Thứ Ba, 29 tháng 12, 2015

Thực phẩm bẩn tới mâm cơm người dân thế nào?


Thực phẩm bẩn tới mâm cơm người dân thế nào?
Chân gà nhập khẩu quá hạn sử dụng bị thu giữ. Ảnh: Việt Đức.

Giò chả nhiễm hóa chất, chân giò hun khói chế biến từ thịt đông lạnh hết hạn sử dụng, nho khô nhuộm chất tạo màu… đang được phù phép đưa vào các cửa hàng, siêu thị dịp sát Tết.


Trao đổi với chúng tôi, trung tá Trần Anh Tuấn, Phó trưởng phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (PC49, Công an Hà Nôi) cho biết, việc đấu tranh triệt để với thực phẩm bẩn vẫn là bài toán nan giải trong dịp Tết Nguyên đán 2016. Thực tế cho thấy, nhiều cơ sở chế biến đồ ăn sử dụng hóa chất, chất cấm loại mới, khó đoán định tên, gây khó cho cơ quan chức năng trong việc phát hiện, xử lý.
Hóa chất mới tác dụng hơn cả hàn the
Trung tá Nguyễn Văn Phác, Tổ trưởng tổ Vệ sinh an toàn thực phẩm - thuộc Đội 6 (PC49, Công an Hà Nội) cho biết, thời gian qua đơn vị phát hiện nhiều cơ sở kinh doanh, buôn bán, chế biến thực phẩm kém chất lượng, thực phẩm quá hạn sử dụng, độn hóa chất.
Thu giữ hơn 1 tấn nội tạng không rõ nguồn gốc
Phòng PC49 thu giữ giò sử dụng phụ gia không nguồn gốc tại một cơ sở ở huyện Đan Phượng. Ảnh: Công an cung cấp.
Phòng PC49 thu giữ giò sử dụng phụ gia không nguồn gốc tại một cơ sở ở huyện Đan Phượng. Ảnh: Công an cung cấp.
Trong các loại thực phẩm chế biến sẵn được tiêu thụ mạnh dịp Tết, giò chả được cho là mặt hàng có nguy cơ nhiễm hóa chất, phụ gia với hàm lượng cao. Theo trung tá Phác, hiện nhiều hộ sản xuất giò, chả không còn dùng hàn the để tạo dai giòn cho sản phẩm, mà chuyển qua một loại hóa chất có công dụng tương tự, nhằm đối phó với việc kiểm tra bằng giấy thử nhanh.
“Chúng tôi chưa tìm ra tên hóa chất mới này. Chỉ biết khi cho vào giò chả, làm thực phẩm còn dai giòn hơn cả hàn the” - ông Phác cho biết.
Cán bộ chuyên trách trong mảng đấu tranh với vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm thừa nhận, trong khi chưa tìm ra tên chất cấm, lực lượng chức năng không thể sản xuất được các que thử nhanh để phát hiện vi phạm, khuyến cáo người tiêu dùng.
Nói về số vụ phát hiện, xử lý hành vi sử dụng chất cấm trong chế biến thực phẩm, trung tá Trần Anh Tuấn - Phó trưởng phòng PC49 thừa nhận, còn hạn chế.

Phụ gia, hóa chất không rõ nguồn gốc dùng trong chế biến giò, chả. Ảnh: Công an cung cấp.
Phụ gia, hóa chất không rõ nguồn gốc dùng trong chế biến giò, chả. Ảnh: Công an cung cấp.
Theo ông Tuấn, trước thông tin các hộ chăn nuôi sử dụng hóa chất công nghiệp, điển hình là chất tạo nạc trong chăn nuôi, cảnh sát môi trường đã tổ chức xác minh, làm rõ. Qua điều tra, đơn vị ghi nhận loại “chất tạo nạc” này thực chất là hóa chất sử dụng trong công nghiệp, được nhà nước cho phép kinh doanh, bán nhiều ở khu phố cổ Hà Nội.
Không người nào đi mua hóa chất công nghiệp mà lại nói về cho vào thực phẩm. Trong khi, để xử lý được chủ doanh nghiệp sử dụng chất cấm trong chế biến, cảnh sát buộc phải bắt quả tang họ có hành vi hòa chất này khi chế biến. Còn không, chỉ có thể xử lý họ về hành vi sử dụng nguyên liệu sản xuất không rõ nguồn gốc - ông Tuấn cho hay.
Phù phép thịt hết hạn sử dụng
Theo cảnh sát môi trường, các loại thực phẩm chế biến sẵn như gà hun khói, chân giò hun khói, thịt muối, đang là đầu ra lý tưởng cho nguồn nguyên liệu đông lạnh kém chất lượng, hết hạn sử dụng.
Trung tá Phác thống kê, Hà Nội có hàng nghìn kho đông lạnh lưu trữ thực phẩm. Để duy trì một kho hàng, mỗi tháng doanh nghiệp phải chi trả trung bình 200-300 triệu đồng tiền điện. Để giảm chi phí bảo quản, nhiều chủ kho lạnh lén ngắt điện về đêm, chỉ cấp ban ngày khiến chất lượng thực phẩm giảm, dù hạn sử dụng có thể còn dài.
Nhiều kho đông lạnh tại Hà Nội cũng được ghi nhận là nơi cất trữ thực phẩm hết hạn sử dụng chờ tiêu thụ. Theo đại diện Phòng PC49, thực phẩm nhập khẩu khi hết hạn sử dụng sẽ được bóc bao bì rồi bán buôn cho các cơ sở chế biến đồ ăn sẵn.
Thịt gà, chân giò hết hạn sử dụng thường được chuyển đi hun khói, ướp gia vị, phụ gia gắn tên các cơ sở chế biến. Sau khi tái chế, thực phẩm được suất vào các cửa hàng, siêu thị, dễ dàng qua mặt người tiêu dùng với hạn sử dụng mới - trung tá Phác cảnh báo.
Nói về vụ kiểm tra kho lạnh thuộc một công ty kinh doanh, chế biến thực phẩm ở phường Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm, trung tuần tháng 12, thu gần một tấn chân gà, tim lợn, chân giò lợn… nhập khẩu, hết hạn sử dụng, trung tá Phác thừa nhận, nếu số hàng này được chuyển đi chế biến, đóng bao bì mới, cả người dân và cơ quan chức năng đều không thể phát hiện.
Thịt gà đông lạnh, chân giò hết hạn sử dụng thường được bán buôn với giá 30.000 đồng/kg. Người dân ra chợ khó mua được loại hàng thải loại vì những người có thực phẩm kém thường bắt tay với các cơ sở chế biến để quay vòng sản phẩm số lượng lớn rồi đem tiêu thụ ở các chợ, siêu thị.
Thủ đoạn lừa dối ngày càng tinh vi
Ngoài việc bán thực phẩm kém chất lượng, hành vi lừa dối khách hàng là tình trạng đáng báo động tại Hà Nội. Theo Đội 6 Phòng PC49, trong năm năm 2015, đơn vị ghi nhận các doanh nghiệp ở Hà Nội nhập khẩu khoảng 500 tấn thịt trâu dạng nguyên con hoặc hoặc cắt miếng, xuất xứ từ Ấn Độ, Australia... Trong giấy tờ nhập khẩu, doanh nghiệp ghi nhãn sản phẩm là thịt trâu dạng miếng (thịt đùi, mông, bụng…).
Tuy nhiên, từ đơn vị phân phối thứ 2, họ có hành vi lừa dối khi bỏ đi từ “trâu” trên nhãn mác. Họ chỉ in trên bao bì là thịt đùi, thịt thăn, thịt mông.
Các đại lý này tìm cách bắt tay với các cửa hàng chế biến thực phẩm, lừa bán lại cho người tiêu dùng với giá tương đương thịt bò. “Thịt trâu tùy loại giá từ 50.000-120.000/kg, nhưng khi tới tay người tiêu dùng, nó biến thành thịt bò, giá tăng ít nhất gấp đôi" – đại diện phòng PC49 cho biết.
Về thực trạng gà thải loại trong dịp Tết, cảnh sát môi trường Hà Nội đánh giá, tình trạng nhập lậu gia cầm từ Trung Quốc không nóng như những năm trước, nhưng lại ghi nhận lượng gà già, gà dai thải loại từ Hàn Quốc đổ bộ vào Việt Nam.
Đại diện cơ quan công an cho biết, khác với gà lông thải loại của Trung Quốc được nhập chui với giá rẻ, gà thải từ Hàn Quốc được chế biến sẵn từ nước ngoài và xuất sang Việt Nam, gắn nhãn mác gà dai. “Đây thực tế là gà già, nuôi để đẻ trứng, giống với gà Trung Quốc trước đây" - đại diện cơ quan công an cho biết.
Dù biết là gà thải loại, nhưng các cơ quan quản lý nhà nước chưa phân tích được dư lượng các chất độc có thể tồn dư trong loại gia cầm này, nên không thể kiến nghị, khuyến cáo.
Phát hiện thực phẩm bẩn báo cho ai?
Trung tá Trần Anh Tuấn, Phó trưởng phòng PC49, Công an Hà Nôi khuyến cáo, người dân khi phát hiện hay nghi vấn về thực phẩm bẩn, hãy điện thoại theo số: 043.8389229, hoặc gửi đơn tới Phòng PC49 (địa chỉ: Số 2, đường Trung Yên 3, quận Cầu Giấy, Hà Nội). Các thông tin của người dân sẽ được bảo mật và xử lý nhanh nhất.
Nho khô, hạt bí, hướng dương bị nhuộm màu
Theo cơ quan công an, tình trạng các loại hạt như dưa, hướng dương nhuộm màu vẫn phổ biến. Các loại hạt hay nho khô giá rẻ trên thị trường chủ yếu xuất xứ từ Trung Quốc. Sau khi thẩm lậu vào Việt Nam, hàng hóa được các đầu nậu chia nhỏ vào túi, hộp rồi gắn nhãn mác trong nước, thậm chí in bao bì là hàng nhập khẩu từ Mỹ, Australia, rồi bán ra thị trường. Cảnh sát khuyến cáo người dân thận trọng khi lựa chọn các sản phẩm giá rẻ, không nhãn mác, trôi nổi trên thị trường.
Theo Việt Đức

Không có nhận xét nào: