Tổ quốc tôi, Ông là ai?
Vương Kha Nhi
Kính thưa quý thầy cô, các bạn
học thân mến,
Kính chào liệt vị quan
khách,
Tôi là Vương Kha Nhi, học sinh
lớp 10A6, hôm nay xin được trình bày về đề tài:
“Nếu mà tôi sống thêm hai
nghìn năm nữa, thì tổ quốc chúng ta sẽ ra sao?”
Tôi không có cách điệu nói mạnh
mẽ hùng hồn như những người kia, cũng chẳng có lòng hăng say tràn đầy nhiệt
huyết đối với hai chữ "tổ quốc" như nhiều người khác. Tôi chỉ biết tự
mình suy tư, và hiểu ra rằng xã hội chẳng thiếu gì những cái đầu chất đầy kiến
thức, nhưng chỉ thiếu những người biết suy nghĩ trong đầu.
Tôi đang suy nghĩ thế này: Nếu mà
tôi sống thêm hai nghìn năm nữa, sẽ hình dung tổ quốc chúng ta ra như thế nào?
Vào đời Hán, tổ quốc chúng ta là nhà Đại Hán, kẻ nào — dù từ biên ải xa xôi, mà
dám xâm phạm
bờ cõi nhà Hán hùng cường, thế nào cũng phải diệt vong (1). Vào
đời Đường, tổ quốc chúng ta là nhà Đại Đường, muôn nước lân bang lại chầu phục
Đại Đường. Vào đời Tống, tổ quốc chúng ta là nhà Đại Tống, dẫn đầu một nền khoa
học kĩ thuật tân tiến, với một nền kinh tế trù phú. Đến đời Nguyên, quân Mông
Cổ đem vó ngựa móng sắt giày xéo chúng ta, đày đọa nhân dân ta vào hạng thấp
hèn nhất, bơ vơ vất vưởng ngay tại quê hương mình (2). Chẳng lẽ tổ quốc chúng
ta là nhà Đại Nguyên sao? Chẳng lẽ ta phải yêu thương nó hay sao? Đến đời
Thanh, người Mãn Châu từ ngoài biên ải đổ vào tàn sát xâm chiếm Trung Nguyên.
Muốn giữ lại đầu thì phải cắt tóc, không chịu cắt tóc thì bị chặt đầu. Trận
thảm sát khốc liệt ở Dương Châu cho thấy cuộc đàn áp đẫm máu tại Nam Kinh cũng
phải nhạt nhòa. Chẳng lẽ tổ quốc chúng ta là nhà Đại Thanh sao? Làm sao ta yêu
thương nó cho được? Thời gian đằng đẵng trôi qua, dần dà chúng ta hiểu ra đâu
là kẻ ỷ quyền ỷ thế chiếm đoạt mẹ đẻ của chúng ta. Thế mà các người lại chịu
nhận nó làm cha của mình sao? Các người không biết lấy thế làm nhục nhã hay
sao? Có lúc tôi nghĩ, trước đây khi quân Nhật Bổn chiếm lĩnh Trung Quốc của
chúng ta, này các bạn học ơi, thế mà hôm nay chúng ta lại hoan hô: “Thiên Hoàng
muôn năm” hay sao?
Nếu mà tôi sống thêm hai nghìn
năm nữa, tổ quốc chúng ta ra sao? Câu hỏi làm tôi hết sức hoang mang.
Trong lòng tôi có một tổ quốc, đó
là một nơi chốn công bằng, chính trực, không có gì khuất lấp. Trong lòng tôi có
một tổ quốc, đó là một nơi chốn cho ta đạt được tâm tình thanh thản êm đềm, đem
lại cho cõi lòng ta và cả trên môi miệng, một niềm tin yêu thắm thiết. Trong
lòng tôi có một tổ quốc, đó là một nơi chốn mà đôi khi có thể giương đôi cánh
rộng che chở cho ta. Trong lòng tôi có một tổ quốc, đó là một nơi chốn, mà đối
với bất cứ khó khăn gian khổ nào phải trải qua, chốn đó vẫn đem lại cho ta tràn
trề hi vọng. Nước Đức đã sinh ra Karl Marx, nước Nga đã sinh ra Joseph Staline,
nước Mĩ đã sinh ra George Washington, nước Anh đã sinh ra Winston Churchill.
Nhưng họ đều đã quá vãng cả rồi. Trách nhiệm bây giờ không ở nơi họ nữa, mà
hoàn toàn trông cậy vào tuổi trẻ chúng ta. Tuổi trẻ có trí tuệ, đất nước ắt có
trí tuệ ; tuổi trẻ mạnh mẽ, đất nước ắt mạnh mẽ ; tuổi trẻ độc lập, ắt đất nước
độc lập ; tuổi trẻ tài giỏi lớn mạnh trên mặt địa cầu, đất nước ắt tài giỏi lớn
mạnh trên mặt địa cầu.
Trong tay tuổi trẻ chúng ta đã
nắm vững một tổ quốc cao đẹp, mà mỗi một người đều thương mến sâu xa ở tận đáy
lòng. Tổ quốc đó khiến cho nước Mĩ phải ngưỡng mộ nền chính trị dân chủ, khiến
cho nước Đức phải thán phục trình độ kĩ thuật, khiến cho nước Nhật Bổn bội phục
mức sống giàu có của người dân, khiến cho Tân Gia Ba nể phục tư cách trong sạch
không tham bẩn của những kẻ cầm quyền đất nước. Hãy xem một ngày kia, tổ quốc
chúng ta chiếu sáng rực rỡ khắp vũ trụ, một tổ quốc mà con cháu muôn đời sau
không bao giờ đánh mất.
Giấc mộng của Trung Quốc, giấc
mộng của người Trung Quốc, có ba giấc mộng xưa. Giấc mộng thứ nhất gọi là “minh
quân mộng”, tức là niềm hi vọng có một ông vua tài giỏi sáng suốt, là
niềm hi vọng - đối với bất cứ vấn đề nào, cũng tìm ra giải pháp, - đối với bất
cứ chuyện hay ho nào đều thấm nhuần ơn mưa móc của bậc thống trị toàn quyền.
Giấc mộng thứ hai, gọi là “thanh quan mộng”, là khi niềm tin vào
vị hoàng đế trên kia đổ vỡ, bèn mang niềm hi vọng có một ông quan trong sạch,
tay áo gió bay, không nao núng, đứng trước bậc quyền uy lấy lời chính trực can
gián. Giấc mộng thứ ba, gọi là “hiệp khách mộng”, nếu như giấc
mộng thanh quan chẳng thành, đành trông chờ một khách anh hùng hiệp nghĩa đến
báo thù rửa hận.
Có ba giấc mộng mới của người
Trung Quốc ngày nay. Giấc mộng thứ nhất gọi là “tự do mộng”, tìm
cách thoát khỏi sức ép của chế độ độc tài, không còn muốn chịu đựng bọn thống
trị quyền quý hoành hành áp bức. Giấc mộng mới thứ hai gọi là “nhân quyền
mộng”, tức là muốn cho mọi người đều được hưởng quyền lợi ngang nhau,
không còn có bất cứ ai có đặc quyền ở trên cao đè đầu đè cổ bàn dân bình
thường, thật không sao chịu thấu. Giấc mộng mới thứ ba gọi là “hiến chánh
mộng”, tức là tuân theo nguyên tắc dân chủ pháp quyền, dựa trên nguyên
tắc mọi người bình đẳng như nhau, toàn thể nhân dân trong nước cùng nhau quy
định lập thành văn bản Hiến pháp dùng làm nền móng cho một quốc gia dân
chủ.
Ba cái mộng cũ kĩ kia là những
“giấc mộng đẹp kê vàng” của bầy dân tôi đòi an phận, là những cơn mộng dữ nghìn
năm do chính sách ngu dân đem lại, chỉ biến người dân thành những con cừu ngoan
ngoãn vâng lời, mặc cho kẻ thống trị tác uy tác phúc, đem giết đem cúng làm vật
hi sinh, và mãi mãi bị thống trị.
Ba giấc mộng mới chính là những
đòi hỏi tất nhiên của nền văn minh kinh tế thị trường, là những thể nhận của xã
hội khai mở, là biểu hiện sự tỉnh ngộ lớn của toàn dân, là thành quả bao nhiêu
cuộc tranh đấu đẫm máu của những bậc chí sĩ cũng như những con người nhân ái.
Ba giấc mộng đó nhất định sẽ trở thành sự thật.
Vương Kha Nhi
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét