh sát phòng
chống tội phạm về môi trường (PC 49) Công an TP HCM phát hiện tại địa
chỉ 108/2 Quốc lộ 1 (phường Đông Hưng Thuận, quận 12, ngay chân cầu vượt
Quang Trung) chứa sản phẩm động vật không có chứng nhận kiểm dịch,
không rõ nguồn gốc, bên ngoài thùng hàng ghi nhiều chữ Trung Quốc.
Ông
Cao Chí Đông (quê Bến Tre, chủ hàng) cho biết lô hàng trên được vận
chuyển bằng xe khách từ miền Bắc vào. Nơi tập kết là căn nhà chỉ khoảng
50 m2 ngổn ngang thùng xốp cáu bẩn, các tủ đông cũng gỉ sét, sàn nhà
nhớp nhúa do chất lỏng từ các thùng hàng chảy ra rất mất vệ sinh và bốc
mùi khó chịu.
Nầm heo Trung Quốc đưa vào Việt Nam, sau đó biến thành “đặc sản” vú dê nướng
Theo
một người làm công, đây là loại nầm heo đã được phía Trung Quốc sơ chế
thành những miếng lớn, bề dài 40-60 cm, ngang 10-20 cm, cấp đông rồi
đóng vào thùng xốp (từ 50-55 kg), sau đó vận chuyển vào TP HCM. Đáng lưu
ý, không biết nhà sản xuất Trung Quốc đã xử lý ra sao mà sản phẩm động
vật đông lạnh trong quá trình vận chuyển về Việt Nam không cần bảo quản ở
nhiệt độ âm 18 độ C vẫn không hề gì trong mấy ngày liền.
Người
làm công này cho biết khách mua sản phẩm chủ yếu là nhà hàng, quán nhậu
về chế biến thành… vú dê. Giá bán sỉ lên đến hơn 150.000 đồng/kg, cao
hơn cả sườn heo là sản phẩm thịt chính phẩm có giá cao nhất trong một
con heo.
“Mỗi
khi đi nhậu tôi thường gọi món vú dê nướng và giá khá “chát”, 100.000
đồng chỉ được 1 đĩa nhỏ, tính ra giá bán lên đến 400.000 - 500.000
đồng/kg nhưng không biết có phải vú dê thật hay không” - anh Nguyễn Khải
(ngụ quận 1) nói.
Xử lý bằng hóa chất
Trao
đổi với phóng viên, ông Đông cho biết đã thuê địa điểm trên được 7-8
năm để nhận hàng từ các xe tải ngoài Bắc vào. Tuy nhiên, khi hỏi đến hồ
sơ pháp lý liên quan đến hoạt động (giấy phép kinh doanh, giấy kiểm
dịch,…) thì ông thừa nhận không có vì biết rằng những loại hàng này
không thể có giấy tờ chứng minh nguồn gốc.
Theo
một cán bộ thú y, nầm heo chủ yếu có nguồn gốc từ Trung Quốc, nhiều lô
hàng còn được hợp thức hóa bằng giấy chứng nhận kiểm dịch của một số
tỉnh phía Bắc. Mới đây, Chi cục Thú y TP HCM đã kiểm tra một vụ tương
tự, sau đó xác định giấy chứng nhận kiểm dịch là giả, người ký tên là
cán bộ thú y đã nghỉ hưu.
Theo
tìm hiểu, các lò mổ heo phía Nam, nơi cung cấp thịt cho TP HCM chỉ bán
heo mảnh và nội tạng, không phân tách ra nầm heo do số lượng heo nái mổ
mỗi ngày rất ít. Do vậy, phần lớn “đặc sản” nầm heo, vú dê đang tiêu thụ
trên thị trường là hàng nhập lậu
từ Trung Quốc. Để thuận lợi cho việc bảo quản, vận chuyển đường dài,
thời gian lâu nên chúng đều được xử lý bằng hóa chất độc hại, gây nhiều
nguy cơ cho sức khỏe người dùng.
Do
vậy, lô hàng trên, dù có giá trị lên đến 300 triệu đồng, chủ lô hàng đã
có đơn xin tự nguyện tiêu hủy dưới sự giám sát của cơ quan chức năng và
chịu toàn bộ chi phí hủy hàng.
Ngoài
ra, ông Khương Trần Phúc Nguyên, Trưởng Phòng Thanh tra Chi cục Thú y
TP HCM, cho biết chủ lô hàng sẽ bị xử phạt hành chính. Đoàn kiểm tra đã
chuyển hồ sơ cho Đoàn Kiểm tra liên ngành quận 12 tiếp tục xử lý, tham
mưu UBND quận 12 xử phạt vi phạm hành chính
chủ lô hàng số tiền 21 triệu đồng do các vi phạm: không có giấy đăng ký
kinh doanh, kinh doanh sản phẩm động vật không có giấy chứng nhận kiểm
dịch và không bảo đảm điều kiện bảo quản.
Cần hỗ trợ rủi ro
Theo
ông Huỳnh Tấn Phát, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP HCM, hiện nay,
khó nhất trong quản lý chất lượng sản phẩm động vật là các chỉ tiêu cần
thực hiện tại phòng thí nghiệm. Còn đối với những vi phạm có thể đánh
giá bằng cảm quan như thịt heo bệnh, heo chết, sản phẩm biến chất, không
có giấy chứng nhận kiểm dịch… thì rất dễ xử lý.
Cụ
thể, đối với thịt heo bị nghi ngờ nhiễm chất tạo nạc, trong quá trình
lấy mẫu, lô hàng cần được tạm giữ để phòng ngừa sản phẩm độc hại ra thị
trường. Tuy nhiên, nếu kết quả từ phòng thí nghiệm cho thấy nồng độ dưới
ngưỡng vi phạm thì phải giải tỏa lô hàng. Khi ấy, thịt heo tươi thành
thịt đông lạnh, giá trị giảm nên dễ phát sinh tranh chấp khiếu kiện.
Do
vậy, ngân sách nhà nước cần có một khoản kinh phí để “đền” cho chủ hàng
trong những tình huống như trên. Vì thực tế, do lo bị khiếu nại, bồi
thường nên mặc dù đang trong quá trình lấy mẫu thịt bị nghi ngờ nhưng lô
hàng vẫn tiêu thụ bình thường. Đến khi có kết quả sản phẩm dương tính
với chất cấm thì thịt đã vào bụng người tiêu dùng. N.Ánh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét