Thứ Hai, 21 tháng 3, 2016

Trung Quốc đang bắt đầu thời kỳ suy thoái mạnh.

Rắc rối 590 tỷ USD của Trung Quốc

Kể từ năm 1999 đến nay, chưa bao giờ các công ty Trung Quốc gặp nhiều khó khăn trong việc thu hồi nợ đến vậy.


Theo số liệu mới được công bố, giờ đây một công ty Trung Quốc sẽ phải mất khoảng 83 ngày để thu được tiền mặt từ số hàng đã bán ra, lâu gấp đôi so với các thị trường mới nổi khác. Khi mà các khoản thanh toán
chậm trễ là tình trạng phổ biến trong tất cả các ngành từ công nghiệp tới công nghệ và tiêu dùng, khoản phải thu ở các công ty đại chúng ở Trung Quốc đã tăng 23% trong 2 năm qua, lên khoảng 590 tỷ USD, vượt cả GDP của Đài Loan.
“Núi” hóa đơn chưa được thanh toán cao hơn bất kỳ giai đoạn nào kể từ khi cựu Thủ tướng Chu Dung Cơ đóng cửa hàng nghìn doanh nghiệp nhà nước là bằng chứng rõ nhất thể hiện tình trạng thiếu hụt tiền mặt tại các doanh nghiệp nhỏ không chỉ đe dọa các ngân hàng và người nắm giữ trái phiếu mà đến toàn bộ chuỗi cung ứng. Tỷ lệ doanh nghiệp phá sản được dự báo sẽ tăng lên mức 20% trong năm nay, do đó nhiều công ty Trung Quốc sẽ buộc phải đứng trước hai lựa chọn không hề dễ chịu: tiếp tục bán hàng cho những khách hàng có khả năng không thu hồi được nợ, hoặc thu hẹp và chứng kiến doanh số sụt giảm.
Có thể dễ dàng tìm ra nguyên nhân tại sao việc thu hồi nợ ngày càng khó khăn. Các doanh nghiệp và người tiêu dùng đang gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh nền kinh tế suy giảm mạnh nhất kể từ năm 1990, trong khi tình trạng dư thừa công suất khiến chỉ số giá sản xuất liên tiếp sụt giảm. Mức nợ cao kỷ lục khiến nhiều công ty không thể trả nợ đúng hạn.
Những “cơn gió ngược” đang ngày càng lộ rõ trên báo cáo tài chính của các công ty Trung Quốc. Theo số liệu mà Bloomberg thu thập được, trung bình thời gian thu hồi nợ đã tăng từ mức 55 của năm 2010 và 79 của năm 2014 lên 83 ngày, cao hơn so với bất kỳ quốc gia nào trong nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới trừ Italy và gấp đôi mức 44 ngày của các công ty trong chỉ số MSCI Emerging Markets Index.
Ngành công nghiệp có thời gian thu hồi lâu nhất, lên tới 131 ngày. Theo sau là các công ty công nghệ (120 ngày) và doanh nghiệp viễn thông (118 ngày). Amy Sunderland, chuyên gia đến từ Grandeur Peak Global Advisors (Mỹ) cho rằng hơn 100 ngày là mức báo động đỏ. Trong danh mục đầu tư của mình bà tránh các công ty hoạt động trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng và bảo vệ môi trường.
Đây cũng là một dấu hiệu cho thấy doanh thu và lợi nhuận của các công ty Trung Quốc có thể yếu hơn so với những con số trên báo cáo. China First Heavy Industries, một công ty sản xuất thiết bị công nghiệp, dự báo sẽ lỗ ròng 270 triệu USD trong năm 2015. Có trụ sở ở tỉnh Hắc Long Giang, công ty này phải mất tới 1.260 ngày để thu hồi nợ trong 12 tháng kết thúc vào tháng 9 năm ngoái.
Cuối tuần trước, Thống đốc NHTW Trung Quốc Chu Tiểu Xuyên đã cảnh báo về núi nợ tại các doanh nghiệp Trung Quốc. "Đây là một rắc rối lớn khi mà số doanh nghiệp vỡ nợ ngày càng tăng, khiến môi trường kinh doanh xấu đi và các doanh nghiệp nhỏ cạn kiệt thanh khoản", Mahamoud Islam - chuyên gia kinh tế châu Á tại Euler Hermes - nhận định.
Thu Hương
Theo Trí thức trẻ/Bloomberg

Không có nhận xét nào: